Ngày 10/10, ông Nguyễn Hữu Tín - Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã chủ trì cuộc họp với đại diện các Sở ban ngành trực thuộc nhằm đưa ra giải pháp khắc phục các điểm đen tai nạn giao thông trên địa bàn.
Điểm đen thập diện mai phục
Theo báo cáo của Ban an toàn giao thông, hiện toàn thành phố còn 16 điểm đen và 15 tuyến đường thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông như: Đường Hương Lộ 2 (đoạn từ Mã Lò đến Quốc lộ 1A) phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, Đường dẫn cao tốc Sài Gòn Trung Lương, quận Bình Tân, Tuyến Quốc lộ 1A Quận Thủ Đức (Đoạn từ nút giao thông Thủ Đức đến cầu Bình Phước)…
Sự tồn tại của các điểm đen TNGT là do hạ tầng kỹ thuật giao thông còn hạn chế, phương tiện và dân số tăng nhanh, ý thức chấp hành luật của người dân còn kém và trên một số tuyến không có giải phân cách giữa xe hai bánh và ôtô như quốc lộ 1A...
![]() |
TP.HCM vẫn đang đau đầu khắc phục điểm đen giao thông |
"Điểm đen là trong một năm tại điểm đó xuất hiện 2 vụ tai nạn nghiêm trọng (có người chết) hoặc 3 vụ tai nạn trở lên, trong đó có một vụ nghiêm trọng hoặc 4 vụ trở lên, nhưng có người bị thương", ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban an toàn giao thông TP HCM lý giải.
Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2011, nút giao Nguyễn Văn Linh - quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) đã xảy ra 8 vụ TNGT làm 8 người chết, 4 người bị thương. Nút giao Trạm 2 (quận Thủ Đức) có ba vụ TNGT làm 3 người chết.
Như vậy, xét theo tiêu chí của Bộ GTVT, các điểm, tuyến đường “đen” vừa được TP.HCM công bố đều vượt tiêu chí là trong một năm có từ hai vụ TNGT và có người chết trở lên.
Vị Phó ban ANGT cũng kiến nghị UBND thành phố sớm phê duyệt nguồn vốn để cải thiện hạ tầng giao thông bằng cách: lắp đặt dải phân cách, bổ sung những biển báo cấm đậu xe, quy định tốc độ tối đa… nhằm chấm dứt các điểm đen và tuyến đường thường xuyên xảy ra tai nạn.
Đại tá Võ Văn Nhuận, Trưởng phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP.HCM (PC67) kiến nghị thành phố nhanh chóng lắp đặt dải phân cách trên quốc lộ 1A. Theo đại tá Nhuận, từ đầu năm đến nay trên quốc lộ 1A (đoạn qua thành phố) đã xảy ra 103 vụ tai nạn, trong đó 101 người chết và 31 người bị thương.
Khi tỉnh lộ trở thành… tử lộ
Cũng theo kiến nghị của Đại tá Nhuận, UBND TP.HCM cần chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ thi công tỉnh lộ 10 (gồm cả hai đoạn 10A và 10B) vốn là tuyến đường có nhiều điểm dễ xảy ra TNGT nhất.
Trên tuyến đường "đen" này, từ đầu năm đến nay đã có 15 vụ tai nạn, trong đó 15 người chết và 3 người bị thương.
Theo ghi nhận của VietNamNet, từ nhiều năm qua, việc thi công mở rộng tỉnh lộ này luôn diễn ra theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”, đoạn làm đoạn không. Người dân lưu thông qua tuyến đường này vô cùng bức xúc vì thường xuyên chống chọi với những đoạn gập ghềnh, ổ voi, ổ gà chằng chịt.
Mặt khác, tỉnh lộ 10 bị biến thành tử lộ cũng một phần do mỗi ngày có hàng chục xe máy chở thuốc lá lậu từ Đức Hòa, Long An chạy bạt mạng trên đường nhằm trốn tránh sự theo dõi của lực lượng quản lý thị trường; xe buýt, xe khách chở công nhân thường chạy ẩu, lấn tuyến…
Trong khi số vụ tai nạn giao thông trên tỉnh lộ 10 ngày càng tăng, một lãnh đạo Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 4 (xin được giấu tên), chủ đầu tư dự án mở rộng tỉnh lộ 10A cũng giãi bày nguyên nhân khiến việc thi công chậm trễ là “do địa phương giao mặt bằng từng đoạn một nên thi công không thể liên tục được”.
Cái khó ló cái nguy
Đối với quốc lộ 1A, Phó Chủ tịch thành phố đề nghị các sở ban ngành và UBND quận huyện khẩn trương rà soát và thực hiện ngay việc lắp đặt dải phân cách. Riêng các biển báo, đèn tín hiệu giao thông, hệ thống đèn chiếu sáng... còn thiếu, ông Tín yêu cầu bỏ qua phần xin thủ tục, chờ duyệt, thay vào đó là bắt tay vào làm ngay.
Mặc dù vậy, hiện công tác khắc phục điểm đen tai nạn giao thông vẫn còn gặp hàng loạt bất cập.
Điển hình như vòng xoay An Sương là cửa ngõ phía Tây TP.HCM là nút giao cắt giữa quốc lộ 1A và QL 22, từ sau năm 2000, khi các khu dân cư, khu công nghiệp ở phía bắc, tây-bắc TP và của tỉnh Tây Ninh phát triển mạnh thì lưu lượng xe các loại đi qua vòng xoay càng tăng nhanh.
Tuy nhiên, do được xây dựng từ những năm 1990 nên thiết kế vòng xoay đã trở nên lỗi thời không đáp ứng đủ chức năng giải toả lượng xe lưu thông nên dẫn đến ùn tắc thường xuyên và tai nạn là điều không tránh khỏi.
Không ít ý kiến cho rằng, cần mở rộng vòng xoay này nhưng trên cơ sở thực tế việc cắt xén các tiểu đảo để mở rộng vòng xoay An Sương hiện không thể làm được nữa vì đã đụng đến cả trụ cầu vượt.
Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 3 nhận định, có một biện pháp khác là cắt dải phân cách trước Bến xe An Sương để các loại xe khách, xe buýt từ trong bến ra quay đầu, chuyển hướng đi về Củ Chi, Tây Ninh mà không phải đi vào nút nhưng giải pháp này có thể gây ùn ứ trước bến xe, tạo thành điểm xung đột liên hoàn.
Cũng trong danh sách điểm đen TNGT trên địa bàn TP.HCM, dẫn đầu là đường Nguyễn Văn Linh với 15 vụ TNGT làm 15 người chết, 7 người bị thương. Sở GTVT đã kiểm tra thực tế yêu cầu Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư) sửa chữa ngay những chỗ hư hỏng nhưng 2 tháng sau những hư hỏng trên tuyến đường này vẫn chưa được khắc phục mà còn trở nên tơi tả hơn.
Một cán bộ Ban an toàn giao thông thành phố khi được hỏi chuyện này đã ngao ngán: “Sở GTVT đã từng phải ra cả “tối hậu thư” đề nghị Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận sửa ngay những vị trí hư hỏng nhưng họ bảo đang họp tìm phương án giải quyết (!)".
Quốc Quang