Mới đây, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM vừa đề xuất rửa 31 tuyến đường trục chính với chiều dài hơn 260km. Ủy ban nhân dân các quận tại Hà Nội kiến nghị cho phép triển khai lại công tác rửa đường để giảm bụi từ các xe chở vật liệu.
Theo những đơn vị này, trên các tuyến đường có mật độ giao thông cao, xe chở vật liệu làm rơi đất cát bám dày 2 bên mép đường gây bụi làm tăng ô nhiễm không khí.
Thiết nghĩ, xử lý bụi và ô nhiễm không khí, rửa đường chỉ là giải pháp tạm thời. Về lý thuyết, rửa đường có thể giúp cải thiện một phần nhỏ bụi nào đó mà thôi. Cần có giải pháp căn cơ kiểm soát khí thải, xử lý hiệu quả tình trạng ô nhiễm không khí.
Nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm không khí trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM có điểm chung đã được chỉ ra có quá nhiều khói bụi thải ra mỗi ngày từ hàng triệu xe máy, xe hơi.
Hạn chế phương tiện cá nhân để giảm thiểu bụi |
Tại buổi tọa đàm về “Báo động về ô nhiễm không khí tại Việt Nam”, PGS.TS Hồ Quốc Bằng, chuyên gia nghiên cứu ô nhiễm không khí cho biết không khí tại TPHCM bị ô nhiễm nặng, đang và sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân thành phố. Trong đó, hoạt động giao thông chiếm tỷ lệ phát thải cao nhất hầu hết trong các chất ô nhiễm, cụ thể hoạt động giao thông chiếm 99% trong tổng phát thải CO2 của toàn TP.HCM. Riêng với khói bụi thì phát thải từ khí thải xe máy và do ma sát mặt đường, thắng xe, lốp xe chiếm 37,7%.
Nói đến nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội, Giáo sư Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã cảnh báo có hơn 70% bụi mịn siêu vi trong không khí thải ra từ các phương tiện xe máy và xe hơi.
Còn có nguyên nhân khác dẫn đến ô nhiễm không khí tăng cao như Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận: “Ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP. HCM từ năm 2017 trở lại đây gia tăng khiến người dân lo lắng” nhưng chưa được đề cập. Đó là nhiều cây xanh đã bị đốn hạ, mảng xanh mất dần trong quá trình đô thị hóa.
Hà Nội chỉ riêng việc mở rộng 2 tuyến đường đã làm mất đi 1.800 cây xanh, phần lớn là các loại cây to cao và có tán rộng đủ khả năng thanh lọc khói bụi, khí độc giúp giảm ô nhiễm môi trường. Điển hình dễ thấy là mất dần mảng xanh, chặt hạ 1.300 cây xanh làm đường vành đai 3 trong năm 2016, phá bỏ khoảng 500 cây xanh dọc sông Tô Lịch làm đường vành đai 2 trong năm 2018.
TP.HCM có diện tích cây xanh nghèo nàn chỉ đạt 0,5 m2/đầu người, rất thấp so với chỉ tiêu quy hoạch phải đạt 6-7m2/đầu người, chỉ có 102.000 cây có số có địa chỉ, thấp hơn gấp 10 lần so với Hà Nội.
Đã vậy, cây xanh không phát triển mà còn giảm dần. Chỉ riêng làm cầu Thủ Thiêm 2 đã có 115 cây di dời, 143 cây bị đốn hạ. Tiếc nhất là những hàng xà cừ trên đường Tôn Đức Thắng có tuổi đời từ vài chục tới hàng trăm năm đã bị đốn hạ, để lại các gốc cây trơ trọi, trống trải đến ngỡ ngàng.
Hà Nội và TP.HCM trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị đã có không biết bao hàng cây cổ thụ bị đốn hạ như ở đoạn đường Tôn Đức Thắng, vành đai 3, sông Tô Lịch. Những cây trồng mới liệu có thay thế cho mảng xanh từ hàng cây cổ thụ đã mất đi? Dễ thấy các tuyến đường thiếu vắng mảng xanh hoặc có cây xanh nhưng rất ít, còi cọc, lá úa, thưa thớt trồng cách nhau từ hàng chục đến hàng trăm mét cho có chứ khó đủ khả năng lọc không khí. Chưa kể các vụ xâm hại như đóng đinh để treo biển hiệu, quảng cáo, dùng hóa chất đổ vào gốc làm chết cây xanh.
Rồi đến hàng loạt công viên lớn nhỏ bị cắt xén mảng xanh để nhường chỗ cho thuê mặt bằng, kinh doanh, bãi đậu xe. Nhiều dự án phát triển mảng xanh, trồng cây vẫn còn nằm trên giấy. Những nơi được quy hoạch làm công viên bấy lâu nay vẫn còn là đất trống bỏ hoang hoặc bị chiếm dụng cho thuê buôn bán, mở quán cà phê, làm sân tennis... Vô số khu dân cư, chung cư, nhà cao tầng “mọc” lên vắng bóng cây xanh bởi chủ đầu tư “bỏ quên” khi làm công trình.
Lúc lập quy hoạch, mảng xanh được vẽ thật đẹp nhưng chậm triển khai, lắm khi xin điều chỉnh giảm mảng xanh để tăng diện tích xây dựng hoặc phân lô bán nền. Trong khi đó, cơ quan chức năng chưa có chế tài đúng mức và bỏ qua với các trường hợp vi phạm không phát triển mảng xanh.
Cây xanh rất quan trọng với đời sống con người, giúp cải tạo khí hậu, thanh lọc khí độc, điều hòa nhiệt độ, làm trong lành môi trường, cân bằng sinh thái, tạo bóng mát khi trời nắng nóng, cũng là nơi thư giãn lý tưởng. Cây xanh dọc bờ sông còn giúp trữ nước, giữ đất, tạo cảnh quan, bảo vệ an toàn địa hình, chống xói mòn.
Ngày nay nhiều nơi làm dự án lại đốn hạ cây xanh có sẵn để lấn sông xây bờ kè vừa tốn kém, dễ gây sạt lở. Hay mở rộng mặt đường, xây cầu, phát triển đô thị cũng đốn hạ hàng loạt cây xanh. Tôi thấy những lưỡi cưa, nhát búa chặt vào từng thân cây xanh giống như chặt vào chính cuộc sống con người, hậu quả thì đã quá rõ.
Về mặt khoa học, cây xanh càng to khỏe có chiều cao và tán rộng thì càng có tác dụng phân tán nhanh hơn, giảm tốc độ di chuyển và ngăn bụi. Khi trời mưa, các loại bụi bám trên cây xanh dễ dàng bị rửa trôi theo dòng nước xuống cống rãnh.
Rửa đường có thể giảm bụi bởi đất cát rơi vãi bị các phương tiện đi lại cuốn theo nhưng chỉ là hình thức đối phó, không giúp giảm đáng kể ô nhiễm không khí.
Cần các biện pháp căn cơ là phải ngăn ngừa, triệt bỏ nguồn gốc gây ô nhiễm không khí. Chẳng hạn, chú trọng đầu tư mở rộng mảng xanh, phát triển cây xanh một cách bài bản lâu dài, tích hợp vào chiến lược khung phát triển chung cho cả thành phố.
Những việc cần làm ngay, đừng phá bỏ mảng xanh thêm nữa. Hãy biết nâng niu gìn giữ những lợi ích thiên nhiên đã mang lại. Khi mở đường làm cầu hay xây dựng bất kỳ công trình nào cũng phải xem xét kỹ lưỡng nhằm tận dụng lại tối đa mảng xanh, nhất là những loại cây cổ thụ lâu năm nên xem như “di sản” cần được bảo tồn.
Đất trống đừng chất chồng lên đó thêm những công trình mà hãy ưu tiên tạo mảng xanh, nhất là khu vực có mật độ xây dựng cao, làm thêm công viên trong khu dân cư. Các trường hợp xâm hại cây xanh đều phải bị xử lý nghiêm để răn đe, cảnh báo.
Khi có một dự án xây dựng hay công trình bất động sản mới, buộc chủ đầu tư phải ưu tiên thực hiện là mảng xanh. Đánh giá và chấm điểm các công trình, tòa nhà, khách sạn, khu dân cư dựa trên tác động môi trường và đáp ứng sắc xanh.
Trồng cây trên đường phố phải có biện pháp chăm sóc đúng mức, phù hợp từng chủng loại, thói quen tăng trưởng, giá trị cảnh quan, đủ khả năng thanh lọc không khí.
Loại bỏ dần những cơ sở gây ra khói bụi, nhà máy xi măng lò đứng, bếp than tổ ong… Cần có quy định thiết thực cấm và xử lý các phương tiện vận chuyển vật liệu chở quá tải, không che chắn cẩn thận, gây rớt vật liệu xuống đường.
Những xe chuyên chở nguyên vật liệu, phế thải từ công trường xây dựng phải rửa sạch cả gầm xe mới được lưu hành trong thành phố, tránh bị phát tán. Trường hợp vi phạm phải bị xử lý nghiêm, phạt nặng và tạm giữ phương tiện.
Hà Nội và TP.HCM đã đến lúc nghĩ đến hạn chế xe cá nhân để giảm thiểu bụi nguy hại, cải thiện chất lượng không khí, góp phần giải quyết kẹt xe đang trầm trọng.
Đỗ Ngô Trần