Dự án Hợp tác đổi mới giáo dục đại học được thực hiện bởi Đại học Indiana (Mỹ), tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế (USAID) với đối tác là 3 đại học Việt Nam gồm ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Đà Nẵng nhằm đổi mới về quản trị, giảng dạy và nghiên cứu. Đây là dự án thúc đẩy đổi mới giáo dục đại học đã được đề ra trong Luật giáo dục đại học sửa đổi năm 2018.  

Trong giai đoạn 2022-2024, dự án đã triển khai các hoạt động như tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho hơn 2.000 lãnh đạo, giảng viên, nhà khoa học từ 3 đại học và 19 trường thành viên; tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học chuyên đề nhằm đẩy mạnh hoạt động hợp tác nghiên cứu; tư vấn phát triển các chương trình đào tạo, hệ thống thông tin quản lý… 

Cụ thể, hợp phần Đối mới quản trị đại học đã xây dựng và triển khai hệ thống quản trị theo kết quả, hệ thống thông tin quản lý, xây dựng các Dashboard phục vụ cho việc điều hành. Bên cạnh đó, công tác đảm bảo chất lượng bên trong của các chương trình đào tạo được nâng cao thông qua việc phát triển các quy trình, công cụ, hướng dẫn nhằm đảm bảo các chương trình đào tạo đáp ứng được nhu cầu người học và thị trường lao động, hướng tới phát triển nguồn nhân lực có chất lượng. Song song đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý chủ chốt của ba Đại học được nâng cao năng lực lãnh đạo, học tập mô hình quản trị từ trường ĐH Indiana.

Về hợp phần Nâng cao chất lượng dạy và học, 620 giảng viên của ba đại học được phát triển chuyên môn giảng dạy thông qua các khóa đào tạo cho giảng viên như “Giảng dạy vì thành công của sinh viên”, “Phát triển chuyên môn trong Giảng dạy kết hợp”. Đồng thời, Dự án đã hỗ trợ phát triển năm khóa học trực tuyến, góp phần thúc đẩy tiến trình đào tạo trực tuyến phù hợp mô hình giáo dục đại học số của từng đơn vị. 

z6127375930905_758aec092d325888206b897b230b67d7.jpg
Dự án Hợp tác đổi mới giáo dục đại học được thực hiện bởi Đại học Indiana (Mỹ), tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế (USAID)

Về hợp phần Nâng cao năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, các đại học được hỗ trợ nâng cao năng lực nghiên cứu thông qua hoạt động xây dựng và phát triển các Mạng lưới học thuật Việt Nam – Quốc tế; cải thiện hệ thống quản lý và hỗ trợ nghiên cứu; triển khai chương trình trao đổi học giả... 

Dự án đã hỗ trợ các đại học triển khai các hội thảo khoa học quốc tế với sự tham gia của các nhà khoa học uy tín quốc tế và nhằm mở rộng mạng lưới kết nối. Bên cạnh đó, ba đại học đã hoàn thiện các quy chế, quy định về liêm chính khoa học, hội đồng đạo đức nghiên cứu, hướng đến một nền khoa học trung thực, trách nhiệm và minh bạch.

Về hợp phần Tăng cường kết nối đại học-doanh nghiệp, dự án tạo điều kiện để thế hệ trẻ phát triển toàn diện và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. 170 sinh viên được tập huấn nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và lãnh đạo, phát triển tiềm năng sáng tạo và làm chủ tương lai.

GS.TS Trần Ngọc Anh, Chủ nhiệm dự án cho biết với những kết quả đã đạt được, dự án mong muốn đóng góp hiệu quả vào việc thúc đẩy hoạt động đổi mới giáo dục đại học tại Việt Nam, đáp ứng mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Loạt trường đại học sắp 'lên' đại họcNgay sau kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết sẽ thành lập thêm 3 trường trong năm học tới nhằm đạt đủ điều kiện để chuyển thành đại học vào năm 2025.