Dịch vụ công trực tuyến đã được chuẩn bị ngon lành, mời người dân sử dụng, giống như bánh đã có, nhưng câu trả lời từ thực tiễn lại cho kết quả không như vậy.
Khi nhắc tới Hàn Quốc, điều gì xuất hiện đầu tiên trong suy nghĩ của chúng ta? Là điều kỳ diệu sông Hàn, những ký ức về World Cup 2002 hay làn sóng K-pop đang lan tỏa khắp nơi? Nhưng có một điều mà ít người biết tới về Hàn Quốc, đó là việc sở hữu một trong những mô hình chính phủ điện tử tốt nhất thế giới.
Hàn Quốc không phải là quốc gia đi đầu trong việc phát triển chính phủ điện tử, nhưng sau 30 năm nỗ lực, họ đã trở thành một hình mẫu lý tưởng trong thời đại số. Mô hình chính phủ điện tử của Hàn Quốc đã nâng cao hiệu quả và tính minh bạch của các dịch vụ hành chính công, cho phép công dân được hưởng các dịch vụ tiện lợi và chất lượng cao, cũng như gia tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Vậy Hàn Quốc đã làm thế nào để xây dựng chính phủ điện tử cho mình?
Công nghệ số dành cho người tiên phong
Hàn Quốc có diện tích xếp thứ 109 trên thế giới và xếp thứ 27 về dân số. Xuất phát điểm của quốc gia này không hề dễ dàng, bởi những hậu quả do chiến tranh, nhưng người dân đã làm việc chăm chỉ và kiên trì để cải thiện nền kinh tế.
Vào những năm 1970, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc là 254 USD, nhưng chỉ sau 30 năm đã vượt mốc 20.000 USD. Tới năm 2014, con số này là 28.000 USD, tổng GDP quốc nội là 1,4 nghìn tỷ USD, xếp thứ 11 trên thế giới.
Năm 2009, Hàn Quốc trở thành thành viên thứ 24 của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Đặc biệt, Hàn Quốc là thành viên đầu tiên thay đổi vai trò từ người thụ hưởng thành một nhà tài trợ. Để đạt được những thành công này, không thể không kể tới những đóng góp của ngành công nghệ thông tin và truyền thông.
Năm 2013, Hàn Quốc trở thành nước có tỷ trọng giá trị gia tăng lớn nhất ở lĩnh vực CNTT trong số các thành viên OECD. Hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc tới từ lĩnh vực này. Với khẩu hiệu "công nghiệp hóa dành cho những người tới sau, công nghệ số dành cho người tiên phong", chính phủ Hàn Quốc đã đẩy mạnh đầu tư vào việc thông tin hóa dịch vụ nhà nước, dựa trên nền tảng của sự phát triển CNTT.
Bên cạnh năng lực kỹ thuật đẳng cấp thế giới của các doanh nghiệp công nghệ, việc tích hợp các dịch vụ mới vào hệ thống giáo dục đã giúp người dân dễ dàng làm quen với chính phủ điện tử. Từ những yếu tố này, Hàn Quốc được đánh giá rất cao trong bảng xếp hạng "Chỉ số phát triển chính phủ điện tử" của Liên hợp quốc năm 2015.
Khai sinh, khai tử, bán nhà không phải trực tiếp đến làm thủ tục
Bất chấp sự cạnh tranh giữa hơn 200 quốc gia, Hàn Quốc đã có 3 lần đứng đầu bảng xếp hạng "Chỉ số Phát triển chính phủ điện tử" của Liên hợp quốc. Các chuyên gia nhận định, mô hình của xứ Kim chi được đánh giá cao vì cung cấp đầy đủ các dịch vụ trực tuyến, tất cả các cơ quan hành chính đều hoàn thành công việc mà không cần chứng chỉ hay văn bản.
Về cơ bản, người dân Hàn Quốc có thể đăng ký khai sinh, khai tử, xin việc làm hoặc làm thủ tục mua bán BĐS mà không cần trực tiếp đến văn phòng công.
Với OECD, Hàn Quốc được công nhận là quốc gia tiên phong về dữ liệu chính phủ mở. Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp nhỏ, khi liên tục tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp và cung cấp thông tin cho các công ty cần sử dụng.
Một ví dụ thành công cho việc sử dụng dữ liệu chính phủ là ứng dụng chỉ đường mang tên "Kimgisa". Ứng dụng này sử dụng kho dữ liệu của Tổng công ty Đường cao tốc Hàn Quốc, nhằm cung cấp những thông tin cụ thể nhất tới người tham gia giao thông theo thời gian thực.
Sự hợp tác mật thiết giữa người dân, doanh nghiệp và chính phủ Hàn Quốc đã tạo ra một mô hình chính phủ điện tử hiệu quả và năng suất.
Mô hình chính phủ điện tử của Hàn Quốc được đề xuất lần đầu tiên vào năm 1987, với dự án "Hệ thống thông tin cơ bản quốc gia". Dự án này thu thập một cơ sở dữ liệu toàn diện về các thông tin hành chính quan trọng, bao gồm thông tin về bất động sản, xe cộ, đăng ký cư trú và việc làm. Đây là nền tảng cho việc số hóa các dịch vụ công sau này.
Tới năm 1996, Hàn Quốc công bố "Kế hoạch tổng thể về thúc đẩy thông tin quốc gia", tập trung vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng mạng để đảm bảo các thủ tục số hóa được thông suốt. Tới năm 1998, Hàn Quốc mở trang web dịch vụ chính phủ đầu tiên, cho phép đăng ký sở hữu bất động sản trực tuyến và vài dịch vụ khác. Năm 1999, việc số hóa sổ hộ khẩu hoàn tất và hệ thống thông tin thống kê quốc gia được đưa vào sử dụng.
Kể từ năm 2001, mô hình chính phủ điện tử bắt đầu được đẩy mạnh tại Hàn Quốc. Việc mở rộng các dịch vụ công đến hầu hết các lĩnh vực của xã hội không chỉ nâng cao hiệu quả và tính minh bạch, mà còn cho phép người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, sử dụng thông tin và dịch vụ mà họ mong muốn. Hàn Quốc đã có thể hoàn thiện nền tảng cho chính phủ điện tử và cung cấp một hệ thống dịch vụ trực tuyến thống nhất.
Tới năm 2008, mô hình chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu chuyển dịch theo xu thế điện thoại thông minh. Các ứng dụng di động được xây dựng kỹ càng nhằm cung cấp cho người dân sự thuận tiện lớn nhất.
Những yếu tố tạo nên thành công
Chính sách mạnh mẽ và định hướng xuyên suốt của các đời Tổng thống Hàn Quốc là điều kiện tiên quyết cho việc phát triển chính phủ điện tử. Tất cả những người đứng đầu Nhà Xanh đều đặc biệt quan tâm đến các dự án chính phủ điện tử và luôn theo sát những thay đổi.
Điều này đã khuyến khích các quan chức cấp cao khác tích cực tham gia vào các dự án đổi mới và nâng cấp. Một yếu tố quan trọng khác là việc xây dựng các kế hoạch trung và dài hạn về số hóa quốc gia, bao gồm việc thiết lập các mục tiêu rõ ràng dựa trên một chiến lược được xác định rõ bởi người đứng đầu nhà nước.
Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế và sự linh hoạt trong phân bổ ngân sách là một yếu tố quan trọng khác làm nên thành công của mô hình chính phủ điện tử. Hàn Quốc đảm bảo sự chủ động trong việc cấp ngân sách cho các dự án kéo dài nhiều năm, giúp giảm thiểu rủi ro và các vấn đề có thể phát sinh trong quá trình triển khai các công nghệ hoàn toàn mới.
Chính phủ Hàn Quốc cũng đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng mạnh mẽ. Hiện nay, bất cứ nơi nào tại Hàn Quốc cũng có thể kết nối Internet tốc độ cao. Đặc điểm bố trí dân cư sinh sống tại các chung cư tương đối đông cũng là một thuận lợi cho đầu tư phát triển mạng không dây tốc độ cao.
Chính sách phổ cập CNTT của Hàn Quốc cũng góp phần không nhỏ trong thành công của mô hình chính phủ điện tử. Người dân có thói quen tra cứu thông tin liên quan đến chính phủ qua mạng và phong cách làm việc không giấy tờ.
Tất cả các bộ đều tham gia và chia sẻ trách nhiệm đối với các dự án chính phủ điện tử. Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc đã tổ chức một ủy ban Chính phủ điện tử với các thành viên từ khu vực công và tư nhân. Dưới sự quản lý trực tiếp của Chủ tịch hoặc Thủ tướng, ủy ban này đã xây dựng một khuôn khổ cho sự hợp tác có hệ thống giữa các bộ.
Việt Dũng
Nhà nước còn phải cố nhiều để chiếc bánh dịch vụ công trực tuyến dễ ăn hơn
Để cái bánh dịch vụ công trực tuyến dễ ăn hơn, cần xem lại những DVC đã được mời chào có thực sự sử dụng được không, làm sao để người dân sử dụng được dễ dàng.