Tăng gấp 3 lượng hàng

Theo báo cáo nhanh của Sở Công Thương Hà Nội sáng 7/3, hiện Sở Công Thương đã triển khai lực lượng xuống các địa bàn, các điểm bán hàng của các siêu thị để chỉ đạo việc tăng nguồn cung, kiểm tra việc cung ứng hàng hóa. Phối hợp với các nhà phân phối, các quận, huyện tuyên truyền để người dân an tâm và hạn chế mua hàng hóa tích trữ.

Báo cáo nhanh của một số doanh nghiệp phân phối gửi đến Vụ Thị trường trong nước cũng cho thấy: Lượng khách đến mua hàng từ sáng 7/3 có tăng nhưng hiện nguồn cung hàng hóa tại các điểm bán hàng của các siêu thị vẫn đáp ứng đủ nhu cầu.

{keywords}
Người dân không nên hoang mang, đổ xô đi mua đồ tích trữ là không cần thiết.

Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và đánh giá nhu cầu mua hàng của người dân đối với loại hình phân phối bán lẻ hiện đại trong giai đoạn dịch bệnh sẽ tăng nên các doanh nghiệp đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 3 lần so với trước.

Trong ngày hôm nay, hệ thống các siêu thị đang triển khai phương án điều nguồn hàng từ bên ngoài Hà Nội về các điểm bán hàng trong thành phố để cung cấp cho người dân.

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ tiêu dùng của người dân, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối (hệ thống các siêu thị, các cửa hàng tiện ích,...) trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng cường nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

Ngoài ra, Bộ Công Thương có phương án điều tiết nguồn hàng từ các nhà cung cấp, từ các điểm bán hàng ngoài Hà Nội để tăng lượng cung ứng cho địa bàn thành phố Hà Nội. Bộ cũng đã chỉ đạo Sở Công Thương thành phố Hà Nội, bám sát tình hình thị trường, trực tiếp kiểm tra đôn đốc các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn triển khai các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường, giữ ổn định tâm lý thị trường.

"Hiện việc kiểm soát dịch bệnh và bảo đảm nguồn cung hàng hóa đang được Chính phủ và các Bộ triển khai quyết liệt và sát sao nên người dân tại thành phố Hà Nội không nên quá hoang mang, lo lắng", Vụ Thị trường trong nước khẳng định.

Rủ nhau không mua hàng tích trữ

Chị Nguyễn Mai Hoa (Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội) cho biết: "Nhà tôi vẫn thường đi siêu thị mua đồ đủ dùng trong 3 ngày, sau đó mới mua thêm. Hiện nay đồ ăn còn nhiều nên tôi không cần phải đi mua đồ tích trữ. Mua nhiều sau này toàn ăn đồ ôi thôi". 

Trên nhiều nhóm hàng trên mạng xã hội, nhiều chị em nội trợ cũng đã kêu gọi không nên hoang mang, không đi mua đồ tích trữ vì cả nước hiện nay mới chỉ có 1 trường hợp dương tính, 16 trường hợp trước đó bị nhiễm Covid-19 cũng đã khỏi bệnh. 

Đáng chú ý, một số người bán hàng thực phẩm cũng đứng ra kêu gọi khách hàng không nên mua đồ ăn quá nhiều để tích trữ, vì hàng hóa luôn được bổ sung đầy đủ hàng ngày. 

Một chuyên gia bán lẻ cho hay hàng hóa cơ bản không thiếu, chỉ trong ngày hôm nay dân tình đi mua nhiều nên không tránh khỏi việc hết hàng tạm thời. Chỉ 1-2 hôm là hàng hóa lại trở lại bình thường. Bởi như đã biết, xuất khẩu nông sản đang khó khăn nên nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường nội địa. Năng lực sản xuất thực phẩm của Việt Nam khá tốt nên không lo ngại lắm tình trạng khan hàng tiêu dùng.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội nhìn nhận đang có tình trạng người dân đi mua thực phẩm về tích trữ sáng nay.

Song, theo ông Phú, người dân không nên quá hoang mang về tình trạng thực phẩm. Bởi, năng lực cung cấp hàng của các doanh nghiệp nước ta rất tốt. Đặc biệt, dịch Covid-19 đã xảy ra ngay sau Tết Nguyên đán nên các doanh nghiệp đều có kế hoạch đặt hàng với nhà cung cấp để tăng lượng thực phẩm vào siêu thị.

Trong những ý kiến trước đó gửi phóng viên, ông Vũ Vinh Phú cũng đã lên án những hành vi găm hàng, tăng giá bất hợp lý, thu lợi bất chính trong dịch bệnh. Ông Phú cho rằng việc Chính phủ đã tỏ thái độ quyết liệt với những hành động sai trái trên là việc làm hết sức cần thiết để răn đe những kẻ trục lợi. 

"Chúng ta cần phải lưu ý rằng, đây không phải là những đợt dịch cuối cùng, còn có thể phát sinh trong những năm tiếp theo, chính vì vậy, việc ngăn chặn từ đầu những vi phạm trong bán hàng của các tổ chức cá nhân trái với đạo đức kinh doanh cần phải được xử lý nghiêm minh và kịp thời. Công tác phòng và chống dịch Covid-19 của Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng đồng thời cũng phải phòng và chống những “dịch” bán hàng vi phạm những nguyên tắc cơ bản của đạo lý kinh doanh thông thường mỗi khi có dịch phát sinh. Vì sự bình yên của xã hội trong tiêu dùng lúc có dịch, chúng ta cần phải có những hành động kiên quyết hơn nữa, góp phần vào việc phòng và chống dịch thành công một cách trọn vẹn", ông Vũ Vinh Phú nhắn nhủ.

Lương Bằng - Bạch Hân

Giám sát sức khỏe tất cả hộ gia đình quanh nhà bệnh nhân thứ 17 mắc Covid-19

Giám sát sức khỏe tất cả hộ gia đình quanh nhà bệnh nhân thứ 17 mắc Covid-19

 - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 yêu cầu UBND TP Hà Nội giám sát chặt chẽ hàng ngày sức khỏe tất cả các hộ gia đình quanh nhà bệnh nhân thứ 17 mắc Covid-19.