Hãng nghiên cứu quảng cáo trực tuyến Forensiq cho rằng hiện có hàng ngàn ứng dụng Android và iOS đang chạy quảng cáo ngầm khiến smartphone tốn pin, 3G; đồng thời khiến các nhà quảng cáo phải chịu thiệt hại gần 1 tỷ USD mỗi năm.

Khi sử dụng các ứng dụng di động, đặc biệt là ứng dụng miễn phí, hẳn chúng ta đã không còn lạ với những đoạn quảng cáo trên đó. Đây là điều dễ hiểu: khi nhà phát triển cho không ứng dụng tới người dùng, họ cần quảng cáo để kiếm tiền.

Tuy nhiên, hiện nay người dùng đang phải đối mặt với hàng ngàn ứng dụng di động bí mật chạy quảng cáo ngầm làm tốn pin và chậm hệ thống. Thủ đoạn này cũng gây thiệt hại cho các marketer, với con số lên tới gần cả tỷ USD mỗi năm. Đáng chú ý, việc gian lận xảy ra ngay cả với các ứng dụng được tải từ kho "chính chủ" của Google lẫn Apple. 

{keywords}
Hàng ngàn ứng dụng di động đang chạy quảng cáo ngầm để trục lợi. 

Đây là thông tin được Forensiq - một hãng chuyên về theo dõi việc gian lận trong quảng cáo trực tuyến, kết luận. Theo Forensiq, sau hơn 10 ngày nghiên cứu, họ thấy rằng 1% trong số tất cả các thiết bị mà họ quan sát được tại Mỹ, chạy ít nhất một ứng dụng chứa loại quảng cáo gian lận này. Ở châu Âu và châu Á, con số còn cao hơn, từ 2 đến 3%. Forensiq xác nhận hiện có trên 5.000 ứng dụng trên cả App Store và Google Play đang chạy quảng cáo ngầm, và các nhà marketer đang bị thiệt hại tới 850 triệu USD mỗi năm vì hành vi đó. Theo kết luận, các ứng dụng có tỷ lệ chạy quảng cáo ngầm nhiều nhất sẽ làm ngốn tới 2 GB dữ liệu/ngày trên một thiết bị. 

Theo nhiều cách khác nhau, các ứng dụng này hoạt động giống như những botnet lừa đảo người dùng. Tuy nhiên, nếu như botnet được cài đặt một cách "bất hợp pháp" trên máy tính và người dùng không hề hay biết, thì ứng dụng di động chạy quảng cáo ẩn được cấp phép để đưa lên Play Store và App Store hoàn toàn công khai. Nhiều ứng dụng là các game hoặc các tiện ích đơn giản, và chúng có vẻ có một lượng người dùng thực thụ chứ không phải chỉ được tạo ra để chạy quảng cáo. "Chúng không phải là những Angry Birds hay Candy Crush, nhưng đây là những ứng dụng mà nhiều người sử dụng và họ thậm chí ưa thích chúng" - David Sendroff, nhà sáng lập của Forensiq, cho biết. 

Forensiq không chỉ mặt, điểm tên những ứng dụng mà họ nghi ngờ, tuy nhiên, theo Bloomberg, hãng này đã có những demo thực tế chứ không hề "nói vo". Một trong số đó là ứng dụng về hướng dẫn cho trẻ con bú sữa trên iOS được phát triển bởi tạp chí American Baby và nhà phát triển Sevenlogics. Một số người dùng cũng để lại những lời đánh giá như "bực mình, thất vọng" với phần mềm này. 

Alex Cheng, Chủ tịch của hãng phát triển Sevenlogics, phản pháo lại kết luận của Forensiq rằng hãng này không bổ sung thêm bất kỳ đoạn mã nào vào phần mềm để chạy quảng cáo ẩn. Cheng, tuy nhiên, cho biết công ty anh hợp tác với các công ty quảng cáo và những công ty này thường xuyên thay đổi công nghệ quảng cáo của mình. "Chúng tôi đang giám sát chặt chẽ các đối tác để ngăn chặn những loại quảng cáo xâm nhập" - Alex Cheng cho biết. 

Trong khi đó trên nền tảng Android, rất nhiều người dùng để lại lời than phiền ở mục đánh giá (review) đối với hàng loạt game trên Play Store. Trong số này phải kể tới các game Waxing Eyebrows, Celebrity Baby, và Vampire Doctor, tất cả đều do nhà phát triển Girls Games Only phát hành. Forensiq cũng đưa ra một video cho thấy các ứng dụng này được chèn mã để chạy các quảng cáo ẩn từ các công ty như Microsoft, Coca-Cola, và Mercedes Benz. Forensiq cho rằng chính các quảng cáo ngầm này là nguyên nhân gây ra các vấn đề về hiệu năng mà người dùng phản ánh. Girls Games Only không đưa ra bình luận nào về kết luận của Forensiq, và mới đây, ứng dụng của hãng này cũng đã bị Google đình chỉ hoạt động. 

Việc các ứng dụng lén lút chạy quảng cáo rõ ràng đã vi phạm quy định trên các kho Play Store và App Store. Tuy nhiên, làm thế nào để xác định chúng lại không hề dễ dàng. Sendroff, nhà sáng lập của Forensiq, khuyên người dùng rằng cách tốt nhất để xác định là theo dõi băng thông tiêu thụ (hiện cả Android và iOS đều được tích hợp công cụ theo dõi này). Nếu nhận thấy smartphone của mình đột nhiên ngốn nhiều lưu lượng, hãy tìm và gỡ các ứng dụng lạ mà bạn cài vào bởi rất có thể chúng chính là nguyên nhân của vấn đề. 

Theo ICTnews/Bloomberg