Chùa Prochum Meáp Chhưm Kiriram còn có tên khác là Krăng Krốch, tọa lạc ở ấp An Hòa, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn. Đây là ngôi chùa duy nhất tại tỉnh An Giang có hàng cây còng cổ thụ nối dài từ cổng vào đến trong khuôn viên, nên được người dân và du khách gọi là chùa Hàng Còng.
Trong tiếng Khmer, tên chùa Prochum Meáp Chhưm Kiriram có nghĩa là "ngôi chùa ở giữa núi". Còn Krăng Krốch thì Krăng là "gò cao" và Krốch là "bưởi rừng".
Còng hay còn gọi là me tây, muồng tím, muồng ngủ… là loại cây dễ trồng và chịu hạn cũng như mưa dầm rất tốt. Vỏ cây màu nâu đen; lá mọc đối xứng, ngủ (khép lại) trước khi mặt trời lặn hoặc trời chuyển mưa; hoa màu hồng hoặc tím nhạt, có mùi rất thơm.
Sư Chau Atit Kươn, trụ trì chùa cho biết, ngôi chùa đã tồn tại hơn 400 năm. Ban đầu, chùa được xây trên một gò đất cao, đầy bưởi rừng và bao quanh là núi. Thời điểm đó, để vào được chùa, mọi người phải đi tắt qua ruộng lúa của người dân.
Vị sư cả trụ trì chùa lúc ấy đã vận động phật tử hiến đất ruộng làm đường đi. Khi con đường hoàn thành, còng được trồng quanh khuôn viên chùa tạo cảnh quan.
Trải qua thăng trầm lịch sử, đến nay chỉ còn chưa đến 100 cây còng. Những cây còng cao hơn 15m, gốc cây lớn nhất phải 2 – 3 người ôm mới xuể; cành toả rộng tựa như chiếc ô lớn; bộ rễ cắm sâu và rộng, bám chặt vào đất.
Dọc thân cây có nhiều khối u sần. Từ thân cây, những nhánh nhỏ đâm ra mạnh mẽ, tạo nên những tán lá tốt tươi. Thế nhưng cũng có cây đã mục ruỗng, phải cưa bỏ, trồng thay thế để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách viếng thăm.
Chùa chưa được tu bổ nhiều, trừ chánh điện đang trong giai đoạn hoàn thành. Tuy cũ kỹ, nhưng chùa vẫn giữ được nét kiến trúc tinh xảo của người xưa để lại trong từng hoa văn, đường nét trên tháp, mái nhà.
Như bao ngôi chùa Khmer khác, chùa Hàng Còng là nơi sinh hoạt văn hóa, cộng đồng của người dân địa phương. Những ai đã khuất, được gia đình xin gửi cốt vào tháp trong chùa. Dòng họ nào có điều kiện, sẽ tự xây tháp riêng.