Cụ thể, CTCP Dịch vụ hàng hoá Nội Bài (Noibai Cargo) vừa công bố tổng doanh thu quý IV/2020 đạt 205,6 tỷ đồng, tăng 11% cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 52,5 tỷ đồng, tăng 5,6%. Khoản lợi nhuận tăng trong quý IV/2020 so với cùng kỳ là nhờ doanh nghiệp nhận được cổ tức từ khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp số tiền 7,1 tỷ đồng.

Luỹ kế cả năm, Noibai Cargo đạt tổng doanh thu gần 697 tỷ đồng, giảm 21,6% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 206,75 tỷ đồng giảm 14,6%, tăng 8% so với kế hoạch đặt ra đầu năm.

{keywords}
Các doanh nghiệp logistic lớn của hàng không Việt đều ghi nhận lợi nhuận khả quan trong quý 4/2020. Ảnh: BAV.

Theo giải trình từ doanh nghiệp, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến ngành hàng không nói chung và dịch vụ hàng hoá hàng không nói riêng. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, sản lượng hàng hoá khai thác đi và đến sân bay quốc tế Nội Bài giảm so với năm 2019.

Tuy nhiên, công ty luôn bám sát diễn biến thị trường, tập trung nguồn lực phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không duy trì kế hoạch khai thác, đặc biệt là khai thác các chuyến bay freighter chuyên chở hàng hoá.

Tương tự, theo báo cáo mới công bố của CTCP Dịch vụ hàng hoá Sài Gòn (Saigon Cargo), doanh nghiệp ghi nhận doanh thu quý IV/2020 đạt khoảng 197 tỷ đồng, giảm không đáng kể với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 128,5 tỷ đồng, giảm gần 5%.

Luỹ kế cả năm, doanh thu của Saigon Cargo đạt gần 693 tỷ đồng, giảm 7,4%, lợi nhuận sau thuế đạt 464 tỷ đồng, giảm 7,5% so với năm 2019. Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp của SCS mặc dù giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn ở mức rất cao, 78%.

Trong khi các doanh nghiệp logistic hàng không có năm kinh doanh khả quan, tình hình lại khó khăn hơn nhiều với các hãng hàng không. Vietnam Airlines cho hay đến cuối tháng 12/2020, doanh thu hợp nhất của hãng ước đạt hơn 42.500 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ đạt doanh thu gần 33.000 tỷ đồng. Số lỗ của công ty mẹ dự kiến ở mức hơn 12.000 tỷ đồng.

Với Vietjet Air, sau 9 tháng từ đầu năm, hãng hàng không này mới ghi nhận 13.800 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, giảm 63% so với cùng kỳ năm trước. Hãng ghi nhận khoản lỗ trước thuế 2.600 tỷ đồng trong 9 tháng đầu 2020 (cùng kỳ lãi 4.100 tỷ đồng).

Thậm chí, khoản lỗ nói trên có được là nhờ được bù đắp một phần bởi khoản thu nhập bất thường 1.800 tỷ đồng, bắt nguồn từ việc bán tài sản và nhận bồi thường từ Airbus do giao máy bay muộn. Nếu loại trừ khoản thu nhập này, lợi nhuận trước thuế của Vietjet Air sẽ âm tới 4.400 tỷ đồng sau 9 tháng từ đầu năm.

Bamboo Airways cũng không tránh khỏi thiệt hại vì Covid-19 khi chịu ảnh hưởng của dịch ngay trong năm thứ 2 cất cánh. FLC, công ty mẹ của hãng bay Bamboo Airways, ghi nhận khoản lỗ ròng 2.729 tỷ đồng sau thuế trong 6 tháng đầu 2020. Khoản lãi từ hoạt động chính trong quý III chỉ giúp FLC giảm lỗ sau thuế lũy kế 9 tháng còn 2.213 tỷ đồng.

Bên cạnh đó trên báo cáo tài chính riêng đã soát xét bán niên năm 2020, FLC cũng phải trích lập dự phòng 1.857 tỷ đồng cho các khoản đầu tư, tăng 4,2 lần so với đầu năm. Trong đó, khoản góp vốn vào Bamboo Airways được FLC trích lập dự phòng nhiều nhất, ở mức 1.145 tỷ đồng.

(Theo Zing)