Diễn đàn Tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững do Báo Công Thương phối hợp với Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 21/8 tại Hà Nội.

Nhiều dự án chậm tiến độ, lo thiếu điện

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, năng lượng và an ninh năng lượng luôn là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ.

"Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt ngày 18/3/2016 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) thì từ nay đến năm 2030, năng lượng phải đáp ứng đủ nhu cầu điện cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7,0%/năm" - Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định.

Tổng công suất đặt của toàn hệ thống hiện nay là khoảng 54.000 MW (bao gồm cả năng lượng tái tạo), đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 60.000 MW và dự kiến lên đến 129.500 MW vào năm 2030.

{keywords}
Nhu cầu điện cho sản xuất, sinh hoạt là rất lớn. Ảnh: Lương Bằng

Đây là thách thức lớn đặt ra với ngành năng lượng trong việc đảm bảo thu xếp và huy động nguồn vốn đầu tư rất lớn để mở rộng, nâng cấp lưới điện truyền tải, phân phối, đầu tư, phát triển nguồn điện mới cũng như cung ứng đủ các nguồn năng lượng sơ cấp cho các nhà máy điện.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chia sẻ: Thời gian qua chúng ta gặp khó khăn về đảm bảo cung ứng điện cho giai đoạn 2021-2025 do nhiều dự án điện đáng lẽ đưa vào vận hành nhưng thời thời điểm này lại chậm tiến độ với nhiều lý do khác nhau.

“Từ năm 2015, nước ta đã chuyển từ một nước xuất siêu sang nhập siêu về năng lượng và ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn năng lượng nhập khẩu, các nguồn năng lượng tái tạo có giá thành còn cao và gặp nhiều rào cản kỹ thuật và tài chính trong việc phát triển và vận hành các nguồn điện từ năng lượng tái tạo, ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn trong việc đảm bảo cung ứng đủ năng lượng” - Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng bày tỏ.

Bối cảnh đó đặt ra vấn đề phải tiết kiệm năng lượng. Ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ, Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam, cho rằng: Phát triển năng lượng, an ninh lượng là vấn đề sống còn của quốc gia trong phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhưng việc sử dụng thế nào để nâng cao tiết kiệm năng lượng hiệu quả là vấn đề các quốc gia phải đặt ra.

“Ở Việt Nam, trong những năm qua điện và năng lượng được coi là tăng trưởng nóng cao hơn mức tăng trưởng GDP quốc gia. Đứng ở góc độ nào đó, sự tăng trưởng này đã đảm bảo tăng trưởng kinh tế đất nước. Nhưng đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận lại việc tăng trưởng đó phải đi vào hiệu quả nhưng vẫn phải bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia”- ông Nguyễn Quân nhấn mạnh.

Phải tiết kiệm 8-10% tổng năng lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Chia sẻ thực tế tiết kiệm năng lượng từ khối các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), cho biết: Tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp chiếm tới hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc.

“Theo đánh giá, tiềm năng kỹ thuật để tiết kiệm năng lượng trong khu vực công nghiệp ở Việt Nam là từ 20-30%, thậm chí có những khu vực lên tới 40%” - ông Trịnh Quốc Vũ thông tin.

{keywords}
Tiết kiệm điện giúp đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo điện phục vụ sản xuất kinh doanh. Ảnh: Lương Bằng

Đơn cử, Tập đoàn Hoà Phát với đặc thù sản xuất công nghiệp đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó sản xuất gang thép là lĩnh vực sử dụng lớn điện, than,... Thế nhưng, nhờ ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nhiều nhà máy của tập đoàn có thể chủ động nhu cầu sử dụng điện gần 50%, thậm chí lên đến 70%.

Ông Vũ Trung Dũng, Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương, chia sẻ: Ngoài các giải pháp cơ bản nhằm tiết kiệm năng lượng như thay đổi công nghệ, đầu tư thiết bị tốt, đầu tư biến tần chạy cho các động cơ lớn có tải thay đổi nhiều,... Hòa Phát còn sử dụng một số giải pháp mới nhằm tiết kiệm năng lượng, như tận dụng hơi quá nhiệt cho việc nấu ăn cho các bếp ăn... một tháng có thể tiết kiệm khoảng 200 triệu đồng so với sử dụng khí gas.

Ngoài ra, công ty còn sử dụng công nghệ tách ẩm gió lạnh trước khi vào lò cao và sử dụng khí nóng lò COKE chạy turbine máy phát. Hòa Phát đã đầu tư và đưa vào vận hành 4 tổ máy phát điện nhiệt dư với tổng công suất thiết kế là 60MW, với cấp điện áp 6,3 KV. Lượng điện phát này được hòa cùng nguồn điện cung cấp cho Dự án Khu Liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát. Tập đoàn hiện tiếp tục cải tiến thiết bị, cập nhật và áp dụng các công nghệ mới,... nhằm tiết kiệm điện năng.

Trong tháng 3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030. Chương trình đề ra mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn 2019-2025 và từ 8-10% trong giai đoạn 2019-2030.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng, thị trường tiết kiệm năng lượng hiện nay được đánh giá có dư địa rất lớn và triển khai hiệu quả rất cao. Vì vậy, thời gian tới, giải pháp cần triển khai thực hiện đó là hoàn thiện, xây dựng, đồng bộ cơ chế thị trường năng lượng, trong đó, cơ chế vừa phải tạo ra động lực vừa là áp lực để tiết kiệm 8-10% năng lượng giai đoạn 2019-2030.

"Trong khi đó, giai đoạn 2006-2015 dư địa lớn hơn so với hiện nay khi chương trình tiết kiệm năng lượng mới đạt 5,65%. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực lớn từ nhiều phía để nhằm đạt mục tiêu Chính phủ đề ra" - ông Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.

Báo cáo của Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho thấy, giai đoạn 2011-2015 đã đạt được mục tiêu tiết kiệm từ 5-8% tổng mức tiêu thụ năng lượng của cả nước, tương đương tiết kiệm từ 11-17 triệu TOE (đơn vị tiêu thụ năng lượng). Trong đó, cường độ năng lượng của các ngành sản xuất công nghiệp, tiêu thụ nhiều năng lượng đều giảm dần, đáng kể như ngành Thép (giảm 8,09%); ngành Xi măng (giảm 6,33%); ngành Dệt sợi (giảm 7,32%).  

Hà Duy