Giữa đợt nắng nóng lên tới 38 độ, hàng ngàn nhân viên Samsung Việt Nam vẫn tích cực tham gia chiến dịch “Chung dòng máu Việt 2018”.
Với chủ đề “Tiếp lửa tuổi thanh xuân”, lễ phát động chương trình hiến máu tình nguyện Chung dòng máu Việt 2018 đã được phát động ngày 21/6/2018 tại nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (Thái Nguyên), nơi có 70.000 cán bộ, công nhân viên của Samsung Việt Nam.
Đây là chương trình được Samsung Việt Nam tổ chức hàng năm với sự phối hợp của Viện huyết học và Truyền máu Trung ương cùng Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Thái Nguyên.
Trước đó, trong 3 ngày từ 4 - 6/6, chương trình Chung dòng máu Việt 2018 cũng đã được tổ chức tại nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (Bắc Ninh), với sự góp mặt của gần 40.000 nhân viên thuộc nhà máy. Theo kỳ vọng từ phía Samsung Việt Nam, sẽ có ít nhất 10% lượng cán bộ, công nhân viên tham gia hiến máu trong chương trình, tức là vào khoảng 11.000 người.
Giữa đợt nắng nóng lên tới 38 độ ở các tỉnh phía Bắc, những kết quả đầu tiên mà Chung dòng máu Việt 2018 nhận về khá khả quan. Theo đó, ở thời điểm hiện tại, đã có khoảng 9.000 nhân viên Samsung Việt Nam tham gia hiến máu, với số máu thu về là gần 7.500 đơn vị
Thực tế, tình trạng thiếu máu cho cấp cứu, điều trị y tế diễn luôn diễn ra trong những năm gần đây. Nguyên nhân của điều này thường được lý giải bằng thời tiết nắng nóng kéo dài, người dân ngại ra khỏi nhà để tới các điểm hiến máu hay khu vực tiếp nhận máu lưu động. Đặc biệt, đây cũng là thời điểm học sinh, sinh viên - lực lượng hiến máu chính hiện nay - đang trong giai đoạn thi cử và nghỉ hè nên khó có thể tham gia vào các hoạt động hiến máu.
Dù vậy, ở thời điểm từ tháng 6 - tháng 8 hàng năm, nhu cầu khám chữa bệnh luôn tăng mạnh. Và như phân tích của các chuyên gia y tế, tình trạng khan hiếm máu kéo dài như thế này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc điều trị cho bệnh nhân, trong đó nguy hiểm nhất là các bệnh nhân đang có kế hoạch phẫu thuật hay những bệnh nhân thiếu máu cấp, mãn tính phải truyền máu trong một thời gian dài.
“Diễn ra vào khoảng thời gian này, chiến dịch hiến máu tình nguyện của Samsung thật sự là một đóng góp to lớn và kịp thời”, TS.BS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu TƯ, nơi cung cấp máu cho hơn 150 bệnh viện phía Bắc, nhận xét.
Đây không phải là đợt hiến máu đầu tiên của Samsung Việt Nam trong năm 2018. Vào đầu năm nay, trong chiến dịch Chủ nhật đỏ, hơn 2500 cán bộ, nhân viên của Samsung Việt Nam đã tham gia hiến máu và đóng góp thành công gần 1900 đơn vị.
Xa hơn, Chung dòng máu Việt 2018 là lần thứ 9 Samsung phát động chiến dịch này kể từ năm 2010. Liên tiếp trong 8 năm trước, hơn 41.000 cán bộ nhân viên của công ty đã tham gia hiến máu và bổ sung hàng chục ngàn đơn vị máu cho ngành y tế Việt Nam, vào các thời điểm mà nhu cầu dự trữ máu cho mùa hè trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Như thông điệp đang được sử dụng trong ngành huyết học: “một lần hiến máu giúp được 3 người”, đóng góp từ lượng máu ấy đã giúp Samsung trở thành một trong những doanh nghiệp ưu tú nhất, trong số hơn 300 doanh nghiệp phối hợp ổ chức các chương trình hiến máu tình nguyện với Viện Huyết học Truyền máu Trung Ương.
Theo chia sẻ từ phía Samsung, với tinh thần “mỗi giọt máu cho đi- một cuộc đời ở lại”, tham gia hoạt động cũng chính là cách nâng cao nhận thức của người Samsung về việc chia sẻ với cộng đồng thông qua việc hiến máu tình nguyện, đồng thời thông qua đó góp phần cải thiện ý thức về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của mỗi cá nhân.
Ông Bae IL Hwan - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Samsung Việt Nam Thái Nguyên phát biểu tại Lễ Phát động Chương trình Chung dòng máu Việt 2018 |
“Tuy chúng ta khác nhau về dân tộc, phong tục tập quán, ngôn ngữ nhưng cùng chung một tấm lòng, một trái tim. Đó là sự sẻ chia và yêu thương giữa con người với con người”, ông Bae IL Hwan- Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Samsung Việt Nam Thái Nguyên, chia sẻ với các nhân viên tham gia hiến máu trong sáng 21/6 - “Tôi rất trân trọng những giọt máu của các bạn. Đó là những giọt yêu thương, những giọt nhân ái mà các bạn đã trao tặng cho đồng bào mình để phục vụ một ý nghĩa cao cả nhất: giành lại sự sống cho bệnh nhân.”
P.V