Big C - hệ thống siêu thị lớn nhất Việt Nam; Sabeco – thương hiệu Việt thành công nhất trong lĩnh vực sản xuất bia; Redbull – công ty nước tăng lực bán 2 đồng lãi 1; C.P Group – thống trị lĩnh vực 3F tại một quốc gia thế mạnh nông nghiệp; Long Sơn – nhà máy lọc hoá dầu lớn nhất Việt Nam khi hoàn thành; hay tại Bến Tre, thủ phủ dừa, công ty lớn nhất mang tên Viet World…

Tất cả những doanh nghiệp kể trên có một điểm chung là đều thuộc sở hữu của những ông chủ Thái Lan. Các nhà đầu tư xứ sở chùa vàng tỏ ra rất hứng thú với việc đầu tư vào lĩnh vực tiêu dùng của Việt Nam, nơi mà tăng trưởng cao và dư địa rộng lớn.

Trên thực tế, người Thái đang nắm trong tay nhiều công ty tốt nhất Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, thông qua cả đầu tư trực tiếp và mua bán sáp nhập.

Nhiều công ty tốt nhất Việt Nam doanh thu hàng tỷ USD đang nằm trong tay người Thái, ông chủ đứng sau gồm cả hoàng gia và các tỷ phú hàng đầu châu Á - Ảnh 1.
 

Mô hình từ nông trại đến bàn ăn của C.P Group giúp doanh nghiệp này thu về hàng tỷ USD doanh thu tại Việt Nam. Như năm 2019, họ đạt gần 65.000 tỷ đồng. Ở vị thế này, chưa một công ty nội địa nào có thể vươn tới. 

Ứng cử viên sáng giá nhất, Masan MEATLife năm ngoái doanh thu mới ở mức trên 16.100 tỷ đồng. Thành viên của Tập đoàn Masan đang trong giai đoạn đầu của tiến trình 3F, phần lớn doanh thu của MEATLife đang đến từ mảng thức ăn chăn nuôi. Trang trại tại Nghệ An và hai nhà máy chế biến thịt mát mới chỉ hoàn thành trong vài năm gần đây.

Thông qua M&A, Tập đoàn SCG tạo nên một hệ sinh thái các lĩnh vực vật liệu xây dựng, nhựa, giấy, hóa dầu lớn nhất Việt Nam.

Nhiều cái tên nổi tiếng gồm nhà sản xuất gạch - gốm sứ Prime Group; nhựa Bình Minh, nhựa Duy Tân, nhựa TPC Vina; xi măng StarCemt; giấy Kraft Vina; bao bì Sovi, Batico… Đây đều là những công ty có hiệu quả sinh lời rất tốt, đồng loạt báo lãi năm 2019, trường hợp của Prime Group lãi gần 1.000 tỷ đồng, Kraft Vina và Nhựa Bình Minh lãi trên 400 tỷ đồng. Tổng doanh thu của nhóm SCG Việt Nam theo tính toán đạt gần 26.600 tỷ đồng năm 2019.

SCG đang trong quá trình đầu tư nhà máy lọc dầu Long Sơn sau nhiều năm đình trệ. Đây là dự án có tổng mức đầu tư 5,4 tỷ USD, dự kiến hoàn thành trong năm 2021. 

Nhiều công ty tốt nhất Việt Nam doanh thu hàng tỷ USD đang nằm trong tay người Thái, ông chủ đứng sau gồm cả hoàng gia và các tỷ phú hàng đầu châu Á - Ảnh 2.
 

Cuối năm 2017, ThaiBev bỏ ra gần 5 tỷ trong thương vụ thâu tóm nhà sản xuất bia Sabeco. Người sáng lập ThaiBev, Charoen Sirivadhanabhakdi, cũng là ông chủ tập đoàn TCC Group, Fraser and Neave, từ lâu đã nổi tiếng với nhiều khoản đầu tư vào Việt Nam.

TCC Group sở hữu công ty thương mại Phú Thái, hệ thống siêu thị MM Mega Market, cổ phần trong liên doanh khách sạn Melia, một trong những khách sạn 5 sao nổi tiếng nhất Hà Nội. Fraser and Neave cũng đang là một trong những cổ đông lớn tại Vinamilk, công ty sữa số một Việt Nam, với gần 17,7%.

Khoản đầu tư vào Sabeco, một thương hiệu quốc gia khiến cho ThaiBev giành được sự quan tâm đặc biệt. Doanh thu của Sabeco tiếp tục tăng trưởng ổn định trong hai năm tiếp theo sau khi về tay người Thái, nhưng họ gặp phải cú sốc lớn trong năm 2020 khiến tổng doanh thu sụt giảm gần 10.000 tỷ đồng. Mặc dù vậy, lợi nhuận của Sabeco vẫn vươn lên đỉnh cao mới do giảm mạnh giá vốn, siết chặt chi phí quản lý và gia tăng hiệu quả hoạt động…

Central Group là công ty Thái sở hữu hệ thống siêu thị quy mô số một Việt Nam – Big C. Họ cũng là ông chủ của Nguyễn Kim Trading, nhà thương mại điện tử top đầu cả nước; và Lan Chi Mart - hệ thống siêu thị tập trung vào đô thị cấp 2 và khu vực nông thôn.

Doanh thu của Big C Việt Nam tăng lên trên 16.600 tỷ đồng trong năm 2019, trong khi quy mô của Nguyễn Kim Trading cũng cỡ 9.500 tỷ đồng.

Trong số các công ty Thái Lan doanh thu lớn còn có sự xuất hiện của Siam City Cement, một trong số những nhà sản xuất xi măng hàng đầu. Doanh thu năm 2019 của ông chủ thương hiệu Insee hơn 5.350 tỷ đồng.

Đứng sau đội "kỵ binh" chinh chiến xứ người, các ông chủ Thái Lan đều có tiềm lực đáng nể.

Nhiều công ty tốt nhất Việt Nam doanh thu hàng tỷ USD đang nằm trong tay người Thái, ông chủ đứng sau gồm cả hoàng gia và các tỷ phú hàng đầu châu Á - Ảnh 3.

Quốc vương Thái Lan - Maha Vajiralongkorn

Tập đoàn SCG thuộc sở hữu phần lớn bởi hoàng gia Thái Lan. Quốc vương Maha Vajiralongkorn được cho là một trong những nhà cầm quyền giàu có nhất thế giới, tài sản của ông ước tính giá trị 40 tỷ USD.

Nhiều công ty tốt nhất Việt Nam doanh thu hàng tỷ USD đang nằm trong tay người Thái, ông chủ đứng sau gồm cả hoàng gia và các tỷ phú hàng đầu châu Á - Ảnh 4.

Dhanin Chearavanont - Chủ tịch cấp cao của C.P Group, người giàu nhất Thái Lan

Chủ sở hữu C.P Group, đế chế nông nghiệp không chỉ ở Thái Lan mà trên toàn Châu Á là gia đình Chearavanont. Tổng tài sản của gia tộc này được Forbes ước tính khoảng 36,6 tỷ USD, xếp thứ 4 trong số những gia tộc giàu có nhất châu Á năm 2017.

Nhiều công ty tốt nhất Việt Nam doanh thu hàng tỷ USD đang nằm trong tay người Thái, ông chủ đứng sau gồm cả hoàng gia và các tỷ phú hàng đầu châu Á - Ảnh 5.

Charoen Sirivadhanabhakdi - Chủ tịch TCC Group

Chủ tịch của TCC Group, ông Charoen Sirivadhanabhakdi nắm trong tay đế chế đồ uống lớn mạnh nhất khu vực Đông Nam Á. Tài sản của ông này đang ở mức 13,3 tỷ USD, tỷ phú giàu thứ 3 Thái Lan.

Nhiều công ty tốt nhất Việt Nam doanh thu hàng tỷ USD đang nằm trong tay người Thái, ông chủ đứng sau gồm cả hoàng gia và các tỷ phú hàng đầu châu Á - Ảnh 6.

Tos chirathivat - Người điều hành Central Group

Nhà bán lẻ Central Group được sở hữu bởi gia đình Chirathivat, ước tính tổng giá trị tài sản 9,5 tỷ USD. Họ là nhà phát triển trung tâm thương mại lớn nhất Thái Lan, và xếp thứ 4 nước này về độ giàu có.

Trong những năm gần đây, các nhà đầu tư Thái Lan nổi lên với việc đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Những cái tên có thể để đến như Gunkul, Super Energy, Gulf, B.Grimm…

(Theo Doanh Nghiệp và Tiếp Thị)