Thêm các nhà đầu tư mới, thị trường hàng không hứa hẹn sẽ trở nên phong phú hơn với nhiều thương hiệu, đồng thời mang lại kì vọng giảm giá vé cho người dân Việt.
100 triệu dân Việt: 7-8 hãng hàng không chưa gọi là nhiều
Bầu trời chật chội
Mới đây, thông tin về hãng hàng không giá rẻ AirAsia sắp có mặt ở Việt Nam thêm lần nữa gây chú ý. Đó là sự xuất hiện của nhà sáng lập kiêm CEO của AirAsia, ông Tony Fernandes, ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cùng ông Trần Trọng Kiên, Tổng giám đốc cổ phần Hàng không Hải Âu.
Thương vụ này được dấy lên từ tháng 4/2017, nhưng im ắng cho đến nay. Khi đó, Gumin, công ty con của Thiên Minh Group (TMG), được cho là sẽ thành lập liên doanh với AirAsia tại Việt Nam với số vốn ban đầu khoảng 1.000 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư Việt chiếm tỉ lệ 70%.
Hãng bay “thần kỳ châu Á” liệu có mang lại vé giá rẻ? |
Có thể nói Việt Nam là điểm đến quan trọng với AirAsia. Hãng hàng không nổi tiếng giá rẻ từ Malaysia này đã có thị trường ở Indonesia, Thái Lan và Philippines. Trước đó, AirAsia đã trải qua nhiều thương vụ liên doanh bất thành với các ông lớn khác, như tập đoàn Vinashin, hay 2 hãng hàng không hiện hữu là Jetstar và Vietjet Air.
Trong khi đó, Tập đoàn Thiên Minh hiện tại cũng sở hữu Hải Âu, công ty đang thực hiện những chuyến bay thủy phi cơ đưa du khách tham quan trên bầu trời Vịnh Hạ Long, hoạt động từ năm 2011.
Việc liên doanh hàng không giữa AirAsia và tập đoàn Thiên Minh thêm lần nữa rộ lên trong bối cảnh ngành hàng không Việt Nam cũng vừa mới có một hãng hàng không được cấp phép, và ráo riết lên kế hoạch bay.
Theo đó, Bamboo Airways dự kiến sớm khai thác chuyến bay đầu tiên vào cuối năm 2018 sau nhiều lần lỗi hẹn. Vốn điều lệ của hãng bay này là 700 tỷ đồng, thấp hơn con số mà tập đoàn FLC dự kiến đưa ra trước đó là 1.300 tỷ đồng.
Hiện tại, thị trường hàng không Việt Nam đã có 5 hãng khai thác, gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và VASCO (đây là 2 công ty con của Vietnam Airlines). Báo cáo của SSI mới đây dẫn lại công bố của Vietjet Air về thị phần các hãng. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm, thị phần của Vietjet Air đạt 45%, Vietnam Airlines chiếm 38%, Jetstar Pacific 15% và VASCO là 2%.
Không ngạc nhiên khi nhiều hãng muốn nhảy vào giành thị phần vì ngành hàng không hiện nay vẫn khá hấp dẫn. Số liệu cho thấy lượng hành khách vận chuyển trong 11 tháng đầu năm tăng 14% so với cùng kỳ (đạt 50 triệu hành khách), lượng hàng hóa cũng tăng 26%.
Trong khi đó, báo cáo của các hãng hàng không trong 9 tháng đầu năm vẫn tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu tốt, dù các hãng như Vietnam Airlines, Vietjet Air ghi nhận lợi nhuận giảm là do giá xăng dầu tăng cao. Chưa kể đến hãng hàng không Jetstar Pacific sau nhiều năm kín tiếng, mới đây công bố lượng khách vận chuyển đạt 6,2 triệu, doanh thu năm nay dự kiến tăng 21%.
Hiện nay, miếng bánh trên thị trường hàng không ngày càng nở lớn, chủ yếu đến từ nhu cầu đi lại nội địa tăng lên và lượng khách du lịch quốc tế ngày càng tăng mạnh. Thống kê cho thấy trong giai đoạn 2010-2017, thị trường vận tải hàng không Việt Nam tăng trưởng bình quân 16,6% về hành khách, 14%/năm về hàng hóa.
Áp lực lên Vietnam Airlines và Vietjet Air khi có thêm nhiều đối thủ mới |
Giá có rẻ hơn?
Việc AirAsia sắp gia nhập thị trường Việt gây nhiều chú ý bởi hãng hàng không này nổi tiếng là với giá vé rẻ, hãng này thậm chí đưa ra khẩu hiệu: “Tất cả mọi người đều có thể bay”. Đây là một thách thức lớn đối với các hãng hàng không hiện hữu trên thị trường khi phải đối mặt với “câu chuyện thần kỳ châu Á”.
Đại diện của AirAsia cũng cho biết kế hoạch chung là sẽ phát triển nhanh nhất với số lượng máy bay nhiều nhất có thể. Điều này mang lại kỳ vọng về giá vé rẻ cho thị trường Việt.
Tuy nhiên, việc AirAsia gia nhập và thêm những hãng hàng không như Bamboo Airways có mang lại giá vé rẻ cho thị trường vẫn là câu hỏi khó trả lời.
Nhớ lại ở thời kỳ đầu mà Vietjet Air gia nhập thị trường vào năm 2011, hãng này tung “chiêu” khuyến mãi giá vé 0 đồng liên tục. Hình ảnh mà Vietjet Air muốn in đậm vào tâm trí khách hàng bây giờ là giá cực rẻ, trong bối cảnh Vietnam Airlines gần như độc quyền với thị phần áp đảo, còn các hãng hàng không tư nhân khác liên tục ngừng bay bởi những cuộc khủng hoảng.
Tuy nhiên, đến giai đoạn sau nay, Vietjet Air lại chuyển hướng. Chính hãng này cũng tự nhận mình là “hàng không thế hệ mới”, không còn đơn thuần là giá vé rẻ. Thậm chí, Vietjet Air trước đó lại cho rằng nên tránh các cuộc cạnh tranh về giá để hạn chế rủi ro.
Điểm đặc trưng của các hãng hàng không giá rẻ là cạnh tranh về giá vé, lấy tiền từ các dịch vụ cộng thêm, nhưng khi đã có lượng khách hàng ổn định, trung thành, Vietjet Air mới dần dần nâng cấp các dịch vụ của mình. So sánh thực tế giá vé trên nhiều chặng với Vietnam Airlines thì giá vẻ của Vietjet Air cũng không thực sự rẻ hơn bao nhiêu.
Thực tế khi ra mắt, các tân binh cũng không dám nói đến việc giá vé rẻ, mà là giá phải chăng.
Chẳng hạn như Bamboo Airways nhiều lần thông tin rằng sẽ không cạnh tranh ở các đường bay hiện hữu có mặt hai ông lớn Vietnam Airlines và Vietjet Air. Hãng này hoạt động theo mô hình hàng không mới, kết hợp giữa dịch vụ hàng không truyền thống và hàng không chi phí thấp, tập trung vào du khách đưa đến các địa điểm du lịch.
Còn với liên doanh AirAsia - Gumin, nhiều khả năng cũng sẽ tập trung vào mô hình hàng không thế hệ mới tương tự như Vietjet Air. Công ty mẹ của liên doanh này cũng hoạt động rất mạnh trong lĩnh vực du lịch, sở hữu nhiều bất động sản nghỉ dưỡng.
Trong bối cảnh này, Vietnam Airlines công bố đi theo mô hình hàng không truyền thống cung cấp dịch vụ đầy đủ, còn Jetstar (công ty con của Vietnam Airlines) sẽ hướng đến nhóm khách hàng bình dân, cạnh tranh trực tiếp với các hãng hàng không có phân khúc giá vé thấp hơn.
Đáng chú ý, trước động thái của đối thủ tập trung vào các điểm đến du lịch, đầu tháng 10 vừa qua, Vietnam Airlines đã ký hợp tác chiến lược với Vingroup để phát triển các mạng đường bay du lịch. Thời gian tới, cuộc đua trên bầu trời sẽ ngày càng trở nên gay cấn.
Dũng Nguyễn
Việt Nam có thêm 1 hãng hàng không: Khốc liệt cạnh tranh giảm giá
Bộ Giao thông Vận tải ngày 12/11 chính thức cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH Hàng không Tre Việt. Như vậy, với sự ra đời của Bamboo Airways, Việt Nam có thêm hãng hàng không thứ 5.
Delay quá nhiều, các hãng hàng không thu lãi cực lớn
Các hãng hàng không tiếp tục tăng trưởng tốt, tuy nhiên, kết quả kinh doanh lại bị ảnh hưởng mạnh từ yếu tố thị trường như nhiên liệu hay tỷ giá.
Nhân viên dịch vụ hàng không Việt: Ăn lương 240 triệu/tháng
Lao động tại các doanh nghiệp dịch vụ hàng không đang hưởng mức thu nhập rất cao so với nhóm ngành khác, thậm chí, có người nhận mức thu nhập hơn 240 triệu đồng mỗi tháng.