Chỉ cần bỏ ra một số tiền không lớn chị em có thể sở hữu ngay một đôi môi mọng gợi cảm hay chiếc mũi thon dài bằng việc tiêm chất làm đầy (filler). Thế nhưng không phải tất cả họ đều may mắn thành công. 

Khách hàng “chết yểu”vì quảng cáo "rởm"

Mới đây, một cộng tác viên chuyên giới thiệu khách đến tiêm môi, mũi cho một spa thẩm mỹ có tên V.T.H đã lên tiếng vạch trần trò lừa đảo khách hàng của chủ spa về việc sử dụng hàng “dởm” để thực hiện thủ thuật tiêm chất làm đầy cho khách, dẫn đến hàng loạt trường hợp bị vẹo môi, mũi, lệch cằm. 

Ngay sau đó nhiều nạn nhân cũng lên tiếng tố cáo spa này làm khách hàng bị môi sưng, mũi vẹo, cằm lồi.

{keywords}
Hàng loạt nạn nhân lên tiếng tố cáo một spa ở Hà Nội tiêm chất làm đầy dởm khiến họ bị môi sưng, mũi vẹo, cằm lồi.

Theo lời kể của H., khách hàng của spa đã từng gặp rất nhiều vấn đề về tiêm và kiện cáo. Sau một thời gian nghi ngờ, cô phát hiện những hộp thuốc tiêm cho khách không phải hàng chính hãng như quảng cáo của chủ spa.

Điều đặc biệt, cô gái này cũng cho biết chính mình cũng là nạn nhân của chủ spa này khi đồng ý tiêm chất làm đầy vào mũi, hiện nay vẫn đang phải điều trị và bác sĩ mà cô gặp từ chối nạo mũi vì không xác định được chất đã tiêm vào mũi là chất gì. Thêm vào đó, spa A. cũng trả hoa hồng giới thiệu khách cho cô không thỏa đáng, nên H. quyết định vạch trần sự thật về spa A.

“Bọn em là người nhận khách nhưng khi khách gặp vấn đề về tiêm thì chị lại đổ lỗi cho bọn em: "Khách của con Y. tiêm suốt ngày kiện cáo, khách của con H. tiêm nhiều vấn đề". Em nói thế này chị ạ, chị phải hiểu rõ một tay chị cầm kim tiêm, chị là người trực tiếp tiêm trên mặt khách thì chị phải có trách nhiệm với người ta bọn em trách nhiệm 1 phần nhưng người cầm kim tiêm phải hiểu rõ nhất mình tiêm thế nào, ra sao mới rất nhiều trường hợp khách tiêm bị sưng, lệch vẹo hẳn các điểm trên mặt. Em sai vì em cũng đã quá tin tưởng chị, nhìn hộp thuốc tiêm cũng đã nghĩ đó là thuốc nhập chính hãng mới yên tâm để PR quảng cáo ra ngoài cho khách hàng biết đến và ngay cả bản thân em cũng tiêm lên mặt mình, nhưng theo sự tìm hiểu và xác minh của em, hoàn toàn chắc chắn không phải Restilane hàng chuẩn chính hãng và giá nhập cao như chị đã nói cho em biết”, H cho biết trên trang cá nhân.

{keywords}
Hình ảnh chiếc cằm bị lệch hoàn toàn sau khi tiêm chất làm đầy

Ngay sau khi những dòng thông tin trên được chia sẻ, không ít người, đặc biệt là các khách hàng cảm thấy sốc với câu chuyện này và tố cáo mình cũng từng bị vẹo hẳn cằm vì tiêm chất làm đầy tại spa hay bị chất lạ vón cục trong cằm.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên spa này bị "tố", trước đó cơ sở này cũng bị Sở Y tế Hà Nội kiểm tra chưa được cấp phép hoạt động. Tuy nhiên sau đó không hiểu vì lý do gì mà spa này vẫn thản nhiên hoạt động, quảng cáo với khách hàng rằng cơ sở của mình có giấy phép và có sự tham gia của các bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề.

Chất làm đầy không phải là silicon lỏng

Trước những thông tin về việc làm đẹp bằng việc tiêm chất làm đầy filler, PV VietNamNet đã trao đổi với Giáo sư Trần Thiết Sơn - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình bệnh viện Xanh pôn.

GS, BS Trần Thiết Sơn cho biết: "Thủ thuật dùng chất làm đầy với những người làm nghề lâu năm như chúng tôi thì đây không phải là phương pháp mới, phương pháp sử dụng chất làm đầy trên cơ thể con người có nguồn gốc từ rất lâu rồi. Thực chất, chất làm đầy (filler) không còn quá xa lạ với phái đẹp vì nó thường được dùng cho các phẫu thuật bơm môi, nâng ngực.... Chất làm đầy có dạng lỏng, thường là collagen, axit hyaluronic hoặc chính là mỡ tự thân. Tất cả các dạng chất làm đầy đều dùng để tiêm vào dưới da với mục đích làm phẳng da hay tăng thể tích của một bộ phận nào đó, các chất này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn (6 tháng đến 3 năm).

Riêng mỡ tự thân có thể tồn tại lâu hơn.. Muốn duy trì kết quả, cần tiếp tục điều trị, giá mỗi lần thực hiện từ 10-20 triệu đồng. Đặc biệt cách làm đẹp này không để lại dấu vết trên thân hình, gương mặt của người phụ nữ”.

{keywords}
Chất lạ bị vón cục trong cằm

GS, BS Trần Thiết Sơn cũng cho rằng, ưu điểm của việc làm đẹp nhờ thủ thuật là hiệu quả nhanh, tính rủi ro ít. Nếu phẫu thuật thẩm mỹ, với các nguy cơ có thể gặp như nhiễm trùng vết mổ, sẹo xấu … đôi khi cần phải phẫu thuật lại thì thủ thuật lại gần như không có. Tuy nhiên những người có nhu cầu tiêm chất làm đầy để làm đẹp là nên chọn các bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ để thực hiện. Những cơ sở “chui” như trên nếu xảy ra tai biến không đủ khả năng cấp cứu, nguy hiểm đến tính mạng.

“Trước khi quyết định tiêm chất làm đầy vào cơ thể, khách hàng phải xác định được trên vỏ thuốc có thành phần Acid Hyaluronic hữu cơ (được viết tắt là HA) chứ không phải là silicon lỏng; nhà sản xuất, tên thương mại, hạn sử dụng và cuối cùng là giấy phép của sản phẩm để chắc rằng sản phẩm được phép lưu hành tại Việt Nam, phù hợp với cơ địa của người Việt; người tiêm filler phải là bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ được đào tạo bài bản”, GS. BS Trần Thiết Sơn nhấn mạnh.

Bác sĩ Thúy Phương, bác sĩ đại học Y Hà Nội cũng đồng tình quan điểm trên khi cho rằng: Chất làm đầy Filler thực chất là tên gọi chung cho những hoạt chất khác nhau, như Collagen dạng tiêm, Acid hyaluronic (Restylane, Perlane, Teoxane, Prevelle…), Radiesse, Sculptra, đều là các nhóm thuộc chất làm đầy Filler. Trong đó, một số chất được cho phép sử dụng trên toàn thế giới, một số khác không an toàn nên đã bị cấm.

Theo bác sĩ Phương: “Ở những nơi làm đẹp uy tín, bác sĩ bắt buộc phải sử dụng các chất Filler an toàn, được cấp phép trên toàn thế giới. Còn ở các cơ sở tự phong, vì ham rẻ nên sử dụng chất làm đầy trái phép như sillicon lỏng (một loại chất bị cấm) thì rất nguy hiểm cho khách hàng, gây nên hậu quả lớn”.

Bác sĩ Phương cũng khuyến cáo: “Chị em làm đẹp nên chọn một cơ sở thẩm mỹ uy tín, có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh của chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đầy đủ. Tốt nhất, theo bác sĩ, để làm đẹp, chị em không nên ham rẻ, tin những nguồn hàng không rõ nguồn gốc để rước họa vào thân để miệng méo, mắt trợn, cằm lệch như trên”.

H.Thúy