- Hàn Quốc vào đầu thập niên 1960 là nước kém phát triển nhưng sau đó vượt qua giai đoạn phát triển ban đầu và thành công trong giai đoạn phát triển bền vững, trở thành nước tiên tiến trong thời gian rất ngắn.
Thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước này bắt đầu từ khi Park Chung-hee nắm chính quyền (năm 1961), thiết lập thể chế độc tài nhưng với quyết tâm phát triển đất nước.
Năm 1988 Hàn Quốc tổ chức thành công Thế vận hội Seoul và năm 1996 được kết nạp vào khối OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế), một tổ chức của các nước tiên tiến. Từ lúc bắt đầu kế hoạch phát triển đến khi trở thành thành viên của tổ chức các nước tiên tiến, Hàn Quốc chỉ mất có 35 năm!
Tại sao Hàn Quốc thành công trong quá trình phát triển liên tục, chuyển từ giai đoạn đói nghèo sang giai đoạn thu nhập trung bình thấp, rồi trung bình cao, và tiến thẳng lên nước có thu nhập cao trong thời gian ngắn?
Những người giỏi nhất ở các đại học danh tiếng nhất
Thứ nhất, ngay từ đầu Hàn Quốc đã có ngay sự đồng thuận của xã hội về sự cần thiết phải phát triển, phải theo kịp các nước tiên tiến, nhất là theo kịp Nhật (nước láng giềng từng đô hộ mình).
Để có sự đồng thuận, năng lực, ý chí và chính sách của lãnh đạo chính trị là quan trọng nhất. Dù dưới chế độ độc tài, quyết tâm phát triển của lãnh đạo chính trị được thể hiện bằng các chiến lược, chính sách do lớp kỹ trị xây dựng, quan chức được tuyển chọn theo năng lực, người tài được trọng dụng.
Như nhận xét của nhiều chuyên gia về Đông Á, ở Hàn Quốc, nhà nước có truyền thống chọn được người tài ra làm việc nước từ những người giỏi nhất ở các đại học danh tiếng nhất.
Đặc biệt, Park Chung-hee lập Hội đồng họach định kinh tế (Economic Planning Board) quy tụ những chuyên gia học ở Mỹ về, được giao tòan quyền họach định chiến lược. Khi chiến lược đã được hoạch định, Park trực tiếp chỉ đạo việc động viên các nguồn lực (vốn, ngoại tệ,…) và tạo các cơ chế để chiến lược thành công. Khi cần thiết ông tự mình, một cách rất công tâm và vì đất nước, chọn ra những DN có tiềm năng và tạo điều kiện thuận lợi để họ khởi động quá trình sản xuất những ngành công nghiệp nằm trong chiến lược phát triển.
Thủ đô Seoul của Hàn Quốc |
Thứ hai, Hàn Quốc xây dựng được một cơ chế rất hiệu suất, hiệu quả về quan hệ giữa nhà nước và DN. Trong quá trình đuổi theo các nước tiên tiến, mục tiêu cụ thể là tích cực đầu tư, tích lũy tư bản (nhưng tỉ lệ tiết kiệm ban đầu quá thấp phải vay nợ trong thời gian dài), đồng thời bảo hộ các ngành công nghiệp còn non trẻ và đẩy mạnh xuất khẩu để có ngoại tệ nhập khẩu nguyên liệu, công nghệ và trả nợ. Như vậy vai trò của nhà nước rất lớn. Trong tình hình đó, ở nhiều nước khác, DN cấu kết với quan chức để được tiếp cận với vốn vay ưu đãi, với ngoại tệ khan hiếm và với các nguồn hỗ trợ cho xuất khẩu. Nạn tham nhũng dễ phát sinh từ đó.
Nhưng Hàn Quốc nhìn chung đã tránh được tệ nạn đó nhờ có cơ chế minh bạch, nhất quán, công minh có tính cách kỷ luật. Cụ thể là DN đuợc nhận ưu đãi phải có nghĩa vụ tăng năng lực cạnh tranh, chẳng hạn phải xuất khẩu nhiều hơn truớc. Nếu không hoàn thành nghĩa vụ sẽ không được hưởng ưu đãi trong giai đoạn sau. Nói chung, các DN phải cạnh tranh nhau, đưa ra mục tiêu phấn đấu khả thi mới nhận được ưu đãi của nhà nước.
Khi đặt xuất khẩu là mục tiêu của quốc gia thì người lãnh đạo cao nhất phải thường xuyên quan tâm và chỉ đạo chính phủ theo dõi diễn tiến thị trường để có những điều chỉnh kịp thời về chính sách. Cơ chế hợp tác, liên kết giữa chính phủ và DN cũng được xúc tiến. Đặc biệt từ năm 1965, hàng tháng chính phủ tiến hành hội nghị thúc đẩy xuất khẩu. Ấn tượng nhất là tổng thống đích thân làm chủ tịch và chủ trì hội nghị này. Mục tiêu xuất khẩu đặt ra rất lớn nhưng hầu như năm nào cũng đạt được là nhờ cơ chế như vậy.
Thứ ba, Hàn Quốc đã thực hiện công nghiệp hóa trên cơ sở của học tập. Tỉ trọng dành cho giáo dục vào cuối thập niên 1950 chỉ có dưới 10% ngân sách nhà nước, nhưng đã tăng liên tục lên 15-18% trong thập niên 1960, và 19-21% trong đầu thập niên 1980. Đây là một trong những nước có tỉ lệ rất cao trong hai chỉ tiêu: tỉ lệ của sinh viên du học trên tổng số sinh viên trong nước và tỉ lệ người du học trở về trên tổng số sinh viên đi du học. Thành quả này nhờ có các cơ chế liên quan đến việc thi tuyển và đãi ngộ người tài.
Trong nỗ lực học tập, một điểm gây ấn tượng nữa là Hàn Quốc không ngừng tăng cường hoạt động nghiên cứu và triển khai công nghệ (R&D). Tỉ lệ của chi tiêu R&D trên GDP đã tăng liên tục từ 1% vào đầu thập niên 1980 lên đến khoảng 2,5% vào năm 2000 và 3,4% năm 2007. Trong nỗ lực này, trong giai đoạn từ thập niên 1980 trở về trước, nhà nước giữ vai trò chủ đạo, sau đó DN tư nhân đóng vai trò chính tuy ngân sách của nhà nước vẫn tăng liên tục.
Trung Quốc: Cùng thể chế, vì sao thành quả phát triển hơn VN?
Trong khoảng 30 năm qua, nhất là từ thập niên 1990, kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh mẽ. Từ năm 1980 đến 2008 bình quân mỗi năm tăng 10%, sau đó giảm nhưng vẫn giữ mức 7%. Trung Quốc đã trở thành công xưởng thế giới và từ năm 2010 là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.
Gần đây nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi: Tại sao thành quả phát triển của Trung Quốc hơn hẳn Việt Nam, mặc dù cùng một thể chế chính trị, cùng một mục tiêu cơ bản về phát triển xã hội. Năm 1991, Việt Nam đưa ra mục tiêu xây dựng kinh tế thị trường định hướng XHCN, còn Trung Quốc vào năm 1992 cũng phát biểu phương châm cơ bản là xây dựng kinh tế thị trường XHCN hoặc xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc.
Trung Quốc bắt đầu cải cách mở cửa trước Việt Nam 8 năm. Có thể nói lãnh đạo của Trung Quốc đã dứt khoát theo chủ nghĩa phát triển. Cụ thể là cho kinh tế tư nhân tự do phát triển và tạo điều kiện thuận lợi cho nước ngoài đến đầu tư trực tiếp (FDI).
Trong thập niên 1980, phe bảo thủ còn mạnh nhưng phe cải cách đã theo phương châm “Thực tiễn là thước đo chân lý” lấy thành quả cải cách bước đầu thuyết phục được những người bảo thủ và tiếp tục cải cách. Khi thấy khu vực phi quốc doanh phát triển mạnh, và thành hình một giới lãnh đạo DN mới, thay vì kìm hãm họ để bảo vệ lý tưởng vì giai cấp công nông, Trung Quốc đã đưa ra thuyết Ba đại diện (năm 2002) để tu chỉnh lý tưởng, mục tiêu của đảng Cộng sản.
Thứ hai là vai trò của chính quyền địa phương. Tại Trung Quốc, chính quyền địa phương cũng có tinh thần của “chủ nghĩa phát triển”. Các địa phương cạnh tranh nhau trong quá trình phát triển. Địa phương phát triển là điều kiện để lãnh đạo được đề bạt lên các chức vụ ở trung ương.
Thứ ba là năng lực triển khai chiến lược phát triển. Sau khi có chiến lược, phương châm phát triển, khả năng bắt tay ngay vào việc triển khai cụ thể được hay không dĩ nhiên ảnh hưởng đến thành quả phát triển.
Về mặt này thái độ của Trung Quốc rất ấn tượng. Ngay từ khi quyết định cải cách, mở cửa, Trung Quốc đã nhận thức sức mạnh của công nghệ, của tri thức và có chiến lược tận dụng nguồn lực của Nhật và Mỹ, hai nước được họ xem là mạnh nhất thế giới lúc đó. Họ cũng chọn Quảng Đông và Phúc Kiến để lập đặc khu kinh tế nhắm vào sức mạnh và tâm lý hoài hương của Hoa kiều mà đa số xuất thân từ hai tỉnh này.
Thực tiễn cho thấy chiến lược này rất đúng đắn. Trong thập niên 1980, trong khi hành lang pháp lý chưa được hoàn thiện, DN Âu Mỹ và Nhật Bản còn e ngại, sợ rủi ro, chưa đầu tư bao nhiêu thì Hoa kiều đã tích cực đổ vốn và đưa công nghệ vào 4 đặc khu kinh tế. Sang thập niên 1990, làn sóng FDI từ Đài Loan, Nhật Bản và các nước Âu Mỹ bắt đầu tích cực chảy đến Trung Quốc.
Thứ tư là chất lượng bộ máy nhà nước. Về phí tổn kinh doanh, tình trạng tham nhũng, hiệu suất của bộ máy hành chính, và các chỉ tiêu khác liên quan chất lượng thể chế, Trung Quốc đã cải thiện nhanh. Theo Doing Business 2014, số loại thuế mà DN phải nộp tại Trung Quốc giảm từ 35 loại năm 2005 xuống còn 7 loại vào năm 2012.
GS Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Nhật Bản)
Kỳ tới: Chủ nghĩa phát triển và mũi đột phá cho VN