Từ ngày 7/1, Chính phủ Hàn Quốc quy định người nhập cảnh phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 đã được cấp trong vòng 72h cho Cơ quan kiểm dịch tại sân bay Hàn Quốc.

{keywords}
Tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân ở Seoul. Ảnh: Yonhap

Về cách ly, người Hàn Quốc và người nước ngoài lưu trú dài hạn sẽ tự cách ly tại nơi cư trú trong vòng 14 ngày và xét nghiệm Covid-19 tại Trung tâm y tế trong vòng 3 ngày. Đối với người nước ngoài lưu trú ngắn hạn, phải cách ly tại cơ sở được chỉ định và khi đến sân bay Incheon sẽ được lấy mẫu và chẩn đoán tại phòng khám sàng lọc mở cửa từ 9-19h và tại Phòng chờ tạm thời từ 19h-9h.

Tiêm vắc xin diện rộng

Thời gian đầu, do thành công của công tác phòng chống dịch - kiểm soát được số ca lây nhiễm mới dưới 100 ca/ngày - nên Hàn Quốc khá chủ quan, dẫn đến chậm trễ trong việc đặt mua vắc xin và triển khai tiêm chủng. Tuy nhiên, hiện nay, họ tăng tốc và nhiều khả năng sẽ đạt mục tiêu hoàn thành tiêm mũi 1 cho trên 70% dân số tầm cuối tháng 9.

Hàn Quốc ưu tiên tiêm chủng theo độ tuổi (người cao tuổi tiêm trước) và theo nghề nghiệp (những người thuộc nhóm tuyến đầu chống dịch và nhóm nhân lực thiết yếu trong xã hội như bác sĩ, y tá, cảnh sát, quân đội…). Học sinh lớp 12 chuẩn bị thi đại học cũng được ưu tiên.

Trong quý 3 năm nay, Hàn Quốc triển khai việc tiêm phòng cho nhóm người trong độ tuổi từ 18-49 tuổi và đến quý 4 sẽ tiêm phòng cho các đối tượng còn lại chưa được tiêm. Họ miễn phí tiêm vắc xin Covid-19 cho tất cả người dân Hàn Quốc và người nước ngoài tại nước này.

Người đến lượt có thể đặt lịch tiêm vắc xin theo 3 cách: Đặt lịch online trên website đặt lịch tiêm chủng của Chính phủ; Gọi điện cho Cơ quan quản lý dịch bệnh Hàn Quốc theo số 1339 hoặc trung tâm y tế địa phương; Đặt lịch tại chỗ: đến văn phòng chính quyền địa phương, mang theo chứng minh thư/thẻ cư trú người nước ngoài và điện thoại chính chủ để được hướng dẫn.

Ngoài ra, dựa trên nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin ưu việt, Hàn Quốc đã và đang triển khai thành công dịch vụ đặt lịch tiêm “vắc xin Covid-19 còn dư”. Đây là vắc xin thừa và phải sử dụng hết trong ngày tại các cơ sở tiêm chủng do người đặt lịch không tới tiêm, hoặc có tới nhưng không thể tiêm. Nếu không được sử dụng thì vắc xin này có thể bị tiêu hủy, gây lãng phí trong bối cảnh lượng vắc xin chưa đủ như hiện nay.

Dịch vụ này đang rất được người dân Hàn Quốc hưởng ứng.

{keywords}
Thủ đô Seoul ngày 8/8

Hàn Quốc đang sử dụng một loại bơm tiêm đặc biệt được sản xuất trong nước gọi là bơm kim tiêm có khoảng chết thấp (LDS). Với bơm kim tiêm loại thông thường, một lọ vắc xin Pfizer có thể tiêm cho 5 người, nhưng nếu sử dụng LDS thì lượng vắc xin còn dư trong bơm kim tiêm được giảm xuống mức tối thiểu, nên một lọ có thể tiêm cho 6-7 người. Còn với vắc xin AstraZeneca, một lọ có thể tiêm cho tối đa 12 người.

Từ ngày 1/7, người đã hoàn tất tiêm chủng tại nước ngoài nhập cảnh Hàn Quốc với mục đích kinh doanh, học thuật, nhân đạo, thăm người thân trong gia đình trực hệ sẽ được miễn cách ly bắt buộc 2 tuần sau nhập cảnh.

Tuy nhiên, chính sách này sẽ không áp dụng đối với trường hợp nhập cảnh từ các quốc gia có biến thể virus hoành hành (thông tin các quốc gia không được áp dụng miễn cách ly cập nhật trên trang của Cơ quan quản lý dịch bệnh Hàn Quốc). 

Mô hình tham khảo cho Việt Nam

Áp dụng bài học kinh nghiệm của Hàn Quốc với tình hình dịch bệnh  trên thế giới cũng như tại nước ta hiện nay có thể thấy, vấn đề trước mắt là chấp nhận trạng thái “bình thường mới”, áp dụng cách tiếp cận “chung sống với dịch bệnh” để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, cũng như phục hồi kinh tế và hoạt động xã hội.

{keywords}
Sân bay Incheon

Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, các chính sách mà Hàn Quốc đã áp dụng thành công có thể trở thành mô hình để ta tham khảo.

Với số ca nhiễm lên đến 7-8 nghìn ca/ngày như hiện nay thì không thể bảo đảm việc đóng cửa, truy vết tốt là sẽ hết dịch. Việt Nam hiện đã xem xét việc phân loại đối tượng cách ly, điều trị theo kinh nghiệm của Hàn Quốc. Tuy nhiên, để làm tốt được đòi hỏi người dân cần chung tay trong việc chủ động, tự giác và nâng cao ý thức trong phòng chống dịch bệnh.

Hàn Quốc đã trải qua một số lần điều chỉnh các mức độ giãn cách xã hội, và quy định rõ ràng thành các mức 1, 2, 3, 4 sẽ dễ nhớ, dễ áp dụng cho mọi người. Việc xem xét, đánh giá, điều chỉnh hợp lý các mức độ giãn cách xã hội và biện pháp kiểm soát dịch bệnh ở từng địa phương, khu vực tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh, không để ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như hoạt động kinh tế ở các vùng không có dịch là vô cùng cần thiết.

Cùng với kiểm soát dịch bệnh, cần xác định nhiệm vụ cấp bách là khôi phục sản xuất, thậm chí đặt chỉ tiêu tăng ca sản lượng ngay trong đại dịch, không cần chờ phục hồi, không chờ “hậu Covid”. Điều cần làm hiện nay là phải đẩy mạnh tiêm phòng cho các đối tượng cần thiết. Hàn Quốc đã làm rất tốt trong phân loại đối tượng ưu tiên để thực hiện tiêm chủng.

Ở nước ta, trước mắt, cần ưu tiêm tiêm vắc xin ngay cho công nhân trong các lĩnh vực, doanh nghiệp chủ chốt; tạo mọi điều kiện để không gián đoạn sản xuất kể cả lao động tập trung.

Đồng thời, cần xem xét mở cửa cho các chuyên gia, nhà đầu tư (đặc biệt là các đối tượng đã hoàn thành tiêm vắc xin và có thể quản lý) được vào Việt Nam để duy trì, mở rộng các hoạt động đầu tư, kinh doanh.  

Trong bối cảnh một số nước, khu vực đã triển khai trên diện rộng tiêm vắc xin cũng như kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, ta có thể xem xét nối lại một số đường bay thương mại quốc tế tới các quốc gia, khu vực này.

Mặt khác, cũng cần xem xét đẩy nhanh việc công nhận hộ chiếu vắc xin và có biện pháp cách ly khoa học, hợp lý với các trường hợp nhập cảnh đã hoàn thành tiêm vắc xin.

Minh Anh (Từ Seoul)

Hàn Quốc trong đại dịch Covid-19: Phòng chống tốt, tăng trưởng cao

Phần 1 - Hàn Quốc trong đại dịch Covid-19: Phòng chống tốt, tăng trưởng cao

Đầu năm 2020, Hàn Quốc là điểm nóng thứ hai về dịch Covid-19 trên thế giới. Nhưng hiện họ là một trong số rất ít quốc gia thành công trong việc thực hiện mục tiêu kép.