Tháng 3/2019, Thanh tra TP Hà Nội ban hành 2 kết luận về đất rừng Sóc Sơn, trong đó nêu rõ hàng ngàn trường hợp vi phạm. Chỉ riêng 2 xã Minh Phú và Minh Trí, cũng như khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng có 797 công trình vi phạm.
Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, sau khi có kết luận trên, tháng 9/2019, UBND huyện Sóc Sơn có báo cáo kiểm điểm về chính quyền và về đảng đối với cán bộ có liên quan vụ “xẻ thịt” đất rừng Sóc Sơn.
Cụ thể, Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn đã kiểm điểm trách nhiệm tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy 3 nhiệm kỳ từ 2005 đến 2020 và các cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có trách nhiệm liên quan.
Trên cơ sở báo cáo của huyện Sóc Sơn, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã có thông báo về kết quả kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức đảng, đảng viên có liên quan đến sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn giai đoạn 2008 - 2018.
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội kết luận Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn qua 3 nhiệm kỳ (từ 2006 đến 2019) cần nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc.
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội cũng đã có các quyết định kỷ luật với hình thức khiển trách đối với ông Đỗ Minh Tuấn – Phó Chủ tịch huyện Sóc Sơn. Đồng thời, nguyên Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vương Văn Bút và nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Tạ Văn Đạo cùng bị kỷ luật cảnh cáo.
Về mặt chính quyền, UBND huyện Sóc Sơn đã xem xét kỷ luật đối với 80 trường hợp. Trong đó, không kỷ luật (vì sai phạm chưa đến mức phải kỷ luật) là 19 trường hợp; không kỷ luật vì hết thời hiệu (ốm, chữa bệnh) 22 trường hợp; khiển trách 29 trường hợp; cảnh cáo 6 trường hợp; cách chức 2 trường hợp, và buộc thôi việc 2 cán bộ công chức, lao động hợp đồng.
Điều đáng nói, sau khi có kết luận của Thanh tra thành phố và việc huyện Sóc Sơn kỷ luật hàng loạt cán bộ kể trên, đất rừng phòng hộ Sóc Sơn vẫn tiếp tục bị ‘xẻ thịt’. Cụ thể, từ đầu năm 2023 đến nay, có 187 công trình sai phạm. Trong năm 2022, có 245 trường hợp bị xử lý, còn năm 2021 đã xử lý hơn 300 trường hợp.
Ông Phạm Quang Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, tháng 6/2023, huyện này đã tạm đình chỉ 3 Phó Chủ tịch UBND xã Minh Trí, Nam Sơn, Mai Đình để tập trung vào công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Trước đó, đã có 2 chủ tịch xã bị kỷ luật vì để địa bàn xảy ra nhiều vi phạm.
Trước băn khoăn của phóng viên liệu có tình trạng cán bộ huyện Sóc Sơn bảo kê cho việc xây dựng ở đất rừng phòng hộ hay không, ông Ngọc khẳng định: “Cán bộ từ cấp xã đến huyện của Sóc Sơn không bao giờ có chuyện đó”.
Tuy nhiên, vị Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cũng thừa nhận có trình trạng cấp xã ‘giấu’ những trường hợp vi phạm, dẫn đến lãnh đạo cấp huyện không biết được tình hình. Ngoài ra, theo ông Ngọc, huyện luôn đặt mục tiêu ngăn chặn và xử lý kịp thời vi phạm. Tuy nhiên, cũng không thể bảo bà con là cấm vi phạm.
Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội), việc người dân tự ý làm đường, xây dựng các công trình kiên cố trong đất rừng Sóc Sơn là bất hợp pháp. Do vậy, cơ quan chức năng cần rà soát để có biện pháp xử lý từng công trình sai phạm.
Đại biểu Phạm Văn Hoà cho rằng, để dẫn tới những sai phạm kể trên có trách nhiệm của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý lâm nghiệp.
“Chính quyền và cơ quan quản lý lâm nghiệp ở đâu khi người dân làm đường và xây dựng công trình kiên cố trên đất lâm nghiệp”, ông Phạm Văn Hoà băn khoăn.
Ngoài ra, theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà, khi dư luận phản ánh vẫn còn các công trình vi phạm rừng Sóc Sơn sau khi Thanh tra TP Hà Nội có kết luận, thì lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng cần vào cuộc làm rõ.
“Cử tri và nhân dân đang chờ đợi UBND TP Hà Nội có động thái xử lý dứt điểm những công trình sai phạm”, ông Phạm Văn Hoà nói.