Thị trường chứng khoán Hàn Quốc mở cửa phiên giao dịch ngày 4/12 giảm gần 2% sau một đêm biến động chính trị chưa từng có trong hơn 4 thập kỷ qua tại nước này, khi Tổng thống Yoon Suk Yeol áp đặt rồi dỡ bỏ lệnh thiết quân luật chỉ trong vài giờ.

Chỉ số chứng khoán phổ thông Kospi của Hàn Quốc và chỉ số công nghệ Kosdaq giảm mạnh, khoảng 2%, sau đó ổn định trở lại. Cả hai chỉ còn giảm dưới 1% sau khi có thông tin Hàn Quốc có khả năng triển khai các quỹ để hỗ trợ thị trường.

Trong đêm 3/12, cổ phiếu Hàn Quốc trên thị trường Mỹ chứng kiến một cú lao dốc mạnh ngay sau khi sự cố bất ổn chính trị tại Hàn Quốc diễn ra. Chỉ số iShares MSCI South Korea ETF (EWY) - đo lường biến động hơn 90 cổ phiếu của các công ty lớn và vừa tại Hàn Quốc - có lúc giảm tới 7%, xuống mức thấp nhất trong 52 tuần trước khi hồi phục trở lại và đóng cửa giảm hơn 1,6%.

Theo Hãng thông tấn Yonhap, cơ quan quản lý tài chính của nước này sẵn sàng đưa 10 nghìn tỷ won (khoảng 7,07 tỷ USD) vào quỹ ổn định thị trường chứng khoán bất cứ lúc nào để xoa dịu tâm lý thị trường.

TongthongHanQuocYoon 2024Dec4.gif
Tổng thống Yoon Suk-yeol. Ảnh: CNBC

Trong bối cảnh lo ngại về bất ổn tài chính, Hội đồng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Hàn Quốc (BoK) đã triệu tập một cuộc họp bất thường vào 9h sáng (khoảng 11h Việt Nam) sau khi ông Yoon dỡ bỏ lệnh thiết quân luật bất ngờ qua đêm.

Tuần trước, BoK đã cắt giảm lãi suất chuẩn 25 điểm cơ bản.

Đồng won Hàn Quốc giảm mạnh nhưng đã hồi nhẹ trở lại khi quốc hội Hàn Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật.

Đêm qua, đồng won có lúc giảm 2,7% so với đồng USD, xuống mức thấp nhất trong 2 năm. Đầu giờ sáng 4/12, won chỉ còn giảm 1% so với đồng bạc xanh, tới 8h20' (giờ Việt Nam) chỉ còn giảm nhẹ khoảng 0,2%.

Tuy nhiên, sự cố tại Hàn Quốc không có mấy ảnh hưởng đối với thị trường tài chính hàng hóa thế giới.

Giá vàng tăng khá mạnh, khoảng nửa tiếng, rồi sụt giảm trở lại. Chứng khoán Mỹ đêm qua và rạng sáng nay tiếp tục lập kỷ lục cao mới...

Kinh tế, tài chính Hàn Quốc bị ảnh hưởng ra sao?

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ban bố thiết quân luật từ 23h đêm 3/12 (21h giờ Việt Nam), chỉ trích phe đối lập "chống phá nhà nước", áp đặt các biện pháp như cấm quốc hội hoạt động và kiểm soát báo chí.

Ông Yoon nhắc đến việc đảng Dân chủ đối lập, chiếm đa số trong quốc hội Hàn Quốc, trong tuần đã luận tội một số công tố viên cấp cao và bác bỏ đề xuất ngân sách của chính phủ. Theo cáo buộc từ ông Yoon, phe đối lập đã “làm tê liệt các hoạt động tư pháp”.

Tổng thống Hàn Quốc cho rằng, việc cắt giảm ngân sách làm suy yếu các chức năng cơ bản của nhà nước.

"Sắc lệnh Thiết quân luật số 1" của Hàn Quốc cấm mọi hoạt động chính trị, trong đó có hoạt động của quốc hội, các hội đồng địa phương, đảng phái và hiệp hội chính trị, các cuộc mít tinh và tuần hành, phát tán tin tức giả, thao túng dư luận và tuyên truyền sai sự thật...

Lần đầu tiên trong 44 năm qua, một tổng thống Hàn Quốc ban bố thiết quân luật.

Tuy nhiên, lúc hơn 4h sáng (giờ Hàn Quốc), ông Yoon tuyên bố chấp nhận dỡ bỏ thiết quân luật như yêu cầu của quốc hội sau gần 6 tiếng lệnh này có hiệu lực.

Hồi tháng 4, đảng của ông Yoon thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội sau khi chỉ còn giữ được 105 ghế, còn đảng đối lập chiếm 170 trong số 300 ghế quốc hội.

Tổng thống Hàn Quốc đương nhiệm buộc phải rút lại lệnh thiết quân luật khi quốc hội, gồm cả một số thành viên trong đảng cầm quyền, bỏ phiếu ngăn chặn quyết định này chỉ vài giờ sau khi ban bố.

Đánh giá về cú sốc bất ngờ trên, trên CNBC, các chuyên gia Tập đoàn Citi cho rằng, tác động tiêu cực đến nền kinh tế và thị trường tài chính Hàn Quốc chỉ tồn tại trong thời gian ngắn vì những bất ổn về môi trường chính trị và kinh tế có thể nhanh chóng giảm nhẹ nhờ phản ứng chính sách chủ động.

Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Sang-mok cũng cam kết sẽ bơm thanh khoản không giới hạn vào thị trường tài chính, nếu cần thiết để ổn định thị trường.