ASML đã xin được giấy phép xuất khẩu ba loại máy in thạch bản cực tím (DUV) cao cấp sang Trung Quốc cho đến tháng 1/2024 khi quy định mới của Hà Lan có hiệu lực. Tuy nhiên, theo nguồn tin của Bloomberg, quan chức Mỹ đã tiếp cận ASML để yêu cầu họ dừng ngay lập tức số lô hàng định giao cho khách hàng Trung Quốc.

1200x800.jpg

 Trụ sở và nhà máy của ASML tại Veldhoven, Hà Lan. (Ảnh: Bloomberg)

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang muốn trấn áp nỗ lực của Bắc Kinh trong việc tạo ra ngành công nghiệp bán dẫn hiện đại của riêng mình. Mỹ và đồng minh đang tìm cách ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ chip nhập khẩu. Năm 2023, Huawei ra mắt mẫu smartphone mới nhất trang bị chip sản xuất từ máy in của ASML.

ASML xác nhận chính phủ Hà Lan đã thu hồi một phần giấy phép cho việc vận chuyển một số máy in thạch bản sang Trung Quốc, ảnh hưởng đến số ít khách hàng ở đại lục. Trong một tuyên bố, ASML cho biết gần đây đã trao đổi với Mỹ về quy mô và tác động của các biện pháp quản lý xuất khẩu.

Theo Bloomberg, cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã gọi cho chính phủ Hà Lan về vấn đề này cuối năm 2023 nhưng quan chức Hà Lan đề nghị Mỹ liên lạc trực tiếp với ASML. Sau đó, lô hàng chứa một số máy móc đã bị hủy theo yêu cầu của Mỹ, dù không rõ bao nhiêu thiết bị bị ảnh hưởng.

Mỹ bắt đầu gây sức ép lên ASML từ năm 2019 khi chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump thúc đẩy chính phủ Hà Lan cấm bán máy in thạch bản siêu cực tím (EUV) cao cấp nhất sang Trung Quốc. ASML là công ty duy nhất trên thế giới làm được công nghệ này, vốn dùng để sản xuất bán dẫn trong mọi thứ từ smartphone đến vũ khí quân sự tinh vi.

Đến thời ông Biden, chính phủ Hà Lan siết chặt kiểm soát xuất khẩu sang Trung Quốc vào năm 2023, cấm bán máy in DUV – sản phẩm hiện đại thứ hai sau EUV – từ ngày 1/1/2024. Trung Quốc đã gấp rút tích trữ máy in DUV từ đó tới nay.

Theo dữ liệu của hải quan Trung Quốc, từ tháng 7 đến tháng 11/2023, kim ngạch nhập khẩu máy in thạch bản của Trung Quốc tăng hơn 5 lần, lên 3,7 tỷ USD. Trung Quốc chiếm gần một nửa doanh số ASML trong quý ba năm ngoái, so với 24% của một quý trước đó và 8% ba tháng đầu năm 2023.

Tháng 10/2023, CEO ASML Peter Wennink cho biết các lệnh hạn chế xuất khẩu mới sẽ ảnh hưởng tối đa 15% doanh thu của hãng tại Trung Quốc.

Ông công khai phản đối biện pháp cấm xuất khẩu và cảnh báo nó sẽ là động lực để Trung Quốc phát triển công nghệ cạnh tranh. “Bạn càng đặt họ dưới áp lực, họ càng cố gắng hơn”, ông nói trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg News năm ngoái.

(Theo Bloomberg)