Nhiều tiểu thương ở các chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM phải đóng cửa sạp tạm thời hoặc thậm chí vĩnh viễn.


Đã 9 giờ sáng nhưng những hàng cá, thịt ở chợ Phú Lâm (Q.6) còn ê hề, khách vắng hoe. Chị Nguyễn Thị Chinh, bán cá ngay lối ra vào chợ, than vãn: “Dù ngồi mặt tiền mà vẫn ế. Ngoài kia, hàng cá hàng thịt bán rong đầy ra đó, chẳng ai thèm vào lồng chợ để mua”. Tình trạng tương tự cũng xảy ra trong lồng chợ Bình Tiên (Q.6), Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), Nguyễn Tri Phương (Q.10), Cây Da Sà (Q.Bình Tân), Gò Vấp (Q.Gò Vấp), Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh)...

Tại chợ Bình Tiên, nhiều sạp bán quần áo, trang sức dù ở sát lối ra vào nhưng vẫn đóng cửa ngưng hoạt động vì ế. Tương tự, tại lô C và F chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) những tiểu thương kinh doanh mặt hàng tươi sống đều than vãn không thể cạnh tranh được với chợ chồm hổm xung quanh. Trong khi đó, các con đường Dương Vân Nga, Đinh Điền, Tân Sơn Hòa quanh chợ Phạm Văn Hai cũng buôn bán tấp nập, đông đúc. Bao quanh chợ Phú Lâm là các trục đường Tân Hòa Đông, A1, A2, A3 bày bán đủ các loại mặt hàng.


Vì thế, một số tiểu thương khác chọn cách vừa bán trong lồng chợ, vừa thuê chỗ bên ngoài để bán. Chị Phương, một người bán thịt trên đường Tân Hòa Đông (Q.6), cho biết tuy có sạp trong chợ Phú Lâm nhưng đã đóng cửa, ra ngoài thuê nhà để bán.

Tiểu thương này giải thích mình làm như thế vì bên ngoài vừa đông khách, ít thuế, ít lệ phí, lãi cao hơn nên sống được chứ nếu tiếp tục bám sạp thì rất khó khăn. Thực tế, tình trạng bỏ sạp chợ để ra ngoài đang diễn ra khá phổ biến và khách hàng dường như cũng thích mua bên ngoài hơn.

Cô Phạm Thị Thúy, nhà ở đường Bà Hom (Q.6), nói: “Vào lồng chợ vừa mất tiền gửi xe, đi bộ xa xôi, chỉ cần chạy xe qua các ngã đường này là có thể mua được đủ loại hàng, từ thịt cá, thực phẩm khô cho đến quần áo...”.

Đó là nhận định của hầu hết ban quản lý các chợ xảy ra tình trạng bỏ sạp, nhất là tiểu thương kinh doanh mặt hàng tươi sống. Một lãnh đạo P.2, Q.Tân Bình, cho biết việc đẩy đuổi, dẹp chợ tự phát quanh chợ Phạm Văn Hai cũng như các điểm chợ tự phát khác được quận và phường phối hợp thực hiện nhiều lần, năm nào cũng làm vài đợt. Thế nhưng, chỉ cần lực lượng hết chốt đóng thì tình hình lấn chiếm biến mất, khi lực lượng rút đi bà con lại ào ào trở lại, thậm chí đông đúc hơn lúc trước.

Để “cứu” tiểu thương, ngoài việc kết hợp với chính quyền địa phương dẹp chợ tự phát, ban quản lý các chợ cũng đề ra nhiều giải pháp như giảm thuế, lệ phí, xây dựng khu chuyên biệt về mặt hàng tươi sống... Tuy nhiên, xem ra những giải pháp ấy cũng khó “kéo” tiểu thương trở lại sạp khi không có khách vào chợ.

(Theo Thanhnien)