Để giảm ô nhiễm môi trường, từ năm 2025, TP Hà Nội sẽ chọn quận Ba Đình, Hoàn Kiếm làm thí điểm hạn chế ô tô, xe máy chạy bằng xăng, dầu. Điều này dấy lên lo ngại với việc người dân di chuyển bằng cách nào trong thời gian tới?
LỜI TÒA SOẠN
HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn Thủ đô.
Nghị quyết đặt ra lộ trình thực hiện vùng phát thải thấp chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1, từ năm 2025-2030 sẽ thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình; khuyến khích các địa phương lập vùng phát thải thấp.
Giai đoạn từ năm 2031 trở đi, các khu vực trên địa bàn thành phố có một trong những tiêu chí quy định về vùng phát thải thấp phải thực hiện quy định của nghị quyết.
Những người sinh sống và làm việc trong vùng phát thải thấp sẽ được hỗ trợ ra sao để chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, phương tiện giao thông không phát thải?
Chúng tôi mong nhận được sự chia sẻ từ quý độc giả, nhà quản lý, chuyên gia nghiên cứu… về những trải nghiệm thực tế, bài học kinh nghiệm cũng như đề xuất giải pháp mới cho vấn đề đang được quan tâm này.
Theo đánh giá của Bộ TN&MT, mức độ ô nhiễm không khí tăng lên mức đáng lo ngại trong khoảng 10 năm gần đây, tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội. Trong đó, thông số ô nhiễm không khí chính hiện nay là bụi mịn kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet (PM 2,5).
Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Thanh Nam cho hay nguồn gây ô nhiễm không khí tại chỗ của Hà Nội chủ yếu do bụi đường và phương tiện giao thông đường bộ, chiếm khoảng 58-74% tùy từng thời điểm. Trong nguồn phát thải từ phương tiện giao thông thì xe máy chiếm nhiều nhất, tiếp đến là taxi.
Ông Nam cho biết tính đến tháng 8/2024, thành phố có hơn 8 triệu phương tiện giao thông đường bộ (gần 1,13 triệu ô tô, hơn 6,9 triệu xe máy). “Xe máy đã sử dụng trên 10 năm chiếm 72,58% làm gia tăng mức phát thải chất độc hại vào không khí”, ông nói.
Trước vấn đề trên, ngày 12/12, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết quy định ‘vùng phát thải thấp’. Theo đó, từ năm 2025, Hà Nội bắt đầu thí điểm lập ‘vùng phát thải thấp’ ở một khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình.
Theo đó, khu vực này chỉ cho phép các phương tiện giao thông không phát sinh khí thải, xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch được lưu thông trong vùng phát thải thấp. Nghị quyết hạn chế hoặc cấm ô tô, xe máy không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải lưu thông vào vùng phát thải thấp theo khung giờ.
Cần lộ trình để người dân đỡ sốc
Anh Nguyễn Quốc Minh (làm việc ở quận Hoàn Kiếm) cho rằng, các quận nội thành của Hà Nội ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng, do vậy biện pháp hạn chế ô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu xăng, dầu hoạt động ở một số khu vực của quận Hoàn Kiếm, Ba Đình là cần thiết.
Tuy nhiên, theo anh Minh, để người dân sinh sống, làm việc ở quận Hoàn Kiếm, Ba Đình không bị sốc với việc lập ‘vùng phát thải thấp’, Hà Nội cần đưa ra lộ trình cụ thể để người dân tìm giải pháp đi lại phù hợp. “Nếu thành phố hạn chế ngay ô tô, xe máy gây ô nhiễm thì người dân đi lại bằng cách nào?”, anh Minh băn khoăn.
Lo ngại ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe, anh Trần Văn Thành (nhà ở quận Đống Đa) cho rằng, TP Hà Nội cần cấm xe xăng, dầu hoạt động trong các quận nội thành càng sớm càng tốt. Trong giai đoạn đầu, theo anh Thành, Hà Nội nên thay thế ngay hàng nghìn xe buýt chạy xăng, dầu bằng xe điện. Sau đó, thành phố đưa ra lộ trình giảm phương tiện cá nhân gây ô nhiễm.
Hằng ngày đi làm từ Hà Đông lên Ba Đình bằng tàu điện, chị Trần Thị Hạnh cảm thấy rất nhàn vì không chịu cảnh tắc đường. Do vậy, chị Hạnh ủng hộ giải pháp lập ‘vùng phát thải thấp’ của TP Hà Nội. Tuy nhiên, chị cho rằng để làm được điều nay, phương tiện vận tải công cộng cần đáp ứng đầy đủ và thuận tiện cho người dân.
Tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội chiều 11/12, Chủ tịch TP Trần Sỹ Thanh cho biết, việc lập ‘vùng phát thải thấp’ trên địa bàn với mục tiêu hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm để cải thiện chất lượng không khí.
Theo ông Trần Sỹ Thanh, thời gian tới, thành phố sẽ triển khai nhiều chương trình cụ thể để khuyến khích người dân vùng ‘phát thải thấp’ chuyển đổi sang sử dụng phương tiện xanh.
Cụ thể, Hà Nội sẽ phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất để có phương án giảm thiểu phương tiện chạy bằng xăng dầu vào vùng phát thải thấp; nghiên cứu phương án giảm giá, đổi xe cũ, hỗ trợ đổi xe cũ, vốn vay mua xe mới để người dân ‘vùng phát thải thấp’ cơ bản chuyển đổi xe máy cũ gây ô nhiễm sang xe điện.
Bạn đọc có ý kiến chia sẻ, đánh giá về vấn đề này có thể gửi về email: [email protected]. Bài viết được đăng tải trên VietNamNet sẽ nhận nhuận bút theo quy định của tòa soạn. Xin trân trọng cảm ơn!