Đây đều là những dự án có nhiều vướng mắc, nếu không được quan tâm giải quyết kịp thời thì có những dự án có nguy cơ bị đổ bể.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau nhiều lần lỡ hẹn đến nay vẫn chưa đưa vào khai thác
7/10 dự án chậm tiến độ
Nằm trong nhóm dự án chậm tiến độ, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành nhiều tháng nay vẫn giậm chân tại chỗ ở mức hoàn thành 72,41% - chậm 12% so với kế hoạch. Với tiến độ hiện nay, Bộ GTVT đang rất lo ngại dự án này không hoàn thành kịp trước thời hạn kết thúc hiệp định khung vào ngày 14-12-2020.
Mặc dù Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã phối hợp giải quyết vướng mắc nhưng việc thực hiện không hiệu quả dẫn đến tiến độ thực hiện dự án rất chậm.
Tương tự, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cũng đang bị chậm 27% so với tiến độ tổng thể. Sau khi được Bộ GTVT bàn giao nhiệm vụ quyền hạn, UBND tỉnh Tiền Giang đang rất nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, thậm chí ứng vốn để thực hiện giải phóng mặt bằng, tuy nhiên, đến thời điểm này, tiến độ dự án chưa được cải thiện đáng kể.
Điều đặc biệt là trong 7 dự án đang chậm tiến độ thì có tới 5 dự án đường sắt đô thị. Trong đó, 2 dự án đường sắt đô thị TPHCM là tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên (mới đạt 62%) hiện đang thanh toán từ vốn tạm ứng của TPHCM và chờ Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.
Tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương, ngoài gói thầu CP1 (xây dựng tòa nhà văn phòng) đang nghiệm thu và đưa vào sử dụng, 8 gói thầu còn lại chưa thể triển khai do vướng mắc về điều chỉnh dự án và nguồn vốn cho dự án. Tương tự, 3 dự án đường sắt đô thị của Hà Nội cũng đang chậm tiến độ. Trong đó, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau nhiều lần lùi tiến độ đến nay vẫn chưa thể chốt được thời điểm đưa vào khai thác thương mại, do nhiều vướng mắc về công tác nghiệm thu, chứng nhận an toàn dự án.
Với dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, sau 7 năm thi công, hiện dự án mới chỉ đạt 55% khối lượng, mốc hoàn thành ban đầu là năm 2017 nay đã phải lùi dự kiến đến cuối năm 2022. Cuối cùng là dự án đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi, là dự án trọng điểm nhưng đến nay dự án này vẫn còn đang giai đoạn hoàn thiện hồ sơ gói thầu.
Rõ nguyên nhân, chưa rõ trách nhiệm
Theo Bộ GTVT, các dự án bị chậm tiến độ có nhiều nguyên nhân, do: thiếu vốn đối ứng, do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, do nguồn cát vật liệu khó khăn, cần rà soát, điều chỉnh thiết kế của một số hạng mục. Trong đó, nhiều dự án vẫn còn đang ngổn ngang vướng mặt bằng, ví dụ như: Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận, Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn 2, hầm Hải Vân, La Sơn - Túy Loan...
Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân đáng lo ngại là năng lực yếu kém của chủ đầu tư và nhà thầu. Thật ngạc nhiên khi dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông với tổng vốn đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng, sau 11 năm thi công ròng rã với nhiều lần vỡ tiến độ, Bộ GTVT mới nhận ra năng lực tổng thầu Trung Quốc rất kém.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, đơn vị tổng thầu Trung Quốc không có khả năng điều hành, huy động các nhà thầu và đặc biệt là có rất ít kinh nghiệm trong vận hành khai thác đường sắt đô thị.
Tương tự, với dự án Bến Lức - Long Thành, Bộ GTVT nhận định năng lực chỉ đạo, điều hành của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) và năng lực của các nhà thầu là yếu kém.
Đơn cử, tại gói thầu A4, mặc dù VEC khẳng định liên danh nhà thầu là 2 đơn vị đã được kiểm chứng về năng lực và kinh nghiệm thi công, nhưng thực tế nhà thầu Kukdong và nhà thầu Đông Mê Kông có năng lực yếu, máy móc, trang thiết bị không đủ nên thi công quá chậm. Các gói thầu khác cũng gặp tình trạng nhà thầu không đủ năng lực.
Đại diện VEC thừa nhận, chỉ đạo của chủ đầu tư với các nhà thầu thời gian qua ít hiệu quả, do hạn chế về nguồn vốn, việc thanh toán khối lượng cho các nhà thầu không đáp ứng nhu cầu.
Trước nguy cơ các dự án tiếp tục chậm tiến độ, dẫn đến các hệ lụy như tăng vốn, đổ vỡ dự án, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả đầu tư, Bộ GTVT đã có nhiều kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ những vướng mắc. Trong đó, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ làm việc với lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc để chỉ đạo tổng thầu tăng cường nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông nhằm sớm đưa dự án vào khai thác thương mại trong năm 2019.
Bộ GTVT cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm có hướng dẫn TPHCM tổ chức thẩm định, phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư, làm cơ sở cho các bước tiếp theo của dự án đường sắt đô thị đoạn Bến Thành - Tham Lương, Bến Thành - Suối Tiên, chấp thuận giải quyết tạm ứng vốn để tiếp tục triển khai dự án, thanh toán cho các nhà thầu. Bộ GTVT cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương quyết liệt hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, trong các kiến nghị đó, cá nhân, cơ quan quản lý nào phải chịu trách nhiệm trong việc để chủ đầu tư, nhà thầu có năng lực yếu kém làm dự án chậm tiến độ, đội vốn hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng thì vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Theo SGGP
Dự án chậm thu hồi vì Sở ‘quên’ trình thành phố, Hà Nội ra thông báo
UBND TP Hà Nội đã ra thông báo thu hồi hơn 80.000m2 đất do Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Lũng Lô 5 (Công ty Lũng Lô 5) thuê tại thôn Đông Viên, xã Đông Quang, huyện Ba Vì.