Giống như Đồng Kỵ (Bắc Ninh), làng đồ gỗ mỹ nghệ Đông Giao (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) cũng thường xuyên giao dịch với khách Trung Quốc nên nơi đây cũng xuất hiện nhiều biển hiệu có chữ tiếng Trung. Tuy nhiên, ngay từ đầu cách làm biển hiệu của người dân ở đây đã khác với Đồng Kỵ.
Làng nghề ở Đồng Kỵ chuyên sản xuất bàn ghế, tủ gỗ, còn làng Đông Giao chuyên sản xuất hàng mỹ nghệ. Hai làng nghề đều có nét tương đồng và thị trường lớn nhất của cả 2 làng nghề này đều là Trung Quốc.
Chữ Trung Quốc chỉ đơn thuần là tên cửa hàng |
Làng đồ gỗ mỹ nghệ Đông Giao vốn đã nổi tiếng từ xa xưa, các thợ giỏi trong làng đều được triệu vào Huế để phục vụ cung đình. Hiện nay, làng nghề vẫn đang phát triển và thường xuyên xuất hàng sang Bằng Tường và Pò Chài (Trung Quốc).
Cách đây mấy chục năm về trước, làng Đông Giao chuyên làm sập gụ tủ chè. Ai muốn mua đều phải tìm đến làng Đông Giao đầu tiên, nhưng bây giờ phải bỏ vì đầu ra ít. Do ngày xưa các cụ hay chơi sập gụ tủ chè nên có thể tiêu thụ trong nước được, còn bây giờ chỉ ai thích mới chơi vì thế người dân đã chuyển hết sang làm đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu.
Chữ Trung Quốc trùng với màu nền và bé |
Theo các chủ hộ kinh doanh ở đây thì do 90% đầu ra của làng là xuất khẩu sang Trung Quốc nên các biển hiệu ở đây đều có các dòng chữ tiếng Trung ở phía dưới cho các lái buôn nhận biết. Tuy nhiên, quy cách có khác, đó là chữ tiếng Việt to và nổi bật hơn, dòng chữ tiếng Trung chỉ để bên dưới và nhỏ hơn.
Anh Duy, chủ một công ty chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cho biết, “tuy ở đây không nhiều thương lái Trung Quốc đến mua hàng như ở Bắc Ninh, nhưng cũng chiếm đến 90% đầu ra cho các sản phẩm ở đây. Còn lại 10% là tiêu thụ trong nước, do mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ này phải có điều kiện mới có thể chơi được.”
“Dân mình có chăng chỉ chơi bộ bàn ghế với thêm bộ tủ, còn chơi cây cảnh con giống thì phải có điều kiện mới mua được. Nếu Trung Quốc mà không nhập nữa thì coi như giải tán hết nên phải để tên công ty cho dễ phân biệt”, anh Duy cho biết.
Chị Ha là chủ 1 cơ sở khác tại đây cho biết: “Các lái buôn Trung Quốc sang đây chỉ khoảng 1 - 2 ngày, tranh thủ đến xem hàng, mua nhanh rồi về ngay, vì họ sang đây toàn làm hộ chiếu du lịch rồi tranh thủ đi xem hàng”.
“Còn việc để biển như thế để Trung Quốc vào mua hàng, vì người Trung Quốc rất nhiều, nhưng chẳng ai để hết tiếng Trung Quốc. Tại sao lại phải như thế! Mình là người Việt, làm sao phải để hết tiếng Trung. Mình chỉ để một dòng cho họ biết thôi”, chị Ha chia sẻ.
Cách đây vài tháng, khi chụp các ảnh về làng nghề mộc quanh phường Đồng Kỵ, Bắc Ninh, người ta có thể bị lầm tưởng là ở Trung Quốc. Bởi các biển hiệu ngập tràn tiếng Trung, thậm chí có những biển không có lấy 1 chữ tiếng Việt nào. Tuy nhiên, sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, các biển hiệu đã được thay đổi, tuy vẫn còn xuất hiện chữ tiếng Trung trên biển, song kích thước đã nhỏ hơn nhiều so với chữ tiếng Việt.
Tuy nhiên, dù đã thực hiện đúng theo quy định và phục vụ việc kinh doanh thì nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, việc lạm dụng tiếng nước ngoài trên biển hiệu là điều không nên.
(Theo Dân trí)