Quỹ Phát triển khoa học công nghệ của DN được đề cập lần lượt tại luật Thuế thu nhập DN năm 2008, luật Khoa học và công nghệ năm 2013, luật Chuyển giao công nghệ năm 2017.
Mục đích của quỹ: Tạo điều kiện cho DN nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, qua đó nâng cao sức cạnh tranh và đóng góp nhiều hơn cho phát triển đất nước.
Sau gần 10 năm luật Khoa học và công nghệ được ban hành, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng các chuyên gia đánh giá, các mục tiêu và ý tưởng chi tiêu theo cơ chế quỹ chưa được như kỳ vọng.
Chia sẻ tại tọa đàm “Giải phóng nguồn quỹ phát triển khoa học công nghệ của DN” do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hôm qua, ông Nguyễn Ngọc Sơn, ủy viên thường trực UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội dẫn lại số liệu của Tổng cục Thống kê.
Cụ thể, từ năm 2011-2019, đã có 618 DN, tập đoàn, tổng công ty tại 58 tỉnh, thành phố trích lập và sử dụng quỹ, với mức trích là 22 nghìn tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD).
Tuy nhiên, số DN trích quỹ này chỉ chiếm 0,02%, chưa đạt cận dưới của quy định là 3%. Việc giải ngân cũng chưa đạt 40%, trong đó có nhiều DN không giải ngân hết phải hoàn nhập quỹ. Điển hình như tập đoàn Công nghiệp cao su phải hoàn nhập quỹ tới 84% (trên 1.384 tỷ đồng/năm).
Theo thống kê mới nhất, số tiền hoàn quỹ là khoảng hơn 22.000 tỷ đồng.
PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, Phó chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa 13 đánh giá, đến nay mới chỉ có 0,02% doanh nghiệp trích quỹ, đây là con số “rất đáng quan ngại". Ngoài ra, việc tồn quỹ lên đến 22.000 tỷ đồng chứng tỏ việc sử dụng quỹ đang còn có rất nhiều bất cập.
Cùng nhận định tình hình trích lập quỹ đang có những vấn đề đáng lo ngại, bà Nguyễn Thị Ngọc Khánh, Trưởng phòng nghiệp vụ 4, Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính cho biết thêm, trong số DN trích lập, chủ yếu vẫn là khu vực DN nhà nước.
“Đơn cử như tại VNPT, mức sử dụng quỹ là 90 tỷ trong 842 tỷ đồng, tức chỉ chiếm khoảng 10%. Chúng tôi cũng đã khảo sát về việc sử dụng quỹ tại các DN nhà nước và ngạc nhiên khi chỉ có 11,3% trong số họ có nhu cầu sử dụng quỹ này”, bà Khánh thông tin.
Trích quỹ theo quy mô DN
PGS.TS Lê Bộ Lĩnh cho rằng, cần có thống kê, đánh giá theo các lĩnh vực hoạt động của DN, như lĩnh vực chế biến, chế tạo; lĩnh vực nông nghiệp hay các lĩnh vực khác.
“Các hoạt động khoa học, công nghệ luôn gắn với cơ cấu của nền kinh tế, DN và các lĩnh vực ưu tiên. Chúng ta ưu tiên phát triển công nghệ cao thì các DN trong khu vực công nghệ cao phải được đầu tư nhiều hơn cho khoa học công nghệ”, ông Lĩnh nói.
Ngoài ra, theo ông Lĩnh, đại đa số các DN khoa học công nghệ là vừa và nhỏ, DN mới với doanh thu rất thấp. Nguồn lực hữu hạn nên các họ khó có thể trích quỹ. Do đó, cần phân định việc trích quỹ theo quy mô DN để có chính sách phù hợp với các loại hình, thành phần DN.
Ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ KHCN cũng đánh giá, hiện nay, DN đẩy mạnh nghiên cứu và có doanh thu trước thuế để trích quỹ không nhiều. Chủ yếu các DN vẫn đang ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ.
“Thay vì lấy số lượng, chỉ cần tập trung ưu tiên hỗ trợ cho 20% số DN thực sự quan tâm tới việc đổi mới công nghệ, và hỗ trợ họ giải quyết được vấn đề của DN là đã đạt được mục tiêu quỹ đề ra”, ông Hải nói.
Quan điểm của Bộ KH-CN là quỹ ưu tiên hỗ trợ đổi mới công nghệ để tạo chuyển biến về vận hành, sản xuất, giá trị hàng hóa và nâng cao sức mạnh của DN. Tuy nhiên, ông Hải nêu: “Không nhiều đơn vị sử dụng quỹ này cho công tác nghiên cứu tìm ra công nghệ mới, mà chỉ sử dụng để sở hữu những công nghệ lõi nhằm nhanh chóng làm thay đổi quy trình sản xuất và nâng cao nội lực”.