Ngày 19/5, theo nguồn tin thân cận của Reuters, Google có thể đã đình chỉ một số hạng mục hợp tác với Huawei. Gã khổng lồ tìm kiếm yêu cầu Huawei bàn giao tất cả các sản phẩm phần cứng, phần mềm có liên quan tới Google.

Tuy nhiên, các sản phẩm được bảo vệ với giấy phép mã nguồn mở, chẳng hạn Android phiên bản mã nguồn mở (Android Open Source Project - AOSP), Huawei vẫn được sử dụng nhưng không có các dịch vụ Google đi kèm như Gmail, YouTube, Search...

{keywords}
Liên tục gặp những tin xấu, Huawei đang yếu đi trong mắt các đối thủ. Ảnh: Reuters

Như vậy, những sản phẩm mang thương hiệu Huawei đã có mặt trên thị trường sẽ tiếp tục sử dụng bản Android hiện tại và không được cập nhật thêm. Các sản phẩm trong tương lai của Huawei, sẽ không có các dịch vụ Google như Gmail, YouTube, Google Play...

Trên thực tế, các đối thủ của Huawei có thể đang mừng thầm trong bụng bởi họ có thể bớt đi một "dấu răng" lớn trên "miếng bánh" vốn dĩ đang teo lại từng ngày.

Tuy nhiên, niềm vui nỗi buồn ở mỗi hãng điện thoại lại rất khác nhau.

Apple: "Trâu bò đá nhau ruồi muỗi chết"

Tuy cạnh tranh ở vị trí hãng điện thoại di động lớn thứ 2 trong những năm qua, nhưng Apple có thể sẽ không mong muốn kết cục xấu cho Huawei ở thời điểm này. Bởi Apple chưa thực sự sẵn sàng để thoát khỏi lệ thuộc với Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc đang xem Apple là con tin trong ván cờ chiến tranh thương mại với Mỹ. Sau động thái mạnh tay với Huawei của chính phủ Mỹ, có thể Apple sẽ là mục tiêu trả đũa của Trung Quốc.

{keywords}
Trung Quốc chiếm 20% doanh thu của Apple với 51,9 tỷ USD năm 2018. Ảnh: Statista

Ước tính mỗi năm công ty gia công Foxconn tại Trung Quốc xuất xưởng 150 triệu chiếc iPhone, 20 triệu iPad cùng các thiết bị điện tử khác cho Apple.

"Phần lớn các sản phẩm phần cứng của Apple bao gồm iPhone, iPad, Watch và Mac được lắp ráp, nhập khẩu từ Trung Quốc, rủi ro chịu thuế nhập khẩu khá lớn", Peter Sankar, nhà phân tích tại Cowen nhận định.

Hiện Apple đang sản xuất thiết bị tại nhiều quốc gia như Ấn Độ, Indonesia... Tuy vậy, táo khuyết vẫn gần như phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Hãng điện thoại từ Mỹ vẫn chưa quyết liệt trong việc dịch chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc dù mầm mống chiến tranh thương mại đã nổ ra từ năm 2012.

Theo danh sách đối tác cung ứng đăng tải trên trang của Apple, hiện công ty có hơn 300 đối tác đến từ Trung Quốc. Điều này khiến các sản phẩm Apple chịu ảnh hưởng kép khi vừa gánh thuế nhập khẩu nếu được bán cho người Mỹ, nơi nắm 40% doanh thu của công ty, vừa bị thị trường Trung Quốc tẩy chay.

Tháng 11/2018, Tổng thống Mỹ nói với tờ Wall Street Journal rằng ông sẽ áp thuế smartphone và laptop. Đồng nghĩa việc người dùng sẽ "có thể chịu" mức giá cao hơn 10%.

Những chiếc iPhone có giá khởi điểm từ 750-1.450 USD. Bất kỳ mức thuế nào áp lên cũng có thể khiến smartphone của Apple vượt quá khả năng chi tiêu của người dùng.

Đó là sản xuất. Về phần tiêu thụ sản phẩm, theo Statista, Trung Quốc chiếm 20% doanh thu của Apple trong năm 2018 với 51,9 tỷ USD.

{keywords}
Apple là hãng có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau việc Google tẩy chay Huawei

Trong cuộc chơi này, 60% doanh số của Apple đang chịu ảnh hưởng của chiến tranh thương mại. Trong khi đó, Huawei có 50% doanh số bán ra trong nước. Như vậy, Google "nghỉ chơi" với Huawei, Apple chịu ảnh hưởng khá nặng nề.

Nếu hứng trọn làn sóng tẩy chay hoặc một lệnh cấm nào đó từ chính phủ Trung Quốc, số phận Apple cũng không kém phần bi thảm so với Huawei.

“Đó là các công ty bán máy tính, máy chủ và thiết bị viễn thông. Nhưng nếu họ thực sự muốn trả đũa, đó phải là một công ty Mỹ rất nổi tiếng”. Tim Bajarin, chuyên gia phân tích công nghệ người Mỹ nói. Như vậy, công ty công nghệ rất nổi tiếng ở đây là Intel, Microsoft hay Apple?

Samsung: "Ngư ông đắc lợi"

Tại Trung Quốc, Samsung đang chật vật mới có thể lọt vào top 10 những hãng điện thoại lớn tại Trung Quốc. Vì vậy, họ không có gì phải lo khi căng thẳng giữ Mỹ và Trung leo thang. Bên cạnh đó, Trung Quốc không muốn có thêm đối thủ là Hàn Quốc về phe Mỹ.

Tuy nhiên, việc mất lợi thế ở thị trường thế giới thôi thúc Huawei tập trung vào thị trường trong nước. Điều này có thể khiến Samsung biến mất khỏi bản đồ smartphone của thị trường đông dân nhất hành tinh này.

{keywords}
Biến cố của Huawei giúp Samsung gia tăng cách biệt với Apple và Huawei

Tóm lại, Samsung đang nắm trong tay phần lợi bởi trong cuộc chiến thương mại này, cả hai đối thủ Apple và Huawei đều "bị thương". Đây là cơ hội cho Samsung gia tăng cách biệt, bảo vệ ngôi vương đang bị Huawei lăm le từ lâu.

Samsung đang ở thế không bị cấm ở Mỹ, Trung, mạnh ở Ấn, không bị áp thuế nhập/xuất khẩu cao, không dính "dớp" an toàn thông tin. Tóm lại, Samsung là bên được lợi.

Oppo, Vivo, Oneplus, Xiaomi… không tự quyết định số phận

Đều là những thương hiệu đến từ Trung Quốc, Oppo, Xiaomi, Vivo, OnePlus có thể chịu kết cục như Huawei bất kỳ lúc nào. Tuy vậy, những thương hiệu này quá nhỏ để có thể bị ông Trump chú ý. Những công ty này cũng không quá "nguy hiểm" với Mỹ bởi không có trong tay công nghệ 5G cũng như tiềm lực hùng mạnh như Huawei.

Việc có thể làm của nhóm thương hiệu này là ngồi chờ cách Huawei xử lý vấn đề, sau này áp dụng cho bản thân nếu gặp chuyện. Bên cạnh đó, các thương hiệu trên cũng nên mừng thầm khi không bị chính quyền ông Trump chọn là mục tiêu. Bởi không phải cứ nhỏ là an toàn, ZTE là một tấm gương.

Huawei tuyên bố đã tạo ra một hệ điều hành mới có khả năng thay thế Android trong trường hợp bị "ép vào đường cùng". Đây có thể là tia sáng mới cho thị trường di động vốn quá lệ thuộc vào Google. Nhưng đó cũng là bài toán chết chóc mà Huawei phải giải, bởi Nokia, Amazon, Microsoft... đều đã đầu hàng vô điều kiện khi tự phát triển hệ điều hành riêng.

Những thương hiệu như Oppo, Vivo, Xiaomi, Vivo có thể cân nhắc hợp tác với hệ điều hành mới của Huawei này. Vừa ủng hộ "đồng hương" Huawei, vừa tránh lệ thuộc vào nền tảng Google của Mỹ.

Theo Zing

Mỹ nương tay, lùi thời hạn trừng phạt Huawei

Mỹ nương tay, lùi thời hạn trừng phạt Huawei

Nhà sản xuất Trung Quốc sẽ có thêm 3 tháng để tiếp tục cập nhật phần mềm trên smartphone, trước khi Mỹ chính thức áp dụng lệnh cấm bán công nghệ.