hoi-thao.jpg
Tại Hội thảo, một số ý kiến cho rằng, việc lập công ty truyền dẫn, phát sóng khu vực để tạo thị trường cạnh tranh trong lĩnh vực này. Ảnh: Minh Tú

>> VTC ngừng bán đầu thu truyền hình số mặt đất/ 2014: Phát cả truyền hình số và analog tại 5 thành phố lớn/ Không để độc quyền làm hại thị trường truyền hình trả tiền

Sáng ngày 10/5/2013, tại Hà Nội, Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT) đã tổ chức Hội thảo truyền dẫn, phát sóng truyền hình số khu vực đồng bằng Bắc Bộ và phụ cận. Thứ trưởng Lê Nam Thắng đã chủ trì hội thảo.

Đài PTTH sẽ thuê dịch vụ truyền dẫn phát sóng

Theo Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020, Bộ TT&TT, các tỉnh, thành phố sẽ có kế hoạch tổ chức sắp xếp lại các đài truyền hình địa phương theo hướng chỉ tập trung sản xuất chương trình, còn việc truyền dẫn, phát sóng (TDPS) sẽ làm theo định hướng dùng chung hạ tầng bằng cách thuê dịch vụ truyền dẫn của các công ty chuyên làm TDPS. Cũng theo quy định hiện hành, doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp cổ phần mà nhà nước có cổ phần chi phối sẽ được xem xét để cấp phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ TDPS.

Theo ông Lê Văn Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, kế hoạch số hóa truyền hình đến năm 2020 khu vực đồng bằng Bắc Bộ có 14 tỉnh, thành phố được chia làm 2 nhóm. Nhóm 1 gồm Hà Nội, Hải Phòng sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự trước 31/12/2015. Nhóm 2 gồm các tỉnh: Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh sẽ dừng phát sóng truyền hình tương tự trước ngày 31/12/2016. Về sử dụng tần số, 14 tỉnh, thành phố thuộc khu vực này sẽ sử dụng hai kênh, bao gồm kênh 46 (sẽ chuyển sang kênh 47 từ năm 2017) và kênh 48. Với quy hoạch về băng tần như vậy, các kênh truyền hình của 14 đài PTTH thuộc khu vực Bắc Bộ sẽ được quy hoạch thành hai gói, mỗi gói sẽ phát cùng trên một băng tần và các kênh trong cùng một gói này sẽ được phủ sóng toàn bộ 14 tỉnh, thành phố.

Hiện tại đã có 3 đơn vị được nhà nước cho phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ TDPSTHS trên phạm vi toàn quốc là VTV, VTC và AVG. Ba doanh nghiệp này có đủ năng lực để truyền dẫn các kênh của truyền hình địa phương trên từng khu vực hoặc toàn quốc, bằng các phương thức truyền dẫn khác nhau như: số mặt đất, vệ tinh hoặc qua mạng cáp.

Tuy nhiên, đang có hai ý kiến đề xuất cần hình thành các doanh nghiệp TDPS khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Theo đó, Hanel đề nghị nhà nước chỉ cho phép một doanh nghiệp TDPS tại 14 tỉnh, thành, còn Đài PTTH Hải Phòng thì đề nghị thành lập hai doanh nghiệp TDPS tại khu vực này. Với đề xuất đó thị trường truyền dẫn phát sóng sẽ tồn tại hai loại doanh nghiệp, tạm gọi là doanh nghiệp toàn quốc và doanh nghiệp khu vực.

Đề nghị Nhà nước quản lý giá dịch vụ truyền dẫn phát sóng

Ông Tạ Quang Sơn - Tổng giám đốc Hanel đề xuất, thành lập Công ty cổ phần truyền dẫn, phát sóng truyền hình đồng bằng Sông Hồng. Trong đó các cổ đông bao gồm: Hanel, công ty CP Truyền thông BTS (do Đài PTTH Hà Nội ủy quyền) và 13 đài PTTH trong khu vực cùng góp vốn. Công ty này được cấp 2 tần số và sẽ phủ sóng toàn bộ 14 tỉnh, thành phố; đối với các vùng lõm sóng sẽ phát vệ tinh DTH hoặc dùng mạng cáp quang của các doanh nghiệp viễn thông. Vốn đầu tư ban đầu dự kiến khoảng 354 tỷ đồng, với chi phí vận hàng hàng năm khoảng 37,5 tỷ đồng. Với hai tần số được cấp, công ty sẽ phát sóng được 20 kênh SD và 5 kênh HD.

Hanel cũng đưa ra bài toán kinh doanh dự kiến sẽ thu được 41 tỷ đồng/năm, lãi khoảng 5 tỷ đồng. Bao gồm nguồn thu chính là từ TDPS cho các đài địa phương (khoảng 2 tỷ đồng/đài/năm), thu từ TDPS cho các kênh của các doanh nghiệp khoảng 15 tỷ đồng/năm. Hanel cũng đề xuất phương án nhà nước chi tiền để cấp phát đầu thu kỹ thuật số (STB) cho các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách theo hình thức phát thẻ mệnh giá.

Nhưng ông Tạ Quang Sơn cũng cho rằng, việc khai thác dịch vụ TDPSTHS giai đoạn đầu cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi vì đầu tư cho truyền dẫn số đòi hỏi lớn, trong khi bài toán doanh thu chưa rõ ràng nên doanh nghiệp dễ gặp rủi ro. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khu vực phải cạnh tranh trực tiếp với 3 doanh nghiệp được phép kinh doanh toàn quốc với lợi thế về phạm vi phủ sóng. Một khó khăn khác, theo quy định doanh nghiệp TDPS sẽ phải phát sóng song song giữa truyền hình tương tự và truyền hình số trong 12 tháng đầu tiên, đương nhiên ở giai đoạn thử nghiệm này sẽ không thể thu phí của các đài PTTH.

Chính vì những lý do như trên nên mặc dù đề xuất thành lập công ty cổ phần nhưng ông Sơn lại kiến nghị: Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư ban đầu (ước khoảng 177 tỷ đồng) và hỗ trợ 100% chi phí vận hành trong hai năm đầu tiên (ước khoảng 75 tỷ đồng). Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cần quản lý giá và đưa ra khung giá dịch vụ TDPS khu vực và toàn quốc để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Đồng thời, phải quy định các đài PTTH trong khu vực sử dụng truyền dẫn của các doanh nghiệp khu vực.

Theo ông Nguyễn Trí Tín - Phó Giám đốc Đài PTTH Hải Phòng, Đài PTTH Hải Phòng đề xuất chia Bắc Bộ làm 2 khu vực, Đài PTTH Hải Phòng sẽ thiết lập Công ty TNHH MTV Truyền dẫn phát sóng Hải Phòng đảm nhận TDPS cho 6 tỉnh Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình. Đài PTTH Hải Phòng cam kết có đủ nguồn lực để tự đầu tư ban đầu mà không cần nguồn hỗ trợ từ ngân sách. Đồng thời, Đài PTTH Hải Phòng cũng có kế hoạch hỗ trợ mỗi hộ dân Hải Phòng khoảng 300.000 đồng để mua STB. Với đề xuất này, sẽ cần có thêm một doanh nghiệp TDPS nữa để đảm nhiệm cung cấp dịch vụ truyền dẫn cho 8 tỉnh còn lại của Bắc Bộ.

Đồng quan điểm với ông Sơn, ông Tín đề nghị có hai vấn đề quan trọng liên quan đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp khu vực là Nhà nước phải yêu cầu các đài PTTH dùng truyền dẫn của các doanh nghiệp khu vực. Và Nhà nước phải ban hành khung giá dịch vụ TDPS để đảm bảo không bị cạnh tranh bởi các doanh nghiệp toàn quốc.

Phát biểu tại hội thảo, đại diện VTV và AVG cho rằng, hai doanh nghiệp này sẵn sàng đáp ứng TDPS cho các đài PTTH (cả phát trong phạm vi khu vực và trên toàn quốc) với chi phí rẻ hơn và điều kiện có lợi hơn so với các doanh nghiệp mới.

Về phía VTC, Phó Tổng giám đốc Lê Kinh Lộc cho rằng, đầu tư cho TDPS không hề đơn giản, Hanel đề nghị hỗ trợ vốn của Nhà nước, Đài PTTH Hải Phòng phải bù chéo từ quảng cáo mới đầu tư nổi. Còn VTV dù tự tin và có đủ khả năng làm TDPS toàn quốc nhưng hạ tầng này đều được đầu tư sẵn từ nhà nước, còn nếu tính toán đầu tư và kinh doanh sòng phẳng thì ngay cả VTV cũng gặp nhiều khó khăn và không thể có lãi ngay từ dịch vụ truyền dẫn phát sóng được. Do đó, phải có sự can thiệp của nhà nước đối với dịch vụ TDPS.