Chia sẻ với VietNamNet, thầy Nguyễn Trọng Giáp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Thành 2 (huyện Yên Thành) cho biết, mặc dù không vay tiền nhưng một tuần trở lại đây, thầy và nhiều giáo viên khác trong trường bị các số điện thoại lạ gọi đến đe doạ, đòi nợ và gây áp lực.
Theo thầy Giáp, nguyên nhân là có giáo viên trong trường L.X.L vay tín chấp của của một công ty tài chính nhưng đến kỳ chưa thanh toán được.
“Ban đầu họ gọi bảo thầy L. vay một khoản tiền, yêu cầu tôi chỉ đạo thầy L. trả nợ. Tôi nói việc nợ nần ở bên ngoài của giáo viên không liên quan nhà trường thì họ liên tục gọi điện đe dọa. Mỗi ngày gọi mấy cuộc với nhiều số điện thoại khác nhau, không kể giờ giấc.
Cứ thấy tôi nghe máy là quát nạt, đe dọa. Mục đích của họ là để tôi gây áp lực cho thầy L. trả nợ cho họ nhưng tôi không có chức năng đó, đó là giao dịch dân sự”, thầy Giáp nói.
Tiếp đó, nhóm đòi nợ dùng nhiều số điện thoại nhắn tin, gọi điện đe doạ, khủng bố tinh thần nhiều giáo viên khác trong Trường THPT Yên Thành 2. Ngoài ra, họ còn gọi điện cho học trò cũ của thầy Giáp, bịa đặt việc thầy Giáp nợ tiền.
“Nhiều học trò cũ của tôi gọi điện cho tôi kể việc nhóm người đã gọi điện cho các học trò nói rằng tôi nợ tiền không chịu trả”, thầy Giáp cho hay.
Ngoài việc “tấn công” các đồng nghiệp của thầy L., nhóm đòi nợ còn gọi điện, nhắn tin tới ban giám hiệu và hàng chục giáo viên của Trường THCS Phan Đăng Lưu (thị trấn Yên Thành), nơi ngôi trường của vợ thầy L. đang công tác.
Cô Ngô Thị Hiền - Hiệu trưởng THCS Phan Đăng Lưu cho biết, từ ngày 11/5 đến nay, ngày nào cô cũng nhận được nhiều cuộc điện thoại đòi nợ, khiến bản thân rất mệt mỏi.
Ngoài ra, nhóm đòi nợ còn đăng tải thông tin cô Hiền và phó hiệu trưởng vay nợ lên mạng xã hội với nội dung “yêu cầu cô Hiền trả nợ gấp”, gọi điện quấy rối hàng chục giáo viên trong trường.
Sau sự việc, Trường THCS Phan Đăng Lưu đã trình báo sự việc lên Công an huyện Yên Thành.
Thầy L.X.L cho biết, năm 2018, thầy có vay tín chấp khoản tiền 32 triệu đồng để chữa bệnh thoát vị đĩa đệm và họ cho trả nợ theo từng kỳ. Thầy L. đã trả được 15 tháng, với khoảng 22 triệu đồng, sau đó do Covid-19 nên dừng mấy tháng.
"Tháng 12 tôi quay trở lại trả thì họ bảo còn 26 triệu, sau đó tôi trả một đợt 3 triệu và một đợt 1,5 triệu nữa rồi. Sau đó đến tháng 3 xuống trả tiếp thì trên hệ thống họ bảo còn 27 triệu nên tôi thắc mắc, số liệu không chính xác.
Hôm trước nhân viên của họ gọi cho tôi, nhưng đúng lúc tôi đang đứng lớp nên không nghe được. Họ thấy tôi không nghe điện thoại nên nghĩ tôi không chịu trả, rồi bắt đầu chiều hôm ấy họ gọi điện khắp nơi quấy rầy những người xung quanh tôi khiến tôi rất ngại”, thầy L. nói.
Cũng theo thầy L., chiều 17/5, thầy đã ra ngân hàng để trả khoản nợ còn lại, lúc này đã lên tới gần 28 triệu đồng.
Tính tổng cộng, khoản nợ 32 triệu sau gần 4 năm đã lên tới 50 triệu đồng. Ngay sau khi thầy L. hoàn tất khoản nợ, những thầy cô khác mới không bị làm phiền.
Thiện Lương