Với 1 kg cua biển bán ra, Huệ thu về từ 300.000 – 350.000đ. Mỗi vụ, ngư dân khéo tay này bán được 3 – 4 tạ cua biển. Tính ra thu nhập hơn 100 triệu.
Nuôi cua trong vườn nhà
Bùi Huệ (SN 1977), từng là một ngư dân lặn giỏi có tiếng ở thôn 1, An Bình, xã duy nhất trên đảo Bé ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Hơn 10 năm trước, trong một lần đi lặn bắt hải sản gần vùng biển Trường Sa, Huệ bị áp suất nước chèn ép dẫn đến tai biến, teo cơ hai chân, liệt nửa thân dưới.
Những khối đá trầm tích được rải trên mặt đất làm nơi trú ẩn cho loài cua ‘đặc sản’ này. Ảnh: Cao Thái |
Trong khu vườn nhỏ sát biển, Huệ nhờ người thân quây lại bằng lưới. Những khối đá trầm tích được rải trên mặt đất làm nơi trú ẩn cho loài cua ‘đặc sản’ này.
“Vào độ tháng 5, 6, cua đá sinh sôi rất nhiều ven đảo. Thời điểm này, người dân đảo bé đi bắt cua con dưới các vỉa đá. Tôi đã mua lại từ họ về làm giống thả nuôi trong chuồng. Giá cua con mua của người dân từ 100.000 – 150.000 đồng. Có bao nhiêu tôi mua bấy nhiêu”, Huệ kể.
Vừa nuôi vừa tìm tòi, Huệ dùng cơm, xay bắp rồi rải ra mặt đất cho cua ăn. Cua đá đủ loại lớn bé ngày càng nhiều trong vườn. Đến đầu tháng 4 khi bắt đầu mùa hè, Huệ bắt dầu bán cua.
“Mỗi kg cua đá bán ra tại chuồng giá từ 300.000 – 350.000 đồng. Người mua chủ yếu là những hộ dân kinh doanh hàng quán, cũng có người mua đưa vào đất liền”, Bùi Huệ cho biết.
Nghề hái ra tiền
Bùi Huệ cho biết mỗi năm bình quân anh bán được 3 – 4 tạ cua đá. Thu nhập từ việc nuôi cua thậm chí còn khá khẩm hơn nghề lặn biển trước đây của anh.
“Với giá 300.000đ/1kg, mỗi vụ gia đình thu về khoảng 90 – 100 triệu đồng. Chi phí nuôi cua cũng không đáng kể, thức ăn có thể tận dụng cơm. Nuôi cua không mất nhiều thời gian nên tôi có thể đan lưới để kiếm thêm thu nhập”, Bùi Huệ cho hay.
Bên cạnh nuôi cua đá, Bùi Huệ còn đan lưới rất khéo tay. Anh nhận đan cho các ngư dân địa phương với thù lao khoảng 500.000 đồng mỗi tấm lưới.. Ảnh: Cao Thái |
Ngư dân này cho biết số tiền kiếm được từ nuôi cua đá đủ nuôi sống anh và hai bố mẹ già. Do bị tai nạn, anh hiện vẫn chưa lập gia đình. Nhiều người dân An Bình thấy anh thành công với nghề nuôi cua đã tìm hiểu và làm theo. Tuy nhiên, họ đều không thành công.
“Nuôi cua đá trông dễ những cũng phải cần nhiều kinh nghiệm. Đặc biệt việc thiết kế khu nuôi rất quan trọng. Tôi phải rào kín xung quanh tránh chuột vào phá. Mặt đất, các hốc đá phải đủ độ ẩm. Sau khi cua lột vỏ, phải chờ một thời gian dài mới có thể đem bán”, vẫn lời anh Huệ.
Ông Huỳnh Lũy, Bí thư xã An Bình cho biết, đảo bé có diện tích nông nghiệp rất nhỏ hẹp. Người dân trên đảo từ lâu kiếm sống chủ yếu bằng việc trồng tỏi và đánh bắt hải sản. Nuôi cua đá là một hướng phát triển mới đang được nhiều người dân thử nghiệm.
“Hiện tại chỉ mỗi anh Huệ nuôi thành công và có thu nhập cao. Trong tương lai có thể nhiều hộ dân An Bình sẽ phát triển nghề này’, ông Lũy cho biết.
Cao Thái