Sự ồ ạt của các tên tuổi hàng gia dụng đến từ nước ngoài như Nhật, Hàn, Đức và tâm lý sính ngoại đã khiến các doanh nghiệp trong nước đứng trước cuộc cạnh tranh đầy khốc liệt.
Với ưu thế mẫu mã và chất lượng, hàng gia dụng nhập khẩu vẫn được giới nội trợ đánh giá cao. Khảo sát tại các hệ thống điện máy, siêu thị dễ dàng có thể nhận thấy nhiều sản phẩm này từ nồi xoong, nồi cơm điện đến bàn là, máy lọc nước,… Hầu hết các sản phẩm đang được phổ biến nhập từ Đức, Hàn Quốc hay Thái Lan. Tuy nhiên, so với giá thành luôn đắt hơn, thậm chí là gấp đôi. Đơn cử một bộ nồi nhập khẩu từ Đức có giá hơn 5 triệu đồng, trong khi đó một bộ sản phẩm trong nước chỉ từ 500 nghìn đồng.
Chỉ tính riêng Thái Lan, theo thống kê của Bộ Công Thương, mới đây, lượng hàng nhập khẩu của Thái Lan tăng mạnh, đứng thứ 2 trên thị trường, sau hàng Trung Quốc. Hàng điện tử, điện lạnh nhập khẩu từ Thái Lan chiếm đến 70% thị phần. Ngay cả các loại hoa quả tương tự của Việt Nam, hàng có xuất xứ Thái Lan cũng đã chiếm đến 40% thị phần, dù giá luôn cao hơn từ 30 - 50%.
Các hệ thống phân phối lý giải, sở dĩ hàng ngoại hiện trội hơn hàng nội là do họ phải nhập thêm để nguồn hàng phong phú, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Hàng gia dụng trong nước với cuộc cạnh tranh hàng ngoại |
Bà Nguyễn Thị Hương (quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay, các sản phẩm hàng gia dụng từ nước ngoài có chất lượng tốt. Mặc dù phải mua với giá cao nhưng bà vẫn cảm thấy an tâm về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, bà Hương cũng rất mong muốn dùng các sản phẩm trong nước với tinh thần “người Việt dùng hàng Việt”.
Hàng nội tìm chỗ đứng
So với hàng ngoại, hàng Việt vẫn có nhiều lợi thế. Hiểu người tiêu dùng trong nước và lợi thế về giá cả cạnh tranh cùng với cải tiến mẫu mã, các doanh nghiệp hàng gia dụng trong nước đang lấy lại thị phần. Trước những lo ngại về hàng ngoại, các doanh nghiệp Việt vẫn tự tin.
Ông Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse cho biết: “Quan trọng là phải hiểu được thói quen của người làm bếp và văn hóa bếp núc ở Việt Nam. Người Châu Âu thường thích dùng chảo nông lòng để rán, ốp thức ăn. Người Trung Quốc lại thích chảo sâu lòng để xào, chiên đồ dầu mỡ. Với người Việt Nam, một chiếc chảo đa- di- năng lại rất được ưa chuộng hàng đầu. Chiếc chảo đó dùng để chiên, xào, rán, ốp thức ăn. Đáp ứng được yêu cầu này nên Sunhouse đã được các bà nội trợ rất ưa chuộng và đón nhận.”
Chảo chống dính Sunhouse hiện đang chiếm lĩnh tới 40 – 50% thị trường so với các sản phẩm khác. Ở nông thôn, chảo chống dính Sunhouse áp đảo tới 60 – 70%. Bên cạnh đó, Sunhouse đang chiếm lĩnh sang các mảng khác của ngành hàng gia dụng như nồi cơm điện, ấm đun nước…Gần đây nhất, chiếc nồi cơm điện với kiểu dáng hiện đại tiên lợi với phong cách người Việt cũng đã được ra đời.
Nhiều sản phẩm hàng gia dụng trong nước được đánh giá cao |
Điểm khác biệt của Sunhouse là đi vào kênh phân phối bán lẻ tới tận tay người tiêu dùng. Ngoài bày bán ở các siêu thị, cửa hàng cấp một, nhà phân phối, đơn vị này còn tập trung vào các hội chợ, điểm bán hàng nông thôn, tặng sản phẩm cho trường học, khu vực hải đảo,… để thu hút người tiêu dùng. Theo báo cáo, lợi nhuận cúa Sunhouse năm 2013 là 1.980 tỷ đồng, năm 2014 dự kiến 2.500 tỷ đồng.
Có thể nói, thị phần về hàng gia dụng trong nước luôn hấp dẫn với tất cả các doanh nghiệp. Tuy nhiên phần thắng vẫn thuộc về các doanh nghiệp biết đầu tư kinh doanh bài bản, bên cạnh nâng cao chất lượng các doanh nghiệp cũng cần có chiến lược bán hàng, marketing hiệu quả để đưa thông tin tới tận tay người tiêu dùng dù là nông thôn hay thành thị.
Khánh Chi