Vào tháng 9, Bộ Thương mại Mỹ đã đề xuất một quy định mới với nội dung cấm bán và nhập khẩu ô tô có sự liên kết với công nghệ Trung Quốc hoặc Nga vào thị trường Mỹ. Đề xuất này là nấc thang mới và quyết liệt nhất mà Washington thực hiện nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của ô tô Trung Quốc vào quốc gia này. Nó cũng ngay lập tức gặp phải nhiều phản ứng dữ dội từ các nhà sản xuất nội địa. 

Trong một văn bản được hãng Polestar đệ trình lên chính phủ Mỹ, hãng cho biết rằng quy định mới đồng nghĩa với việc chính phủ đang “cấm” Polestar bán ô tô của mình tại Mỹ. Phía công ty đề xuất chính phủ cần thu hẹp phạm vi các thành phần và hệ thống sẽ bị cấm một cách cụ thể hơn. 

Ford, nhà sản xuất ô tô lâu đời nhất nước Mỹ cũng bày tỏ sự quan ngại tương tự của mình. Theo Ford, một số từ ngữ trong quy định vừa được đề xuất đang được hiểu theo một nghĩa quá bao trùm và điều này là không cần thiết. Điều này có thể ngăn cản các sản phẩm mà hãng xe này sản xuất tại Trung Quốc được bán ngược về thị trường quê nhà.

Hàng loạt các hãng xe lớn có thể kể đến như Nissan, Hyundai Motor, Volkswagen, Volvo và Tesla cũng đồng loạt gửi kiến nghị, đề xuất Bộ Thương mại phải xác định rõ ràng hơn các quy tắc và sử dụng ngôn ngữ phù hợp. 

imdddddddddrs.jpg
Dưới thời Tổng thống Joe Biden, Chính phủ Mỹ áp đặt hàng loạt các lệnh cấm chưa từng có đối với ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc. Ảnh: The Washington Post. 

Bên cạnh đó, nhiều hãng cũng cho rằng mốc thời gian quy định bắt đầu áp đặt lệnh cấm là quá gấp gáp. Cụ thể, lệnh cấm phần mềm sẽ bắt đầu có hiệu lực với các mẫu xe từ năm 2027 và phần cứng sẽ có hiệu lực với các mẫu xe từ năm 2030. Theo các nhà sản xuất, thời điểm này là quá sớm vì mọi thiết kế sản phẩm đều có từ 3 đến 5 năm trước khi sản phẩm bắt đầu được đưa vào dây chuyền sản xuất. 

Theo Honda, chỉ 2 năm là không đủ để các hãng xe kịp thời chuẩn bị các bước để tuân thủ theo yêu cầu mới. Công ty cho biết, ngành công nghiệp ô tô cần phải có thời gian để thử nghiệm và xác nhận nhằm hạn chế những khả năng tạo ra các trục trặc khác. Volkswagen đề xuất thời hạn lệnh cấm phần cứng bắt đầu có hiệu lực dời về năm 2031 để hãng có đủ thời gian chuẩn bị. 

Dù cho đã tới cuối nhiệm kỳ của mình, tuy nhiên chính quyền của Tổng thống Joe Biden vẫn bày tỏ sự quyết liệt trong việc ngăn chặn sự ảnh hưởng trực tiếp của ngành ô tô Trung Quốc vào thị trường Mỹ. Quy định mới này, ngày càng siết chặt hơn nữa những rào cản, khiến ô tô Trung Quốc đang gần như không có bất cứ cơ hội nào có thể chặt chân mình tới quốc gia tiêu thụ ô tô lâu đời nhất thế giới. Những chính sách quyết đoán và hà khắc này, có thể sẽ tiếp tục được thực hiện nếu Phó Tổng thống Kamala Harris, người đại diện cho Đảng Dân chủ đang chạy đua vào ghế Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới thắng cử. 

Theo Motor1

Tin bài cộng tác gửi về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Xin cảm ơn!