Khi chơi thể thao ở bãi cỏ cách bìa rừng khoảng 15m, một số người dân ở Hoà Bình phát hiện 2-3 con ong khoái (ong mật) khổng lồ Đông Nam Á (tên khoa học là Apis dorsata) bay xung quanh. Bị ong bất ngờ tấn công, người dân hoảng hốt, đập chết 1 con ong.
Ngay lập tức một đàn ong với số lượng hàng nghìn con, bay đến tấn công tất cả mọi người.
Theo lời kể của các bệnh nhân, có những người bị ong đậu kín trên da vùng đầu, mặt, cổ, 2 cánh tay và đàn ong tạo ra âm thanh rất đáng sợ. Mọi người phải chạy hơn cây số mới thoát khỏi sự truy đuổi của đàn ong hung hăng này.
Ngay sau đó, các nạn nhân được hỗ trợ đưa lên xe chở thẳng đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
BS Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc 1 (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình) cho biết, khoa tiếp nhận 4 trong số hơn 10 người bị ong đốt. Đây là những người có dấu hiệu nhiễm độc nặng do bị hơn 50 vết đốt.
Trong số này, có 2 người xuất hiện thêm triệu chứng sốc phản vệ. Số còn lại bị ong đốt ít nốt hơn, triệu chứng nhẹ, sau khi theo dõi sức khoẻ ổn định, xin về nhà tự theo dõi.
Trong quá trình cấp cứu, nhân viên y tế còn bắt được 3 con ong và nhổ được rất nhiều ngòi ong trên cơ thể người bệnh.
Theo BS Tình, khi bị ong đốt, người bệnh sẽ đối diện với 3 nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng: sốc phản vệ do nọc độc của ong, biến chứng suy đa tạng do nọc độc của ong (hay gặp nhất là suy thận cấp, suy gan cấp, rối loạn đông máu) và nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập qua vết đốt của ong (nguy hiểm nhất là vi khuẩn uốn ván).
Chính vì vậy, khi không may bị ong đốt, người dân nên đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu và theo dõi sức khỏe.
Ong mật có ngòi chứa nọc hình răng cưa nên khi đốt chúng mắc luôn vào da để lại ngòi độc tại vết đốt. Nếu bị ong mật đốt, cần lấy ngòi ra bằng cách dùng thẻ nhựa cứng hoặc sống dao gạt ngang qua vết đốt có ngòi độc. Nếu dùng móng tay hoặc nhíp, tránh bóp nặn ép ngòi ong, nếu không nó sẽ tiết nọc độc vào sâu bên trong da.
Ong mặt quỷ đốt chi chít đầu, cổ cậu bé lớp 7