-“Nhiều khách hàng muốn mua chỗ đậu xe nhưng bên em không cho bán. Chị có trả 10 tỷ cũng không mua được đâu”. Câu chuyện của môi giới và một vị khách mua căn hộ trên đường Thi Sách, quận 1, khiến người nghe có cảm giác sở hữu chỗ đậu xe ở trung tâm còn khó hơn mua căn hộ.
Số tiền 10 tỷ đủ để đại gia có thể mua siêu xe, nhưng lại không mua nổi 1 chỗ đậu xe. Đây chỉ là con số cường điệu của môi giới, để nói rằng chủ đầu tư không có chính sách cho chuyển nhượng chỗ đậu xe, ở khu căn hộ siêu đắt đỏ này. Tuy nhiên, trên thị trường vẫn có những chỗ đậu xe được mua bán tiền tỷ, ở các chung cư có vị trí đắc địa.
Vỉa hè chung cư Saigon Pearl bị biến thành chỗ đậu xe |
Năm 2012, một chung cư khác gần chợ Bến Thành cũng đã “bán” chỗ đậu xe oto cho khách hàng mua căn hộ, dưới dạng hợp đồng thuê 50 năm, với giá khoảng 55.000 USD/1 chỗ. Tuy nhiên, số lượng này rất hạn chế và chỉ những khách hàng mua căn hộ diện tích lớn, mức giá trên 10 tỷ/căn mới được “mua”. Đây được xem như giải pháp tình thế để tăng sức mua trong bối cảnh thị trường lúc đó đang trầm lắng. Còn nếu “bán” hết thì không đủ mỗi căn hộ 1 chỗ đậu xe ô tô.
Khảo sát các chung cư ở trung tâm, đa phần thiết kế tầng hầm không đủ chỗ đậu xe cho cư dân. Nhiều chung cư phải sử dụng vỉa hè làm chỗ đậu xe như: Saigon Pearl, Chung cư Tôn Thất Thuyết, Saigon Luxury… Rất ít chung cư tính toán đủ lưu lượng xe để bố trí đủ chỗ.
Mới đây, Thông tư 02/2016/TT-BXD về Quy chế quản lý và sử dụng nhà chung cư, do Bộ Xây dựng ban hành, đã cho phép mua bán chỗ đậu xe ô tô trong chung cư. Theo đó, người mua, thuê mua căn hộ hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư được mua hoặc thuê và có quyền chuyển nhượng, cho thuê chỗ để xe này.
Việc cho phép mua bán, chuyển nhượng chỗ đậu xe ô tô trong chung cư đã tạo hành lang pháp lý cho minh bạch những giao dịch trước đây phải “lách” dạng hợp đồng thuê, giúp cư dân yên tâm về việc chuyển nhượng khi không có nhu cầu sử dụng nữa. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến khác băn khoăn về những vấn đề phát sinh.
Anh Tùng Quang, một khách hàng sở hữu căn hộ trung tâm Sài Gòn, cho rằng: “Với những chủ đầu tư uy tín, họ không dễ gì đánh đổi thương hiệu để chèn ép, đẩy giá chỗ đậu xe. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp bình thường, phải có cơ chế giám sát, áp giá trần, tránh chuyện thổi giá thuê, giá bán, khi khách hàng đã mua căn hộ”.
“Một vấn đề nữa là, Thông tư quy định: “Người mua chỗ để xe ô tô nếu có nhu cầu chuyển nhượng hoặc cho thuê chỗ để xe này thì chỉ được chuyển nhượng, cho thuê cho các chủ sở hữu, người đang sử dụng nhà chung cư đó hoặc chuyển nhượng lại cho chủ đầu tư”. Mục đích có thể tạm hiểu là tránh việc những người bên ngoài chung cư không sử dụng chỗ đậu xe nhưng vẫn sở hữu chỗ đậu xe và xuất hiện một tình trạng đầu cơ, làm giá mới. Tuy nhiên, điều này chỉ kiểm soát được lúc đầu, khi chủ đầu tư bán ra. Giả sử tôi có 1 căn hộ và 1 chỗ đậu xe, vì một lý do nào đó, tôi phải bán căn hộ đi thì tôi vẫn còn chỗ đậu xe. Chẳng ai bắt tôi bán căn hộ phải kèm chỗ đậu xe cả” - anh Quang phân tích.
Ở góc độ quản lý, vận hành tòa nhà, Ông Nguyễn Duy Thành, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý nhà Toàn Cầu (Global Home) cho rằng: “Nói là cho phép mua bán, chuyển nhượng chỗ đậu xe, nhưng thực chất người có lợi hơn vẫn là chủ đầu tư. Khách hàng dù có mua chỗ đậu xe thì vẫn phải trả phí gửi xe hàng tháng, chẳng khác nào mất tiền 2 lần. Chỉ được duy nhất là yên tâm có 1 chỗ đậu xe”.
Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp bất động sản, nêu quan điểm, không ủng hộ việc mua bán chỗ đậu xe. Theo vị này, nếu xét lợi trước mắt thì có nhưng về lâu dài sẽ dẫn đến sự lãng phí trong khai thác. Khi chủ sở hữu không sử dụng thì chỗ trống này hoàn toàn không được khai thác. Xét về hiệu quả vận hành chung tòa nhà thì đây là điều bất hợp lý.
Quốc Tuấn