Chủ tịch nhận lương 0 đồng
Theo báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm vừa công bố của Vingroup (VIC) và Vinhomes, tập đoàn đã chi trả thù lao cho HĐQT và ban tổng giám đốc lần lượt 24,1 tỷ đồng và 24,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Phạm Nhật Vượng và nhiều thành viên HĐQT không nhận thù lao. Ngoài ông Vượng, bà Nguyễn Diệu Linh, phó chủ tịch và ông Yoo Ji Han - người vừa trở thành thành viên HĐQT độc lập - cũng nhận lương 0 đồng. Các cá nhân còn lại nhận thù lao từ mức 517 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng.
Tương tự, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và các thành viên không nhận thù lao trong nửa đầu năm nay.
Hay tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan (MSN) cũng không nhận lương.
Một số lãnh đạo khác như ông Trương Gia Bình (Chủ tịch FPT), bà Nguyễn Thị Thanh Phượng (Chứng khoán Bản Biệt) cũng từng nhận mức lương 0 đồng trong nhiều năm liền.
Dù không nhận thù lao, song trên cương vị chủ tịch, các vị lãnh đạo này vẫn nhận về hàng chục tỷ đồng tiền cổ tức mỗi năm.
Điển hình như Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng đang nắm giữ gần 2,16 tỷ cổ phiếu VIC (trong đó có 1,17 tỷ cổ phiếu gián tiếp sở hữu thông qua nắm 92,88% cổ phần tại Tập đoàn Đầu tư Việt Nam). Tính theo giá trị cổ phiếu VIC, tài sản của ông Vượng trị giá 6,6 tỷ USD, trong khi Forbes ghi nhận tài sản của tỷ phú Việt Nam là 4,9 tỷ USD.
Biến động ghế nóng các ngân hàng
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã có quyết định miễn nhiệm chức vụ quyền tổng giám đốc của ông Trương Khánh Hoàng từ ngày 12/8. Ông Trương Khánh Hoàng sinh năm 1986, được bổ nhiệm làm quyền tổng giám đốc SCB từ tháng 5/2021, được biết tới như một gương mặt sáng giá trong câu lạc bộ CEO tài chính 8X. Ông Hoàng đã làm quyền tổng giám đốc SCB trong vòng 15 tháng. Trước khi ông Hoàng làm quyền tổng giám đốc, SCB đã thay tổng giám đốc đến 3 lần trong vòng 10 tháng.
Hội đồng Quản trị (HĐQT) Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa ký quyết định bổ nhiệm bà Ngô Thu Hà giữ chức vụ Tổng Giám đốc. Bà Ngô Thu Hà là tiến sĩ kinh tế đã có 28 năm kinh nghiệm trong ngành tài chính, ngân hàng và hơn 11 năm giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc SHB. Bà Hà từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) bổ nhiệm ông Nguyễn Đình Tuấn sẽ đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc thường trực NCB. Ông Nguyễn Đình Tuấn sinh năm 1980, trình độ Thạc sĩ Kinh tế Đại học Kinh tế Quốc Dân. Ông Tuấn có 15 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và từng đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý. NCB cũng ra quyết định thôi đảm nhiệm chức danh Quyền Tổng Giám đốc theo nguyện vọng cá nhân của bà Dương Thị Lệ Hà, và giao bà Hà đảm nhận vị trí Phó Tổng Giám đốc NCB.
Ngân hàng SeABank vừa ban hành quyết định về việc bà Lê Thu Thủy thôi đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc sau nhiệm kỳ 5 năm, nhưng tiếp tục tham gia quản trị ngân hàng với vai trò Phó Chủ tịch HĐQT.
CEO mới sau 2 năm bỏ trống
Không chỉ ngân hàng, nhiều doanh nghiệp lớn cũng biến động ghế lãnh đạo. HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons vừa có quyết định bổ nhiệm ông Võ Hoàng Lâm (sinh năm 1978) làm Tổng giám đốc của công ty kể từ ngày 5/8. Ông Lâm được giới thiệu là có 17 năm kinh nghiệm làm việc tại Coteccons, từng trải qua nhiều vị trí quản lý. Ông Lâm được bầu làm Thành viên HĐQT Coteccons vào tháng 4 vừa rồi.
Tháng 8/2020, Coteccons thông qua việc từ nhiệm tổng giám đốc công ty đối với ông Nguyễn Sỹ Công do kết thúc nhiệm kỳ theo quy định. HĐQT ngay lập tức bổ nhiệm quyền Tổng giám đốc đối với ông Võ Thanh Liêm, nhưng đến tháng 3/2021 thì không gia hạn thêm nhiệm kỳ đối với ông Liêm. Vị trí này đã bỏ trống 2 năm.
HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) vừa có nghị quyết thông qua việc ông Lê Viết Hiếu thôi giữ chức vụ Tổng giám đốc tại Tập đoàn này kể từ ngày 23/7/2022. Ông Lê Viết Hiếu, sinh năm 1992, là con trai của Chủ tịch là ông Lê Viết Hải. Ông Hiếu được biết đến là nhân sự lãnh đạo cấp cao trẻ nhất của Tập đoàn ở thời điểm hiện tại, và đồng thời là một trong những CEO 9X trẻ tuổi trên thương trường. Gần một tháng sau khi thôi chức tổng giám đốc, Lê Viết Hiếu được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch Xây dựng Hòa Bình.
Chủ tịch FLC Lê Bá Nguyên gửi thu cho nhà đầu tư
Trong thư gửi cổ đông, Chủ tịch Tập đoàn FLC Lê Bá Nguyên cho hay, đơn vị này đang nỗ lựa hết sức và phối hợp giải trình, xúc tiến lộ trình công bố thông tin theo quy định nhằm sớm đưa cổ phiếu ra khỏi diện đình chỉ giao dịch hoặc hạn chế thông tin.
FLC mong sớm nhận được sự can thiệp, chỉ đạo hoặc hỗ trợ cần thiết từ cơ quan quản lý để có thể thực hiện việc kiểm toán, soát xét báo cáo tài chính năm 2021 của tập đoàn trong sớm nhất, để có đủ điều kiện tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2022.
Ngày 31/8, FLC đã nhận được quyết định của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM về việc chuyển cổ phiếu FLC từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch từ ngày 9/9. Nguyên nhân bị đình chỉ giao dịch do FLC vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.
Từ khi ông Trịnh Văn Quyết, cựu chủ tịch Tập đoàn FLC, bị bắt về hành vi thao túng và che giấu thông tin chứng khoán vào cuối tháng 3/2022, nhóm cổ phiếu "họ FLC" liên tục nằm sàn. Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022, ông Lê Bá Nguyên đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT FLC.