Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh vừa ra quyết định thu hồi bằng tốt nghiệp, bảng điểm và hủy bỏ kết quả thi, xét công nhận tốt nghiệp đối với 125 học viên cao đẳng liên thông khóa 2017-2019 khiến các học viên hoang mang.

Theo phản ánh của học viên, tháng 5/2017, Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh ký hợp đồng đào tạo với Trường Trung cấp Y tế Quảng Bình, mở lớp đào tạo hệ Cao đẳng ngành Dược và Hộ sinh liên thông từ hệ Trung cấp theo hình thức vừa học vừa làm.

{keywords}
Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh

Thời gian đào tạo là 2 năm. Có tất cả 125 học viên tại Quảng Bình đã đăng ký theo học hai lớp này, trong đó 73 học viên theo học ngành dược và 52 học viên theo học ngành hộ sinh.

Thu hồi do chưa hợp lệ

Đến năm 2019, các học viên hoàn thành khóa học và được cấp bằng tốt nghiệp. Tuy nhiên, đầu tháng 9 năm nay, họ bất ngờ khi nhận được thông tin nhà trường sẽ thu hồi bằng tốt nghiệp do chưa hợp lệ.

Lý do được đưa ra là vì quy trình đào tạo của trường đối với 125 học viên của 2 ngành chưa phù hợp với một số quy định trong Luật giáo dục nghề nghiệp.

Sau khi rà soát, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐTB&XH) đã yêu cầu thu hồi, hủy bỏ kết quả kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp và bằng tốt nghiệp đã cấp đối với 125 học viên nói trên.

Ông Trần Xuân Hoan, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh lý giải, trước đây theo quy định, các trường cao đẳng (ngoại trừ cao đẳng nghề) thuộc quản lý của Bộ GD-ĐT. Cuối 2016 thì chuyển về do Bộ LĐTB&XH quản lý theo Luật Giáo dục nghề nghiệp.

“Việc bàn giao từ Bộ GD-ĐT sang Bộ LĐTB&XH diễn ra muộn. Đến tháng 4/2017 bắt đầu mới chuyển giao, muộn so với cả nước. Trong khi đó nhà trường đã mở lớp liên kết trước mốc chuyển giao, đã được 2 tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh đồng ý bằng văn bản. Nếu trước đây nhà trường chịu sự quản lý của Bộ GD-ĐT thì giấy tờ như vậy là quá đủ rồi. Nhưng sau đó chuyển giao, cấp bằng tốt nghiệp xong thì Bộ LĐTB&XH lại rà soát lại đề nghị thu hồi bằng vì không đủ điều kiện”, ông Hoan nói.

Theo ông Hoan, nguyên nhân Bộ LĐTB&XH yêu cầu thu hồi bằng cấp bởi đoàn thanh tra của Bộ cho rằng thủ tục mở lớp thời điểm đó thiếu việc báo cáo, đăng ký với Bộ và thiếu một số tiết thực hành để đủ điều kiện cấp bằng tốt nghiệp.

“Theo Luật Giáo dục đại học của Bộ GD-ĐT thì việc liên kết không phải báo cáo, đăng ký ra ngoài Bộ, nhà trường chủ động tuyển sinh trên cơ sở đủ điều kiện. Còn theo với Luật Giáo dục nghề nghiệp của Bộ LĐTB&XH thì mình lại phải đăng ký, báo cáo ra Bộ về việc mở thêm địa điểm đào tạo”, ông Hoan nói thêm.

Sẽ dạy bù để cấp bằng mới

PV đặt câu hỏi tại sao trong quá trình đào tạo trường không làm đầy đủ, bổ sung thủ tục vì thời điểm đào tạo đã chuyển giao rồi?

“Khi đó trường đã mở lớp dạy học, đơn vị hơi chủ quan cứ nghĩ rằng việc mở lớp trước mốc chuyển giao nên cứ thực hiện theo luật cũ. Nếu Bộ linh động, những gì thực hiện trước mốc chuyển giao thì nên để như vậy, bắt đầu từ khóa sau mới thay đổi thì phù hợp hơn. Nhiều trường Cao đẳng Y tế đều vướng vấn đề này.

Việc thu hồi bằng là tốt cho sinh viên chứ không có gì làm hại sinh viên. Sơ suất của nhà trường là không tập trung sinh viên lại để giải thích cho các bạn rõ rằng nhà trường thu hồi bằng và sẽ đào tạo bổ sung rồi cấp bằng mới chứ không phải thu hồi hẳn khiến sinh viên hoang mang. Sự chủ quan và sơ suất nói trên, tôi xin nhận trách nhiệm”, ông Hoan cho hay.

Bà Nguyễn Thị Do Cam, Trưởng phòng đào tạo Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh cho hay: “Trong tuần tới, nhà trường sẽ cử cán bộ vào Quảng Bình để gặp mặt sinh viên, giải thích cho sinh viên hiểu. Đồng thời, sẽ tổ chức dạy bù trong thời gian sớm nhất, cấp bằng tốt nghiệp mới mà sinh viên không phải bỏ ra bất cứ khoản chi phí nào.

Trước đây, cán bộ vào tận Quảng Bình đào tạo cho sinh viên tại Trường Trung cấp Y tế, nhưng Bộ LĐTB&XH đánh giá Trường Trung cấp ở Quảng Bình thiếu 2 phòng học để bổ sung các tiết thực hành nên thời gian tới sinh viên sẽ học bổ sung tại Hà Tĩnh”.

Thiện Lương

Toàn cảnh học phí Y-Dược năm 2020, cao nhất gần 200 triệu đồng

Toàn cảnh học phí Y-Dược năm 2020, cao nhất gần 200 triệu đồng

Học phí một số trường công lập đào tạo Y, Dược tại TP.HCM lên tới 88 triệu đồng/năm, còn ở phía Bắc chỉ tăng nhẹ tới mức 14,3 triệu. Trong khi đó, tại một số trường tư, học phí cho ngành này có thể lên tới gần 200 triệu đồng.