“Black Friday”, dịp Giáng sinh, dịp Tết dương lịch... là thời điểm mà rất nhiều shop hàng công nghệ trong và ngoài nước “sale” giá để kích cầu và giải quyết hàng tồn. Tại Việt Nam, trào lưu mua hàng từ các website nước ngoài rồi ship về cũng ngày một phổ biến. Tuy nhiên, nếu người mua không đủ tỉnh táo thì rất có thể ăn phải “trái đắng”...
Nở rộ lừa đảo bán hàng công nghệ cao
Nguyễn Xuân Hùng nhân viên một công ty truyền thông tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) là một tín đồ của nghệ thuật nhiếp ảnh. Sở hữu một chiếc máy ảnh “fullframe” với Hùng là một giấc mơ. Buồn thay, khi sắp chạm vào giấc mơ đó thì cũng là lúc Hùng nhận ra mình là nạn nhân của một trò lừa đảo tinh vi.
Tháng 11-2016, sau hàng năm trời tiết kiệm lương, thưởng, thậm chí vay mượn thêm bạn bè, Hùng tiết kiệm được hơn 3.000 USD và lập tức lên trang mua hàng trực tuyến Amazon để đặt mua chiếc máy ảnh Canon 5D mark IV. Tuy nhiên vì món hàng này trang mua bán trực tuyến Amazon không ship thẳng về Việt Nam nên Hùng phải tìm một kênh trung gian.
Search (tìm) trên mạng Internet thì có khá nhiều doanh nghiệp/cá nhân nhận ship hàng từ Mỹ về. Vậy là Hùng chọn một người có nickname là “Văn Nguyễn” trên mạng xã hội Facebook. Người này cho biết có 5 năm kinh nghiệm ship hàng từ Ebay, Amazon về Việt Nam, và mức phí cũng rất cạnh tranh.
Nếu không tinh ý, người dân rất khó nhận biết được chiếc điện thoại và hóa đơn mua bán nhái. |
Là người mua lần đầu, Hùng không có tài khoản thanh toán quốc tế nên phải nhờ Văn Nguyễn mua hộ. Phía kia đồng ý nhưng nêu điều kiện phải chuyển cho anh ta trước 50% giá trị của hàng hóa. Thấy kiểu mua bán này hơi mạo hiểm, Hùng còn chần chừ thì Văn Nguyễn liên tục nhắn tin, gọi điện giục giã. Anh ta bảo mùa giảm giá Black Friday (thứ 6 đen tối) chỉ còn 1 ngày cuối nên phải “chốt order” ngay, không thì sẽ bị mất hàng trăm USD.
Thêm vào đó trên Facebook của Văn Nguyễn cũng có khá nhiều comment cảm ơn anh ta vì dịch vụ tốt, uy tín. Vậy là Hùng đánh liều chuyển cho anh ta 1.500 USD để đặt hàng... Hôm sau thì Văn Nguyễn chuyển cho Hùng 1 cái bill của Amazon thể hiện hàng đã được đặt và đang trên đường vận chuyển. Đối tượng tiếp tục giục Hùng thanh toán nốt số tiền còn lại và phí ship, phí hải quan, phí VAT...
Sau khi nhận đủ tiền, Văn Nguyễn cho biết vì đang mùa nghỉ lễ nên sẽ phải mất 4-5 tuần hàng mới về Việt Nam. Nhưng đã quá thời hạn hàng về cả chục ngày, song vẫn không thấy đâu, Hùng tìm mọi cách liên lạc với Văn Nguyễn đều không được. Đi hỏi nhiều chuyên gia mua hàng có kinh nghiệm, họ mới chỉ cho Hùng biết cái bill là giả. Những comment trên Facebook của Văn Nguyễn cũng do chính đối tượng tự tạo ra mà thôi.
Có kinh nghiệm nhiều năm buôn bán, ship hàng từ nước ngoài về Việt Nam song Thúy Hằng vẫn phải dính quả đắng từ một phi vụ ship hàng về nước. Đó là lần cô thấy anh bạn ở nước ngoài đưa một thông tin lên mạng Facebook rằng có một store (cửa hàng) ở Mỹ đang giảm giá 50% đối với mặt hàng điện thoại di động. Quả là một món hời khó bỏ qua, Hằng lập tức “chat” với anh ta hỏi thêm thông tin.
Trước đó Hằng đã nhờ anh bạn đặt mua 1-2 lần rồi nên khá tin tưởng. Anh bạn cũng tỏ ra rất sốt sắng khi chụp ảnh lại từng mặt hàng cùng giá cả rồi gửi cho Hằng. Thấy hình ảnh rõ nét, Hằng vội chuyển khoản đặt mua vài chục “cây” điện thoại iPhone và Blackberry để bán trong dịp lễ, tết sắp tới. Lúc chuyển khoản, Hằng đã thấy nghi nghi, vì tài khoản nhận tiền khác với lần trước. Hằng có online chat hỏi thì cậu bạn bảo tài khoản kia đang tạm khóa nên phải dùng tài khoản mới này.
Bình thường chuyển hàng từ Mỹ về Việt Nam hết khoảng 2 tuần lễ, song lần này mãi vẫn không thấy người bạn gửi hàng về. Nhắn tin cho anh ta cũng không thấy hồi âm. Hằng sốt sắng lên mạng hỏi bạn bè mới biết sự thật đau lòng là cậu bạn bị ốm nằm viện, còn Facebook của cậu đã bị một kẻ nào đó hack chiếm quyền kiểm soát. Chính đối tượng đó đã lợi dụng sự cả tin của người thân, bạn bè của cậu ta để lừa đảo mua hàng.
Có thể nói càng về cuối năm nhu cầu thay mới, nâng cấp hàng công nghệ như điện thoại di động, máy ảnh, laptop, tablet... của người dân ngày càng tăng. Và đó cũng là cơ hội để nhiều đối tượng lợi dụng soạn ra các bẫy để lừa người mua. Hoàng Long kể lại cho chúng tôi nghe cái bẫy tinh vi mà cậu vừa bị mắc.
Một dịch vụ ship hàng từ nước ngoài bị tố cáo là lừa đảo và một topic cảnh báo ship hàng lừa đảo từ trang ebay (ảnh nhỏ). |
Là một tín đồ của hàng công nghệ, đồng thời cũng nhiều lần mua đồ qua các website ở nước ngoài rồi nhờ người chuyển về Việt Nam nên Long rất tự tin vào những giao dịch của mình. Cũng vì quá tự tin nên nhân ngày “Black Friday”, Long đã lên mạng đặt một lô hàng gồm nhiều điện thoại di động và máy tính bảng để chuyển về Việt Nam bán kiếm lời. Khi hàng chuyển đến địa chỉ của bạn Long ở Mỹ thì gặp trục trặc vì người bạn thân này lại vừa có việc gấp phải giải quyết.
Vì muốn hàng về nhanh, Long đành phải liên hệ với một cá nhân chuyên “đánh” hàng từ nước ngoài về. Để tránh bị lừa, Long đề nghị người kia phải quay video, chụp lại từng bước như đóng gói hàng, viết bill... Thậm chí Long còn lấy mã vận đơn theo dõi cho tới khi hàng về Việt Nam thì mới chuyển trả đủ tiền cho người kia. Nhưng dù đã cẩn thận như thế mà Long vẫn không nhận được hàng.
Liên hệ với trung tâm dịch vụ khách hàng của hãng chuyển phát nhanh, Long mới phát hiện ra đối tượng đã rất tinh vi khi thực hiện theo tất cả những yêu cầu của Long đưa ra, chỉ duy có địa chỉ về Việt Nam thay vì Hà Nội, đối tượng đã ghi sang một thành phố khác. Khi chụp ảnh và quay clip gửi cho Long, đối tượng cũng cố tình chỉ để lộ địa chỉ đến là Việt Nam mà che đi dòng chữ ghi thành phố nơi đến.
Một trường hợp khác, chị Q.M. (ở Ba Đình, Hà Nội) cũng mua một chiếc điện thoại iPhone 7 qua một tay buôn có nickname Lehuy09 ở nước ngoài. Người này tỏ ra làm ăn rất đàng hoàng khi tuyên bố ship hàng theo kiểu COD (cash on delivery - người mua có quyền kiểm tra hàng rồi mới trả tiền mặt cho người bán).
Sau khi đặt chiếc điện thoại này, một tuần sau chị M. thấy đối tượng gửi cho chị đầy đủ hóa đơn mua bán tại một siêu thị điện máy của Mỹ. Đồng thời cho biết hàng đã được chuyển về Việt Nam, khoảng 3 ngày nữa là tới. Đối tượng sẽ nhờ người quen ship đến tận nhà cho chị M.
Mấy hôm sau, chị M. nhận được điện thoại từ một người xưng là bạn của đối tượng đang ở Hà Nội. Cô ta hỏi xem chị M. có phải là người đã đặt chiếc điện thoại iPhone 7 Plus màu hồng hay không? Khi chị M. xác nhận đúng là người đặt mua thì cô ta hẹn 1 giờ nữa sẽ qua giao hàng. Vừa dứt cuộc nói chuyện được khoảng 5 phút, chị M. nhận được cuộc gọi từ Lehuy09 hỏi xem người nhà của hắn đã liên lạc với chị chưa và nài nỉ chị chuyển khoản cho hắn để hắn mua tiếp hàng cho người khác.
Vì thấy Lehuy09 nói năng nhẹ nhàng, việc mua bán có vẻ rất êm xuôi, người gọi điện cho M. lại phụ nữ dùng số điện thoại cố định đầu 04 nên chị M. tin tưởng và đã chuyển đủ số tiền hơn 20 triệu cho hắn. Nhưng 1 giờ sau, rồi 2 giờ... cho đến 10 giờ sau vẫn không thấy bạn hắn đến giao hàng. Gọi vào số điện thoại trên thì hóa ra là của chủ một hiệu tạp hóa. Bà ta nói sáng có cô gái qua mua hàng gọi nhờ chứ bà không biết cô ta là ai cả. Dĩ nhiên trên mạng Facebook, M. đã bị Lehuy09 block.
Thượng tá Ngô Minh An, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao PC50 Công an TP Hà Nội khuyến cáo: Thời điểm cuối năm, dịp tết dương lịch và âm lịch thường là lúc mà những đối tượng lừa đảo qua mạng hoạt động mạnh. Để tránh việc mua phải hàng giả, hàng nhái, hoặc trả tiền mà không nhận được hàng, người dân cần hết sức lưu ý khi giao dịch. Thứ nhất là chọn những nhà cung cấp có uy tín, nếu ship thẳng về Việt Nam thì tốt nhất. Còn nếu sử dụng dịch vụ ship thuê thì cần tìm hiểu kỹ đối tác, nên chọn những công ty lớn, có uy tín (dù phí ship có đắt hơn một chút).
Đặc biệt, khi chuyển tiền thì nên sử dụng các dịch vụ có chế độ bảo vệ khách hàng, và cũng phải rất chú ý với những email thông báo chuyển tiền, chuyển hàng nhưng là... giả. Đặc biệt với những trường hợp đối tượng đòi chuyển tiền trước thì phải rất cảnh giác. Ngoài ra, khi mua hàng với “người quen” trên mạng Internet thì không nên chỉ trao đổi qua “chat” cần phải “kiểm tra chéo” thêm số điện thoại, qua email hoặc qua bạn bè để tránh những rủi ro sau này...
Đã xuất hiện hàng nhái, hóa đơn giả
Mới đây, trên một diễn đàn chuyên về khoa học công nghệ, một thành viên đã có bài cảnh báo về việc anh ta bị lừa mua một chiếc điện thoại Samsung Galaxy S7 “nhái”. Bài viết này đã thu hút được hàng trăm lượt comment của độc giả. Kẻ lừa đảo đã làm nhái cả hộp, các thông tin ghi trên vỏ hộp, thậm chí cả hóa đơn giá trị gia tăng của một chuỗi siêu thị điện máy lớn ở Việt Nam. Quả thật với những người có ít kiến thức về công nghệ máy móc, hoặc chưa bao giờ sử dụng một chiếc điện thoại chính hãng xịn thì rất khó có thể phát hiện được đó là hàng nhái. Bên cạnh đó, cũng vì có đầy đủ hộp, giấy mua hàng... nên càng khiến người mua thêm tin tưởng. Một thành viên của diễn đàn này cho biết, chiếc máy nhái này có giá chỉ khoảng 3-4 triệu đồng. Trong khi đó giá ghi trên hóa đơn lên tớn 15 triệu đồng. |
(Theo An ninh Thế giới Online)