- Sự cố máy bay hạ cánh nhầm đường băng sân bay Cam Ranh (Khánh Hoà) ngày 29/4 một lần nữa cảnh tỉnh Hàng không VN để xảy ra không ít sự cố nghiêm trọng uy hiếp an toàn bay.
Hạ cánh nhầm đường băng ở Cam Ranh
Ngay chiều 29/4, Cục Hàng không Việt Nam đã đình chỉ công tác toàn bộ thành viên tổ lái chuyến bay VN7344 hạ cánh nhầm ở sân bay Cam Ranh.
Trước đó, vào chiều cùng ngày, máy bay A321 của Vietnam Airlines (VNA) số hiệu VN7344, chặng TP.HCM - Cam Ranh đã hạ cánh xuống đường CHC số 2 chưa đưa vào khai thác tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh.
Thành viên tổ bay có 7 người, cơ trưởng có quốc tịch Mỹ, cơ phó là người Việt Nam. Tổng số hành khách là 203 người.
Máy bay suýt đụng nhau trên không
Ngày 20/2/2017, một máy bay dân dụng tại sân bay Cam Ranh nhận lệnh cất cánh, nhưng 2 phút sau nhận được báo động có máy bay bay thấp hơn 500ft (hơn 152m) phía dưới.
Cụ thể, lúc 23h38, máy bay A321 số hiệu HVN 1552 chuẩn bị cất cánh đi Nội Bài. Cùng thời điểm đó hệ thống chống va chạm trên không (TCAS) phát đi báo động khi một chiếc Airbus 321 của hàng không dân dụng và máy bay quân sự đang huấn luyện vi phạm phân cách tối thiểu tại khu vực sân bay Cam Ranh.
Nguyên nhân dẫn tới sự cố uy hiếp an toàn bay này được xác định là do phối hợp điều hành bay chưa chính xác.
Hàng không Việt đã xảy ra nhiều sự cố uy hiếp an toàn bay |
Trước đó, ngày 29/10/2014, tại sân bay Tân Sơn Nhất xảy ra sự cố máy bay Airbus A321 của VNA cất cánh thì máy bay quân sự Mi 172/423 rẽ phải và cắt qua hướng cất cánh này.
Phân tích sự cố sau đó cho thấy, nguyên nhân là do công tác tổ chức hợp đồng giữa hàng không dân dụng với quân đội chưa đúng quy trình.
Bên quân sự nếu muốn để máy bay cắt ngang đường cất hạ cánh thì phải thông báo trước với phía kiểm soát viên dân sự rồi mới được thực hiện. Tuy nhiên, trong trường hợp này phía quân sự đã không báo trước.
Máy bay mất liên lạc do kiểm soát viên không lưu ngủ
Một sự cố khác xảy ra ngày 9/3/2017, khi tổ lái 2 chuyến bay của Vietjet Air thực hiện hàng chục cuộc gọi nhưng không thể liên lạc được với Đài kiểm soát không lưu ở sân bay Cát Bi (Hải Phòng).
Phi công của chuyến bay VJ921 đã mất liên lạc với kiểm soát không lưu trong 32 phút 36 giây; chuyến bay VJ 292 mất liên lạc 24 phút 31 giây.
Cụ thể, chuyến bay VJ921 có giờ khởi hành dự kiến từ sân bay Cát Bi đi Seoul (Hàn Quốc) lúc 23h45. Trong khoảng thời gian từ 22h51 - 23h24, để chuẩn bị cất cánh, cơ trưởng chuyến bay đã thiết lập liên lạc với Đài kiểm soát không lưu Cát Bi tổng cộng 29 lần, nhưng không nhận được trả lời. Chuyến bay sau đó phải khởi hành lúc 23h58, muộn 13 phút.
Cùng ngày, chuyến bay VJ292 từ TP.HCM dự kiến hạ cánh xuống sân bay Cát Bi lúc 23h30. Khi máy bay đi tới khu vực Quảng Bình, phi công thiết lập liên lạc sớm với Đài Kiểm soát không lưu Cát Bi để thông báo chuẩn bị đi vào vùng tiếp cận nhưng bất thành.
Trong khoảng thời gian từ 23h14 - 23h38, cơ trưởng chuyến bay thực hiện 10 cuộc gọi tới Đài chỉ huy, nhưng không nhận được phản hồi cho tới 23h39.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là kiểm soát viên không lưu trực hợp đồng Nguyễn Văn Chanh (60 tuổi) không có mặt tại vị trí trực từ lúc 21h40 ngày 9/3 đến 5h40 ngày 10/3. Trong khi đó, người trực chính Lương Thị Minh Thư (31 tuổi) đã ngủ trong khoảng thời gian từ 21h40 đến 23h15 ngày 9/3, đến 23h24’11’’ mới thiết lập liên lạc với tổ bay VJ921.
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) sau đó đã xử lý hàng loạt cán bộ liên quan.
Đài không lưu mất điện
Năm 2014, hàng không Việt Nam còn để xảy ra một sự cố nghiêm trọng: mất điện đài không lưu Tân Sơn Nhất trong 35 phút.
Đài không lưu mất điện dẫn tới tín hiệu ra-đa bị mất hoàn toàn không tiếp nhận được các chuyến bay đến/đi vào vùng trời sân bay Tân Sơn Nhất.
Sự cố xảy ra vào khoảng 11h trưa ngày 20/11 khiến nhiều chuyến bay đi/đến Tân Sơn Nhất bị ngưng trệ. Không ít chuyến bay phải quay trở lại nơi xuất phát hoặc đáp xuống các sân bay dự bị khác.
Sự cố không chỉ gây ảnh hưởng đến phạm vi hoạt động bay trong nước mà còn ảnh hưởng đến cả hoạt động bay quốc tế.
Mất điện Đài kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất là sự cố hi hữu |
Khi xảy ra sự cố mất điện trong vùng FIR (vùng thông báo bay), TP.HCM có 54 máy bay đang hoạt động quản lý, nếu tính cả trong 35 phút có 92 chuyến bay hoạt động, trong đó có 8 chiếc đang bay vào vùng tiếp cận của sân bay Tân Sơn Nhất để chuẩn bị hạ cánh…
Rất may đài kiểm soát không lưu kịp thời chuyển sang phương án khẩn nguy điều hành bay nên không xảy ra sự cố nào đe dọa an toàn bay.
Hai máy bay suýt đụng nhau trên trời ở Cam Ranh
Máy bay dân dụng nhận lệnh cất cánh, nhưng hai phút sau máy bay này báo hệ thống chống va chạm trên không (TCAS) báo động có máy bay thấp hơn 500ft (hơn 152m) phía dưới.
Vietnam Airlines lên tiếng về sự cố ở Cam Ranh
Vietnam Airlines lên tiếng về chuyến bay VN1344 từ TP.HCM đi Cam Ranh ngày 13/12 hạ cánh bất thành.
Phút 'thót tim' vì máy bay mất liên lạc trên trời
24 năm kinh nghiệm trong nghề KSV không lưu, ông Lê Thanh Hải nhớ như in vụ máy bay không thể hạ càng năm 2016.
Máy bay mất liên lạc vì kiểm soát viên không lưu ngủ
Hai sự cố máy bay mất liên lạc với kiểm soát viên không lưu là do kíp trực Đài kiểm soát không lưu ngủ.
Gia Văn