Sinh viên trên khắp Hàn Quốc đang chuẩn bị khởi kiện các trường đại học vì cho rằng các trường đang tiếp tục lấy tiền thu từ học phí đưa vào quỹ dự trữ chứ không dùng nó để cải thiện chất lượng giáo dục.
Trường Đại học Kyung Hee |
Sinh viên đang yêu cầu tiền của họ được trả lại.
Các quỹ dự trữ được chỉ định dùng để đầu tư vào nghiên cứu, xây dựng cơ sở hạ tầng trường học và cấp học bổng. Trước đây, tiền học phí liên tục được dành ra để phục vụ các mục đích này, tuy nhiên Bộ Giáo dục đã cấm việc làm này từ năm 2013. Theo chỉ dẫn mới, chỉ có các khoản tài trợ, các khoản lợi nhuận có được từ tài sản tài chính của nhà trường mới được dành cho quỹ dự trữ.
“Chúng tôi đang tìm cách nộp đơn kiện các trường đã tích lũy một cách bất công tiền học phí cho vào các quỹ dự trữ trong khi phớt lờ việc cải thiện chất lượng giáo dục” – một tuyên bố của hội đồng sinh viên từ 10 trường đại học khác nhau, bao gồm Đại học Yonsei, cho biết.
“Chúng tôi cho rằng các hội đồng, tổ chức sinh viên của các trường đại học có quỹ dữ trự quá lớn sẽ tham gia vào vụ kiện này” – một sinh viên cho biết – “chúng tôi sẽ bắt đầu kiện các trường đại học ở Seoul”.
Hành động trên được bắt đầu bởi một phán quyết của Tòa án trung tâm Seoul vào ngày 24/4 đối với một vụ kiện của 50 sinh viên Đại học Suwon chống lại trường của mình.
Phán quyết yêu cầu Trường đại học Suwon phải trả từ 300.000 won (280 USD) cho tới 900.000 won cho mỗi sinh viên. Trong năm 2013, quỹ dự trữ của Đại học Suwon có tổng trị giá 336,7 tỉ won nhưng nhà trường chỉ chi khoảng 80% tổng số tiền học phí cho các thứ liên quan đến giáo dục của sinh viên.
Sau vụ việc trên, hội đồng sinh viên của Đại học Cheongju đã tuyên bố kế hoạch kiện trường mình vì “tích lũy quá nhiều tiền học phí mà không quan tâm cải thiện chất lượng giáo dục”.
“Đây là một sự hiểu nhầm từ phía sinh viên” – một đại diện của trường Đại học Cheongju cho biết – “Trường chúng tôi, không giống như trường Đại học Suwon, chưa bao giờ tích cóp tiền học phí đưa vào quỹ dự trữ”.
Sinh viên từ Đại học Kyung Hee, Đại học Dongduk, Đại học SungKongHoe, Đại học Ewha và Hanyang đều tổ chức họp báo trước Đại học Ewha để chỉ trích những hành động liên quan đến quỹ dự trữ của trường.
“Các quỹ dự trữ hầu hết được tạo ra thông qua các khoản tài trợ từ bên ngoài. Chúng tôi chưa bao giờ sử dụng học phí để tạo nên các quỹ này” – ông Yoo Sung-jin của Đại học Ewha cho biết. Trường ông có quỹ dự trữ lớn nhất với trị giá 786,8 tỉ won.
“Quỹ dự trữ được dùng cho đầu tư về cơ sở vật chất, dịch vụ sinh viên, nghiên cứu và các mục đích khác” – ông nói thêm – “Những quỹ này giống như hạt giống cho tương lai của các trường mà sinh viên lại nhìn nhận nó một cách tiêu cực như vậy”.
Trường Đại học Ewha có kế hoạch giải thích cho sinh viên của mình về những quỹ dự trữ và tình trạng chủa chúng trên một trang web.
Trong khi đó một tuyên bố từ Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết “chúng tôi sẽ sớm thành lập các nhóm nghiên cứu để tạo ra những hướng dẫn mới đề ra kích cỡ phù hợp cho các quỹ dự trữ ở trường đại học”.
(Theo Giáo Dục Thời Đại)