Sốt cao, uống hạ sốt không đỡ
Tại hội thảo Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh viêm não ở trẻ nhỏ phía Bắc đang diễn ra, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc BV Nhi TƯ biết, viêm não và viêm màng não là bệnh lý rất nặng, tỉ lệ tử vong và di chứng rất lớn nếu không được điều trị kịp thời.
Mỗi năm, tại BV Nhi TƯ tiếp nhận khoảng 500 ca mắc 2 bệnh lý nói trên. Hiện tại, đang có 30 trẻ điều trị tại BV, nhiều bệnh nhi nhập viện khi đã hôn mê, trong đó có trường hợp đã điều trị hơn 2,5 tháng.
Bé Hà Mỹ N., 3 tháng tuổi ở An Dương, Hải Phòng được đưa vào viện từ ngày 4/3, đến nay đã trải qua 1,5 tháng điều trị viêm màng não mủ, tình trạng đã ổn định hơn nhưng các đánh giá về di chứng thần kinh, vận động phải tiếp tục theo dõi do bé còn quá nhỏ.
BS Nam khám lại cho bệnh nhi Hà Mỹ N. đã điều trị tại BV Nhi TƯ 1,5 tháng do viêm màng não |
Chị Nguyễn Thị Trang, mẹ bé cho biết, trước thời điểm vào viện 4 ngày, chị gái bế bé và không may làm ngã em. Sau đó bé xuất hiện sốt cao uống hạ sốt không đỡ rồi bỏ bú không ăn.
Ban đầu, gia đình nghĩ đến nguy cơ bú kém, sốt là do bị ngã, đã đưa bé đến BV địa phương điều trị. Sau 2 ngày, bé vẫn không cắt được sốt xuất hiện thêm tình trạng lơ mơ, được chuyển đến BV Nhi TƯ.
Bác sĩ khẳng định, việc bé bị ngã chỉ xảy ra đồng thời với thời điểm bệnh nhi bị viêm màng não mủ chứ không phải nguyên nhân. Viêm màng não mủ do vi khuẩn gây ra.
Trường hợp khác là bệnh nhi Ngô Văn Đ., 12 tuổi ở Thanh Hoá. Chị Nguyễn Thị Tâm, mẹ bệnh nhi cho biết, sau khi đi học về, con trai kêu đau đầu, sau sốt cao 39 độ, uống hạ sốt 3 ngày liên tiếp không đỡ, được chuyển đến BV Nhi TƯ khi đã li bì, hôn mê.
ThS.BS Đào Hữu Nam, Phụ trách đơn nguyên Hồi sức tích cực, Trung tâm y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới trẻ em, BV Nhi TƯ cho biết, cháu Đ. bị viêm não, đến viện khi đã ở giai đoạn muộn nên hiện tại ý thức cháu vẫn lơ mơ, gọi hỏi chưa tỉnh.
Nằm kế giường bệnh nhi Đ., chị Nguyễn Thị Dung ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh ôm con gái nhỏ 6,5 tháng nhưng cân nặng chỉ vẻn vẹn 5,3kg. Chị Dung cho biết, bé nhập viện từ ngày 13/2 đến nay do viêm màng não mủ kèm viêm não.
Ban đầu bé chỉ kém ăn, ngủ nhiều, sau thấy 2 chân sưng nhẹ. Ngày thứ 3, gia đình đưa con đến BV, lúc này bé chuyển sốt cao kèm co giật.
Hiện tại bé đã được mổ dẫn lưu giảm não thất, tuy nhiên tình trạng chưa tiến triển nhiều, 2 ngày tới, bé sẽ tiếp tục lên bà phẫu thuật.
50% tử vong
PGS Điển cho biết, các bệnh liên quan tổn thương não, màng não chiếm tỉ trọng tương đối lớn.
Trong đó viêm màng não liên quan đến vi khuẩn với 3 loại phổ biến là phế cầu, hib và não mô cầu, ngoài ra còn có tụ cầu, liên cầu, E.coli... Khi đó, màng ngoài của não sẽ bị vi khuẩn tấn công, tỉ lệ tử vong khi mắc viêm màng não lên tới 50% nếu không được điều trị. Trường hợp được chẩn đoán sớm trong 24-48 giờ đầu, tỉ lệ tử vong còn 8-15%.
Tuy nhiên tỉ lệ để lại di chứng về thần kinh, vận động khá lớn, chiếm 10-20%. Tuổi càng nhỏ, tiên lượng càng xấu.
PGS.TS Trần Minh Điển |
Theo thống kê của BV Nhi TƯ, tỉ lệ trẻ bị mắc các bệnh lý về viêm màng não đứng thứ 3 trong số các bệnh lý vào điều trị và là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 cho trẻ dưới 5 tháng tuổi, có trẻ phải điều trị 6-7 tháng.
Trái lại, viêm não thường do virus (chiếm 60%), phổ biến nhất là virus viêm não Nhật Bản, Herpes, virus EV gây bệnh tay chân miệng... Tác nhân gây bệnh thường tấn công trực diện vào nhu mô não, tỉ lệ tử vong từ 10-15% và 35-45% để lại các di chứng về thần kinh, vận động.
Trẻ cũng có thể mắc viêm não thứ phát sau khi mắc các bệnh như cúm, sởi, thuỷ đậu quai bị... do virus biến thể, gây viêm não, thường sau 1-2 tuần.
TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm y học các bệnh nhiệt đới trẻ em, BV Nhi TƯ thông tin thêm, với các trường hợp viêm màng não, nếu phát hiện sớm nhiều khi chỉ một liều kháng sinh là bệnh nhân ổn. Nhưng nếu phát hiện muộn, điều trị càng khó khăn, nguy cơ tử vong, di chứng cao hơn.
"Như với bệnh viêm não mô cầu, khi nghi ngờ, các bác sĩ cần điều trị kháng sinh càng sớm càng tốt rồi mới chuyển tuyến. Không nên chuyển bệnh nhân đi luôn bởi nguy cơ lây lan, cũng như việc khi lên đến nơi thì cơ hội điều trị đã giảm đi rất nhiều do bệnh nhân không được tiếp cận sớm", TS Lâm nói.
Để chẩn đoán viêm não hay viêm màng não, bác sĩ cần chọc dò tuỷ sống để xét nghiệm dịch não tuỷ.
ThS.BS Đào Hữu Nam cho biết, vào mùa hè từ tháng 5-8, tỉ lệ trẻ bị viêm não nhiều hơn, đặc biệt là viêm não Nhật Bản.
Đến nay, điều trị viêm não khó khăn, do chủ yếu điều trị triệu chứng, bệnh nhân đến muộn nên phù não nặng.
Thúy Hạnh
Hàng loạt trẻ mắc viêm não bị liệt tứ chi do cha mẹ quên làm điều đơn giản cho con
Rất nhiều phụ huynh chủ quan không tiêm vắc xin ngừa viêm não Nhật Bản hoặc tiêm không đầy đủ khiến trẻ gặp di chứng hết sức nặng nề.