Hàn Quốc, một trong những quốc gia đứng đầu về Chính phủ điện tử thế giới, đang bước sang giai đoạn tiếp theo: Chính phủ số thông minh.
Cùng với sự phổ biến của các dịch vụ cá nhân hóa cao, được “may đo” cho từng người và chuyển đổi số tăng tốc sau các sự kiện như Covid-19, kỳ vọng của người dân đối với chính phủ đã thay đổi đáng kể.
Do đó, Chính phủ Hàn Quốc nhận ra cần thay đổi căn bản để cung cấp cho người dân những dịch vụ toàn diện, cá nhân hóa, đáp ứng kỳ vọng cao của họ.
Hành trình 50 năm
Chính phủ Hàn Quốc đặc biệt quan tâm đến hiệu quả trong công tác hành chính. Năm 1967, Hàn Quốc sử dụng máy tính IBM 1401 – mẫu máy tính bán chạy nhất thời điểm đó – để thống kê điều tra dân số.
Năm 1978, công bố Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất để tin học hóa thủ tục hành chính. Năm 1984, xây dựng Kế hoạch Mạng lưới hệ thống thông tin cơ bản quốc gia.
Năm 1989, phát triển Hệ thống đăng ký công dân. Hàn Quốc ban hành các Quy định về chia sẻ thông tin hành chính (năm 1998) và Đạo luật Chữ ký số (1999). Thập niên 90 cũng ghi nhận việc triển khai các dịch vụ công kỹ thuật số.
Năm 2000, ban hành Đạo luật Chính phủ điện tử. Năm 2005, thiết lập Trung tâm dữ liệu chính phủ tích hợp. Năm 2011, cổng thông tin Data.go.kr ra mắt.
Năm 2012, phát triển Trung tâm dữ liệu chính phủ dựa trên đám mây. Năm 2017, công bố cổng dịch vụ công Gov.kr. Và hiện tại, Hàn Quốc hướng đến chính phủ số thông minh.
Mỗi giai đoạn, chính phủ Hàn Quốc đều đặt ra những mục tiêu khác nhau. Chẳng hạn, giai đoạn một, thập niên 70-80, một trong các mục tiêu chính sách chính là tăng cường hiệu quả của thủ tục hành chính thông qua tin học hóa các công việc hành chính.
Giai đoạn hai, từ cuối những năm 1980 đến những năm 1990, chính phủ nỗ lực kết nối các cơ quan hành chính trung ương và địa phương thông qua mở rộng mạng lưới thông tin, truyền thông.
Giai đoạn ba, vào những năm 2000, Hàn Quốc phát triển chính phủ điện tử bằng cách xây dựng mạng đường trục quốc gia và hoàn thiện tin học hóa hành chính.
Với việc ban hành Đạo luật Chính phủ điện tử vào năm 2020, những nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu của chính phủ điện tử như hiệu quả, dân chủ và minh bạch… đã được thúc đẩy.
Để phát triển chính phủ điện tử một cách có hệ thống, Hàn Quốc đã triển khai một số dự án và các chương trình theo giai đoạn phát triển công nghệ. Các quan chức nhà nước, vốn quen với làm việc thủ công, được đào tạo kỹ năng công nghệ thông tin.
Từ năm 2010 đến nay, Hàn Quốc luôn nằm trong top 3 chính phủ điện tử trong khảo sát của Liên Hợp Quốc. Trung bình mỗi năm, nước này chi 4,7 tỷ USD ngân sách cho công nghệ thông tin.
Cả nước hiện có hơn 16.000 hệ thống thông tin. 37 triệu người dân – tương đương 89% dân số - đang sử dụng các dịch vụ công kỹ thuật số và 98% hài lòng.
Tháng 10/2017, Bộ An ninh và Nội vụ Hàn Quốc ấn định ngày 24/6 là Ngày Chính phủ điện tử để nâng cao nhận thức của người dân.
Sở dĩ ngày 24/6 được chọn vì đây là ngày Cục thống kê thuộc Ban Kế hoạch kinh tế cũ lắp đặt chiếc máy tính đầu tiên ở Hàn Quốc năm 1967. Chính phủ đầu tư một chiếc máy tính đắt tiền bất chấp vẫn còn nghèo đói.
Trải qua nhiều thử nghiệm và sai lầm, Hàn Quốc đã tiến bộ trong mọi lĩnh vực quản lý và dân sự nhờ tận dụng hạ tầng mạng và công nghệ thông tin, mang lại lợi thế lớn trên toàn cầu.
Chính phủ điện tử Hàn Quốc – xuất phát từ một chiếc máy tính duy nhất – phát triển nhanh chóng trong hơn 50 năm và trở thành một trong những cường quốc chính phủ điện tử được thế giới công nhận.
Hướng đến chính phủ số thông minh
Thành công của 50 năm trước không đảm bảo cho thành công của 50 năm sau nếu vẫn còn những hạn chế căn bản. Hầu hết các bộ và tổ chức Hàn Quốc vận hành tổ chức riêng để phát triển và nâng cấp hệ thống tương ứng dựa trên chuyên môn riêng.
Hệ quả là sự phân chia giữa các bộ, ngành tăng lên, khiến việc liên kết hệ thống và dữ liệu khó khăn hơn. Sự phân tán này làm cho việc đáp ứng kỳ vọng của người dân về các dịch vụ tích hợp, cá nhân hóa cao càng khó.
Các dịch vụ công như Home Tax, WorkNet, Bokjiro đều đạt đến mức độ cao nhất trên thế giới nhưng ngày càng xa rời chính phủ một cửa mà công chúng mong muốn. Do đó, Hàn Quốc đặt mục tiêu tạo ra chính phủ một cửa, phá vỡ các ranh giới giữa các bộ, ngành.
Kế hoạch Chính phủ số 2021 – 2025 của Hàn Quốc đặt ra các mục tiêu: Phát triển dịch vụ công kỹ thuật số có chủ đích, cung cấp các kênh cung cấp dịch vụ cá nhân hóa, chỉ yêu cầu công dân cung cấp thông tin một lần, mặc định công khai dữ liệu và dịch vụ cho công chúng.
Để thực hiện các mục tiêu đó, cần triển khai các dịch vụ công thông minh, tạo điều kiện cho chính phủ dựa trên dữ liệu, củng cố sức mạnh nền tảng chuyển đổi số.
Sau khi quyết định chuyển đổi từ chính phủ điện tử sang chính phủ số, các dịch vụ công của Hàn Quốc đã được đa dạng hóa hoặc cải thiện để thân thiện với người dùng hơn. Chẳng hạn, Hàn Quốc mở rộng dịch vụ Mobile ID cho các dịch vụ không trực tiếp.
Số lượng các loại giấy tờ xử lý trực tuyến cũng tăng trong năm 2021, chẳng hạn chứng nhận quan hệ gia đình. Người dân còn có thể tìm kiếm thông tin cá nhân của họ mà các tổ chức công cộng đang nắm giữ và tải trực tiếp.
Hàn Quốc giới thiệu dịch vụ My Data, trong đó, dữ liệu ẩn danh có thể được chuyển dễ dàng cho người khác vì mục đích kinh doanh, mở ra sự phát triển của ngành công nghiệp dữ liệu.
Ứng dụng Kukmin Bisu gửi thông báo nhiều hoạt động khác nhau như kiểm tra sức khỏe theo chương trình bảo hiểm y tế quốc gia, hồ sơ xin cấp học bổng quốc gia đối với sinh viên, thông tin thuế cho người đóng thuế.
11 tổng đài của các bộ và 156 tổng đài của chính quyền địa phương, tổ chức công cộng được tích hợp vào một tổng đài duy nhất.
Chính phủ Hàn Quốc cũng mở rộng hạ tầng kỹ thuật số cho khu vực công. Chuyển đổi mạng truyền thông nhà nước từ mạng dây sang mạng 5G hỗ trợ xử lý một cách nhanh chóng.
Chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức được tổ chức lại để tất cả công chức có thể tham gia vào đổi mới chính phủ số và tham gia chuyển đổi số.
Quá trình bồi dưỡng chuyên gia trong cơ quan công quyền đối với các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu cũng được mở rộng.
(Tổng hợp)