LỜI TÒA SOẠN

Gần 2 tuần điều trị vì ngộ độc thực phẩm sau ăn bánh mì thịt mua tại tiệm Cô Băng, Đồng Nai, một bệnh nhi 6 tuổi phải thở máy và lọc máu tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). Đây là vụ ngộ độc sau ăn bánh mì có số lượng người bị ảnh hưởng rất lớn, lên tới gần 600 người.

Đáng nói, đây không phải lần đầu xảy ra vụ ngộ độc do ăn bánh mì, một món ăn đặc trưng cho loại hình kinh doanh thức ăn đường phố, thức ăn nhanh bán mang về. Ngoài ra, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm do đồ ăn, thức uống bán trước cổng trường, vỉa hè cũng từng được ghi nhận.

Sau khi VietNamNet liên tục đăng tải các thông tin liên quan các vụ việc này, nhiều bạn đọc gửi ý kiến chia sẻ về loại hình thức ăn đường phố qua diễn đàn "Làm gì để ngăn ngừa những vụ ngộ độc do thức ăn đường phố?".

Bài 1: Cảnh ăn uống mất vệ sinh khắp phố phường Hà Nội

 Bán - mua chỉ nhờ vào "tin và tiện"

Cho rằng thức ăn đường phố là nét văn hóa, đặc trưng ẩm thực tại nhiều địa phương, độc giả Như Bình chia sẻ loại hình này phong phú chủng loại từ bún, phở đến cơm, cháo, nước giải khát, bánh kẹo, hoa quả…, người dân có thể lựa chọn đồ ăn, thức uống với giá cả phù hợp, tiện lợi. Kinh doanh thức ăn đường phố cũng tạo ra công việc, thu nhập cho nhiều người lao động, đặc biệt là những lao động thời vụ.

Đồng ý với quan điểm của độc giả Như Bình, bạn đọc có tên Hoàng Lê cho rằng thực phẩm đường phố rất hấp dẫn, bắt mắt, hợp khẩu vị nhiều người. "Trẻ con nhà tôi rất thích ăn thịt xiên nướng ở đầu ngõ, trở thành khách hàng quen thuộc, chiều nào đi học về cũng đòi mua bằng được, coi đây là bữa xế", độc giả này chia sẻ.

Tuy nhiên, độc giả Như Bình cho rằng bằng mắt thường cũng có thể thấy, kinh doanh thức ăn đường phố tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro. 

Trước hết là điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo, không ai dám chắc nguồn nguyên liệu được lựa chọn kỹ, có nguồn gốc, được bảo quản đúng hay không, thậm chí là... còn hạn sử dụng hay không. Ai kiểm tra được lọ tương ớt cho vào bánh mỳ có còn hạn khi người mua chỉ chờ để nhận hàng rồi trả tiền?

W-banhmy_thuc_an_duong_Pho attp_thachthao.png
Bánh mì là món ăn đường phố nhiều người ưa thích. Ảnh: Thạch Thảo 

Nơi bán hàng kinh doanh thức ăn đường phố thường ở khu vực đông người, gần khu công cộng như đường phố, trường học, bệnh viện, chợ, bến tàu xe, sao ngăn được nguy cơ ô nhiễm các vi sinh vật gây bệnh, hóa chất độc hại, gây rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm?

"Sau nhiều vụ việc ngộ độc thực phẩm do ăn thức ăn đường phố, có người cho rằng nên cấm loại hình này, nhưng tôi cho rằng không thể. Vấn đề là ứng xử với nó ra sao, cả người bán, người mua, cơ quan quản lý", độc giả này chia sẻ.

Bạn đọc Lệ Hằng cho rằng trong loại hình mua - bán thức ăn đường phố, người mua đa số đều là khách vãng lai, không phải ngày nào cũng mua và coi đây hầu hết là món ăn phụ, ăn vặt, nên người bán hàng có tâm lý bán một lần là xong, không cần giữ khách.

"Trong khi đó, người mua hàng mấy ai hỏi nguồn gốc thực phẩm chế biến ở đâu, nếu chế biến không hợp vệ sinh cũng 'khuất mắt trông coi', khó nhìn thấy, ăn một vài lần nên không quá kỹ càng. Tin (người bán hàng) và tiện (mua, bán, di chuyển) theo tôi là điều thúc đẩy loại hình này phát triển", độc giả Lệ Hằng nêu quan điểm. 

Đã kinh doanh thực phẩm, cơ sở lớn hay nhỏ đều có nguy cơ rủi ro gây ngộ độc

Theo dõi sát thông tin về các vụ ngộ độc do thức ăn đường phố, độc giả H.O cho rằng mô hình kinh doanh là loại hình nhỏ lẻ nên nhiều nơi không cần đăng ký kinh doanh, không phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

"Đã kinh doanh thực phẩm thì hoàn toàn thực phẩm bán ra có thể gây sự cố, ngộ độc, bất kể cơ sở đó lớn hay nhỏ, tại sao lại không cần cơ quan chứng nhận?", độc giả này nêu thắc mắc.

thuc_an_duong_pho attp_vnn
Thức ăn đường phố là nét văn hóa, đặc trưng ẩm thực tại nhiều địa phương. Ảnh: Đỗ Hà An

"Như tiệm bánh mì Cô Băng (ở Đồng Nai) thuộc diện bán hàng nhỏ lẻ, bán cả nghìn cái mỗi ngày, không thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Đấy là có nhiều người cùng bị triệu chứng như nhau sau khi ăn tại một cửa hàng, tìm ra nguyên nhân gây ngộ độc sau khi cơ quan chức năng điều tra, kiểm nghiệm. Gia đình tôi có người bị ngộ độc sau ăn bánh trôi, bánh chay mua ở gánh hàng cổng chợ, quay lại hỏi chủ hàng còn bị nghi ngờ: ai biết do ăn cái gì?", độc giả H.O chia sẻ ý kiến.

Vì thế, để hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm do thức ăn đường phố, ngoài đề nghị cần kiểm soát chứng nhận điều kiện an toàn thực phẩm, độc giả Bình Minh cho rằng "phải kiểm tra liên tục, đánh vào túi tiền, xử phạt thật mạnh những cơ sở kinh doanh thực phẩm không đảm bảo, dù là thức ăn đường phố hay loại hình nào để tăng tính răn đe, ngăn ngừa hậu quả xấu".

 Ban Sức khoẻ - Báo VietNamNet mở diễn đàn "Làm gì để ngăn ngừa những vụ ngộ độc do thức ăn đường phố?". Bạn đọc có ý kiến đóng góp xin gửi về địa chỉ [email protected]. Các bài viết phù hợp sẽ được đăng tải theo quy định của tòa soạn.

Xin chân thành cảm ơn.

Minh An

Cảnh ăn uống mất vệ sinh khắp phố phường Hà NộiĐồ ăn bụi bặm, không rõ xuất xứ nguồn gốc, ngồi ăn cạnh bãi tập kết rác… là những bất cập về vệ sinh an toàn thực phẩm đang diễn ra hằng ngày ở nhiều hàng quán vỉa hè, cơ sở ăn uống trên địa bàn Hà Nội.