Công văn Bộ NN-PTNT gửi đi nêu rõ, từ đầu mùa khô năm 2019-2020 đến nay, đợt xâm nhập mặn đạt mức cao xảy ra từ ngày 8-14/2/2020 (đạt đỉnh ngày 12/2) với ranh mặn 4 g/l ở các cửa sông Cửu Long từ 55-74 km.
Theo dự báo của các cơ quan nghiên cứu khoa học thuộc Bộ NN-PTNT, diễn biến xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL trong tháng 3/2020. Cụ thể, từ ngày 29/2-6/3/2020, xâm nhập mặn giảm theo kỳ triều xuống, nước ngọt có khả năng xuất hiện ở các cửa sông Cửu Long cách biển từ 45-55 km trở lên tại thời điểm triều thấp (chân triều).
Từ ngày 7-15/3, xâm nhập mặn tăng cao theo kỳ triều cường giữa tháng 2 Âm lịch. Đến cuối tháng 3, xâm nhập mặn có thể vẫn ở mức cao nhưng thấp hơn so với đợt xâm nhập mặn giữa tháng.
Hạn mặn đang diễn ra nghiêm trọng tài ĐBSCL |
Đáng chú ý, trong đó, đợt xâm nhập mặn từ ngày 7-15/3/2020 khả năng ở mức cao nhất từ đầu mùa khô, phạm vi ảnh hưởng của ranh mặn 4g/l . Theo đó, trên các sông ở khu vực này phạm vi ảnh hưởng sâu nhất khoảng 60-78km, cao hơn trung bình nhiều năm.
Nghiêm trọng nhất là trên Sông Vàm Cỏ khi phạm vi ảnh hưởng sâu nhất tới 100-110km, sâu hơn trung bình nhiều năm lớn nhất từ 25-32 km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 từ 3-5 km.
Cũng theo Bộ NN-PTNT, đợt xâm nhập mặn này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vùng canh tác cây ăn trái và nước sinh hoạt của người dân. Do đó, để giảm thiểu thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra, Bộ đề nghị UNBD các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng cường thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Đồng thời tổ chức giám sát chặt chẽ độ mặn tại các cửa lấy nước, vận hành đóng các cửa cống và công trình thủy lợi khi độ mặn vượt mức cho phép, đảm bảo mặn không xâm nhập sâu vào nội đồng. Tranh thủ tích trữ nước ngọt trong thời gian mặn xuống thấp để cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong thời gian xâm nhập mặn lên cao. Chưa tổ chức xuống giống lúa vụ Hè Thu ở những vùng có khả năng ảnh hưởng của xâm nhập mặn.
C.Giang