Báo cáo gửi Thủ tướng mới đây của Bộ GTVT cho thấy, thiệt hại ban đầu do dịch Covid-19 gây ra đối với các hãng hàng không trong nước là khoảng hơn 30 ngàn tỷ đồng.
Các hãng trong nước đã dừng khai thác các đường bay quốc tế. Với đường bay nội địa, chỉ khai thác lác đác vài chuyến từ Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội/TP.HCM - Đà Nẵng.
Tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất những ngày này, máy bay nằm la liệt tại sân đỗ. Riêng sân bay Nội Bài có khoảng hơn 90 máy bay đang không thể cất cánh.
Trong số 234 máy bay đăng ký quốc tịch Việt Nam của các hãng hàng không trong nước, có tới hơn 200 máy bay nằm đắp chiếu. Trong khi đó, các hãng hàng không vẫn phải chi hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng chi phí để duy trì hoạt động như: thuê (hoặc mua) máy bay, trả lương tiếp viên phi công, bảo trì bão dưỡng, thuê sân đỗ…
Máy bay nằm la liệt tại sân đỗ sân bay Nội Bài |
Vietnam Airlines được xem là có thiệt hại nặng nề nhất với hơn 100 máy bay tạm dừng khai thác, trong đó có 15 chiếc Boeing 787 và 14 chiếc A350. Mỗi tháng, tiền thuê một chiếc máy bay loại này vào khoảng 1 triệu USD. Như vậy, với riêng đội máy bay này, mỗi tháng Vietnam Airlines phải chi gần 30 triệu USD.
Ngoài ra, hãng hàng không quốc gia còn 76 máy bay A321, tiền thuê mỗi chiếc trung bình trên thị trường khoảng 300 nghìn USD/tháng.
Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho biết, với diễn biến dịch bệnh như hiện nay, dự kiến hãng phải giảm tải cung ứng khoảng 60%; doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng, tương đương giảm 65% so với kế hoạch.
Chưa kể, khoảng 10.000 nhân viên của Vietnam Airlines sẽ phải ngừng việc. Trong số này, nhiều nhất là phi công, tiếp viên.
Tương tự, VietJet có 75 máy bay A320, A321, các chuyên gia ước tính khoản tiền mà phải trả có thể lên tới trên dưới 20 triệu USD/tháng.
Với Bamboo Airways, sau hơn 1 năm có mặt trên thị trường, hãng có 3 chiếc B787, 7 chiếc A321, 11 chiếc A320 và 1 chiếc A319. Chi phí để Bamboo Airways duy trì hoạt động bộ máy chắc chắn không nhỏ.
Ngoài chi phí thuê mua máy bay (nếu mua phải trả lãi vay), hàng tháng các hãng hàng không còn phải trả hơn 10 tỷ đồng tiền bãi đỗ tại sân bay. Trong đó, Vietnam Airlines phải chi hơn 6 tỷ, VietJet khoảng 3,6 tỷ và Bamboo Airways khoảng 1,24 tỷ.
Lo có hãng bay phá sản
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, các hãng đang cạn kiệt nguồn lực do chỉ một số ít đường bay trọng điểm được duy trì với tần suất mỗi hãng khai thác 1 chuyến bay/ngày.
Theo ông Thắng, vấn đề lớn nhất của các hãng hàng không hiện nay là không có dòng tiền về nên không thể trang trải hoạt động.
"Ở tình cảnh hiện tại, không phải là thiệt hại bao nhiêu mà là cứu vãn được bao nhiêu. Thậm chí, nếu dịch tiếp tục kéo dài có thể có hãng không trụ được dẫn tới phá sản.
Tuy nhiên, dù tình hình thế nào thì việc phòng, chống dịch Covid-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu và ngành hàng không phải chấp nhận", ông Thắng nói.
Trong báo cáo Chính phủ mới đây, Bộ GTVT đã đưa ra các kịch bản dự báo cho thị trường vận tải hàng không trong nước.
Theo đó, trường hợp khả quan nhất nếu dịch Covid-19 được kiểm soát trong tháng 4 này thì tổng thị trường sẽ đạt khoảng 67 triệu khách, giảm 15,4% so với năm 2019.
Trong đó, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển được 12,7 triệu khách quốc tế (giảm 28,3%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển đạt 48 triệu khách (giảm 9,2% so với cùng kỳ).
Ở trường hợp xấu hơn, dịch bệnh được kiểm soát trong tháng 6, có tính đến việc huỷ toàn bộ các chuyến bay đi, đến Hàn Quốc, tổng thị trường chỉ đạt 61,2 triệu khách, giảm 22,6% so với năm 2019.
Trong đó các hãng Việt Nam vận chuyển được 10,4 triệu khách quốc tế (giảm 41,2%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển đạt 45,7 triệu khách (giảm 17% so với cùng kỳ).
Phòng dịch Civd-19, cách ly hoàn toàn kiểm soát viên không lưu
Tổng công ty Quản lý bay VN (VATM) quyết định kích hoạt kế hoạch ứng phó đại dịch Covid-19 tại các cơ sở bảo đảm hoạt động bay để ứng phó với tình hình dịch bệnh.
Vũ Điệp