Phản ánh với VietNamNet, ông Nguyễn Sơn, công tác tại BQL cảng Sa Kỳ (Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, sau khi được tuyển dụng, ông tham gia và đỗ kỳ thi tuyển rồi chịu dự bị 1 năm.

Tháng 10/2007, ông được Sở Nội vụ Quảng Ngãi ban hành quyết định bổ nhiệm vào ngạch công chức chính thức, đảm nhận việc Thanh tra viên Sở GTVT.

Đến tháng 5/2013, Sở GTVT ra quyết định điều động ông Sơn về nhận công tác tại BQL cảng Sa Kỳ.

{keywords}
Ông Nguyễn Sơn nhiều lần làm đơn kiến nghị đến cấp trên

“Trong quá trình công tác tại Sở GTVT, tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Khi đoàn lập hồ sơ để điều chuyển công tác tôi, do cảm thấy công việc tại BQL cảng không phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ của mình, tôi tha thiết xin ở lại làm thanh tra Sở nhưng không được chấp nhận. Khi nhận quyết định, vì phải tuân thủ lệnh cấp trên tôi mới đi”, ông Sơn phản ánh.

Tuy nhiên, khi đến công tác tại BQL cảng Sa Kỳ được 1 tháng, ông Sơn mới biết mình bị cắt ngạch công chức trở thành viên chức.

“Bị mất ngạch công chức tôi mất đi 25% tiền phụ cấp, mỗi tháng mất đi gần 2 triệu đồng. Việc điều động đến công việc mới vừa không đúng chuyên môn, vừa bị mất công chức là thiếu công bằng, thiệt thòi cho bản thân tôi.

6 năm nay, tôi đã nhiều lần kiến nghị lên cấp thẩm quyền tỉnh nhưng vẫn không được trả lời thích đáng, cấp trên cứ hứa giải sẽ giải quyết”, ông Sơn bức xúc nói.

{keywords}
Văn bản do ông Hà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi ký, khẳng định việc điều động ông Sơn xuống công tác tại cảng Sa Kỳ là đúng quy định

Trong khi đó, ông Phan Văn Hiếu, công tác tại Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi cho biết, ngày 1/11/2016 ông được Tỉnh ủy luân chuyển về giữ chức Phó bí thư huyện Nghĩa Hành nhiệm kỳ 2015-2020.

Sau đó, Tỉnh ủy tiếp tục ban hành quyết định, ông Hiếu từ ngạch viên chức lên công chức nhà nước.

Thế nhưng, đến 15/4/2019, sau khi được điều động qua làm việc tại Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh, ông Hiếu mới “tá hỏa” phát hiện ông bị mất ngạch công chức và không được xếp vào ngạch, bậc nào (công chức hay viên chức).

"Để được bổ nhiệm vào ngạch công chức, tôi đã nỗ lực và phấn đấu hết mình, phải vượt qua kỳ thi tuyển đầy khó khăn. Nhưng khi cấp thẩm quyền điều động sang công tác tại đơn vị mới thì tôi lại mất ngạch công chức, quá bất công.

Qua đơn vị mới, tôi bị mất 55% tiền phụ cấp, gồm 25% tiền công chức, và 30% công tác tại khối Đảng và các tổ chức chính trị, ước tính mỗi tháng tôi mất hơn 4 triệu tiền lương”, ông Hiếu buồn bã.

{keywords}
Ông Phan Văn Hiếu 

Cũng theo ông Hiếu, sau khi bị mất ngạch công chức, ông đã gọi điện cho Giám đốc Sở Nội vụ, thì được trả lời: “Em không còn công chức hay viên chức nữa”.

“Tôi luôn hoàn thành tốt công việc được giao, không sai phạm. Cấp trên điều động đi đâu tôi đi đó, chỉ mong sao cấp trên xem xét cho tôi trở lại ngạch công chức, vì vào công chức là sự cố gắng hơn 22 năm qua của bản thân tôi”, ông Hiếu bộc bạch.

Tương tự là trường hợp của bà Nguyễn Thị Song Trà, Phó chủ tịch Hội chữ thập đỏ TP Quảng Ngãi. Năm 2017, khi đang là Phó bí thư Thành đoàn, bà Trà được điều động sang làm Phó chủ tịch Hội chữ thập đỏ TP, không được xếp vào công chức hay viên chức.

“Trong khi lập hồ sơ điều động tôi, do đơn vị mới không phù hợp, tôi tha thiết xin ở lại đơn vị cũ nhưng sau đó 3 ngày tôi nhận được quyết định điều động. Qua làm được 1 tháng, khi nhận bảng lương tôi mới tá hỏa biết bản thân mình không được xếp vào ngạch bậc nào, cả công chức lẫn viên chức" - bà Trà cho biết.

Ngoài việc bị mất 25% lương phụ cấp công chức (mỗi tháng mất hơn 1,5 triệu đồng), bà còn phải đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Sở Nội vụ nói gì?

Trao đổi với VietNamNet, bà Phạm Thị Thu Hà, Trưởng Phòng Công chức, viên chức (Sở Nội vụ Quảng Ngãi) cho biết, theo quy định của Chính Phủ, cán bộ đang là công chức công tác tại cơ quan hành chính nhà nước, khi được cơ quan có thẩm quyền điều động sang đơn vị sự nghiệp thì cán bộ đó thành viên chức.

{keywords}
Tỉnh ủy Quảng Ngãi sẽ xem xét việc cán bộ mất công chức sau điều động công tác

“Lượng cán bộ sau điều chuyển đó vẫn theo ngạch bậc bình thường, 3 năm vẫn tăng lương theo quy định, chỉ mất 25% tiền phụ cấp công vụ đối với Nhà nước và 30% tiền phụ cấp đối với khối Đảng”, bà Hà giải thích.

Theo bà, các cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên khi được điều động, luân chuyển về làm việc các đơn vị sự nghiệp, công lập, lực lượng vũ trang, cơ yếu, tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp… thì thành viên chức.

Nhưng khi được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển trở lại đơn vị cũ hay cơ quan hành chính nhà nước, thì cán bộ đó không phải kiểm tra, sát hạch mà trở thành cán bộ, công chức.

Trong khi đó, bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, trên cơ sở đối chiếu quy định hiện hành và ý kiến từ các cơ quan tham mưu, tại cuộc họp sắp tới, Thường vụ Tỉnh ủy sẽ xem xét để có chỉ đạo cụ thể, phù hợp đối với trường hợp công chức sau điều động trở thành viên chức.

Bà Quyết Tâm đau lòng khi nghe 'bớt 1 ông Hội đồng được bao nhiêu tiền'

Bà Quyết Tâm đau lòng khi nghe 'bớt 1 ông Hội đồng được bao nhiêu tiền'

Khi nghe ĐB tính toán giảm 1 ĐB HĐND giảm bao nhiêu kinh phí, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng nói như vậy rất thiển cận và “có một cái gì đó rất đau lòng”.

Lê Bằng