Theo ông Nguyễn Trường Sơn - Phó cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai và biến đổi khí hậu. Hàng năm, Việt Nam phải đối mặt với hàng chục loại hình thiên tai như bão, lũ, hạn hán, sạt lở đất... gây thiệt hại lớn về người, tài sản và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của đất nước, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chiến lược, chương trình hành động, dự án cụ thể nhằm tăng cường năng lực ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Một trong những định hướng quan trọng là phát triển hạ tầng phòng, chống thiên tai có tính bền vững, dựa vào cộng đồng.

Mới đây, tại xóm Bản Chồi của xã Đình Phùng, công trình Nhà tránh trú cộng đồng vừa được khởi công theo định hướng kể trên.

Khoi cong Nha tranh tru cong dong.jpg
Nhà tránh trú cộng đồng tại xóm Bản Chồi (xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) dự kiến hoàn thành trong tháng 5 tới.

Vị trí đặt công trình Nhà tránh trú cộng đồng nằm ở điểm giao giữa 4 thôn xóm (Bản Chồi, Phiêng Chầu 2, Bản Ỏ, Lũng Vài), có khoảng 300 hộ dân sinh sống, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, tỉ lệ hộ nghèo lên đến 60%. Ở đây có nhiều điểm dễ xảy ra nguy cơ mất an toàn khi thiên tai. 

Công trình Nhà tránh trú cộng đồng là một phần trong khoản viện trợ quốc tế khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền Bắc bị thiệt hại nghiêm trọng bởi bão Yagi và lũ lụt do Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) phối hợp với Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường thực hiện, với sự tài trợ từ Chính phủ Nhật Bản.

“Công trình nhà tránh trú không chỉ là nơi trú ẩn an toàn cho người dân trong mùa mưa bão, mà còn đóng vai trò như không gian sinh hoạt cộng đồng, góp phần củng cố tinh thần đoàn kết, nâng cao nhận thức phòng chống thiên tai và gìn giữ bản sắc văn hóa địa phương. Chúng tôi đặc biệt đánh giá cao mô hình hỗ trợ từ quốc tế được triển khai bài bản, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm và hy vọng rằng mô hình này sẽ được nhân rộng ra nhiều địa phương khác trong thời gian tới” - ông Sơn bày tỏ.

Nhà tránh trú tại Bản Chồi được xây dựng tại địa điểm cao ráo, địa chất ổn định, không có nguy cơ lũ lụt, sạt lở. Tổng diện tích công trình gần 200m2, dự kiến hoàn thành trong tháng 5 tới, đảm bảo nơi trú tránh an toàn cho 150 người khi có thiên tai hoặc tình huống khẩn cấp.

Bà Kendra Rinas - Trưởng Phái đoàn IOM Việt Nam - cho biết cùng với việc xây dựng các nhà tránh trú cộng đồng, dự án còn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về việc tự bảo vệ bản thân trước, trong và sau mùa bão lũ. Cách tiếp cận toàn diện này sẽ tạo tiền đề vững chắc cho quá trình phục hồi. 

“Chúng ta cần hợp tác chặt chẽ để hiện thực hóa tầm nhìn chung về một cộng đồng Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và bền bỉ” - bà Kendra Rinas chia sẻ thêm.

Trong ba ngày 8-10/4, ông ITO Naoki - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam - và đoàn công tác của Đại sứ quán Nhật Bản, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã có chuyến thăm tỉnh Cao Bằng nhằm đánh giá những thành tựu và tiến độ của chương trình hỗ trợ khẩn cấp do Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Chương trình có tổng ngân sách 2 triệu USD, thực hiện trong 2 năm (2024-2025) nhằm hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi tại Việt Nam.

Trong đó, các dịch vụ thiết yếu về nước sạch, vệ sinh, môi trường (WASH) và bảo vệ trẻ em được triển khai thông qua UNICEF Việt Nam, mang lại lợi ích cho hơn 21,2 nghìn người dân. 

Còn IOM Việt Nam triển khai xây dựng các nhà tránh trú cộng đồng và cung cấp các hàng hóa phi thực phẩm cho gần 17 nghìn người tại Cao Bằng và các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề khác bởi bão.