W-Thap Ba 974A9227.jpg

Lễ hội Tháp Bà Ponagar diễn ra từ ngày 17-20/4 (tức từ ngày 20-23 tháng Ba âm lịch) tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Tháp Bà Ponagar nằm trên đường 2 Tháng 4, mở cửa đón khách tham quan miễn phí.

W-Thap Ba 974A9172.jpg

Từ sớm, nhiều đoàn khách, đặc biệt là người Chăm, đội lễ vật đến dâng lên Mẹ xứ sở Thiên Y Ana Thánh Mẫu tại tháp cổ Ponagar.

Tương truyền, bà Thiên Y Ana là người có công giúp dân biết trồng trọt, dệt vải... Để tưởng nhớ công ơn, vào tháng Ba âm lịch hằng năm, người dân Chăm - Việt khu vực Nam Trung Bộ lại kéo về Tháp Bà dâng hương.

W-Thap Ba IMG_8990.jpg

Lễ hội năm nay có các nghi thức truyền thống như: Lễ thay y Mẫu, lễ cầu quốc thái dân an, lễ cúng thí thực, lễ cúng giờ Tý, lễ khai diên, lễ tôn vương, lễ thả hoa đăng… Trong suốt thời gian diễn ra sự kiện còn có hoạt động dâng hương lễ Mẫu của các đoàn khách hành hương, người dân và du khách.

Trong khi chờ đến lượt làm lễ, nhiều đoàn khách chuẩn bị trầu cau, trái cây, rượu… phía ngoài khuôn viên tháp.

W-Thap Ba 974A8956.jpg

Ngoài người dân địa phương, hàng nghìn người Chăm ở các tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Nam, Lâm Đồng… về đây dự lễ. Người Chăm thực hiện nghi lễ tại di tích để cầu mong những điều tốt đẹp.

Nhiều người Chăm quây quần dưới tháp cổ trong không khí trang nghiêm, thể hiện tấm lòng thành kính với Mẹ xứ sở.

W-Thap Ba IMG_9050.jpg

Ông Năm Trầu (người Chăm ở xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) cho biết, đồng bào Chăm khi đến lễ Mẫu thường mang theo lễ vật như rau củ, hoa trái, gà. “Khi cúng, tôi thường cầu cho các gia đình có sức khỏe dồi dào, vợ chồng anh em hòa thuận, con cháu ngoan ngoãn, học hành tấn tới. Về với Mẹ là ngày vui, ai cũng chỉ nghĩ đến những điều tốt đẹp để nhớ về người đã có công khai hoang, phục hóa, dạy bảo chúng dân”, ông chia sẻ.

W-IMG_8936 Recovered.jpg

Chức sắc Kadhar Lũy (63 tuổi, người Chăm, quê tỉnh Ninh Thuận) có 8 người con. Mỗi năm, ông cùng gia đình đều từ Ninh Thuận đến Tháp Bà Ponagar thực hiện nghi lễ cầu an của đồng bào Chăm.

“Nghi lễ cầu an mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, lứa đôi hòa hợp, sức khỏe gia đình bình an, ấm no và hạnh phúc”, ông Lũy nói.

W-Thap Ba IMG_9009.jpg

Đàng Thị Kim Lệ (25 tuổi, người Chăm, quê Bình Thuận), từng đạt danh hiệu “Người đẹp bản sắc” tại cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2022, có mặt tại lễ hội Tháp Bà Ponagar.
Sáng nay cô cùng mẹ từ Bình Thuận đi xe đến Nha Trang dự lễ, đến tối sẽ trở về. Cô cầu mong gia đình bình an, mạnh khỏe và mọi việc hanh thông.

W-Thap Ba IMG_9091.jpg

Một trong những người Chăm gây ấn tượng là anh Đàng Xuân Kỷ (32 tuổi), chức sắc Kadhar kiêm nghệ nhân ở huyện Ninh Phước, Ninh Thuận. Anh là nghệ nhân trẻ nhất trong cộng đồng người Chăm có thể sử dụng thành thạo các nhạc cụ truyền thống như trống ginăng, trống paranưng, kèn saranai, đàn kanhi...

W-Thap Ba IMG_9115.jpg

Lễ hội Tháp Bà Ponagar là một trong những lễ hội dân gian truyền thống có quy mô lớn tại Khánh Hòa. 

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Khánh Hòa, những ngày qua đã có hàng chục nghìn người đến Tháp Bà Ponagar. Dự kiến, lễ hội năm nay sẽ có khoảng 100 đoàn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu từ Khánh Hòa và các địa phương trong, ngoài nước tham gia.

W-Thap Ba DJI_20250417101431_0997_D.jpg

Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết: Lễ hội Tháp Bà Ponagar không chỉ là sự kiện văn hóa thường niên mà còn là dịp để người dân thể hiện lòng biết ơn với Mẹ xứ sở Thiên Y Ana. Thời gian qua, địa phương luôn giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị độc đáo của di tích, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa gắn với cộng đồng.

Dưới vương triều Panduranga, người Chăm xây dựng các đền tháp trên đồi Cù Lao ở xứ Kauthara để thờ nữ thần Ponagar – Mẹ xứ sở của người Chăm, thường gọi là Tháp Bà Ponagar. Di tích có niên đại từ khoảng thế kỷ VIII đến thế kỷ XIII.
 Năm 1979, Tháp Bà Ponagar được xếp hạng là di tích quốc gia. Năm 2012, lễ hội Tháp Bà Ponagar được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hồi tháng 1 vừa qua, di tích này được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.