Yến sào có thật là “đại bổ” cho các chủ nhà yến như lời đồn đại về thu nhập vài trăm triệu đồng/tháng, hay vẫn có những người “ngậm đắng” vì chim trời ?

“Người lạ” nuôi yến

Tại xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ (TPHCM), người ta tự đặt tên cho những công trình nuôi chim yến là nhà ông Ba, ông Chín, ông Mười... Gọi vậy không phải vì quá thân thiết theo phong cách Nam Bộ, mà bởi vì người dân không biết tên thật, tung tích chủ nhân những căn nhà yến đồ sộ này, một phần cũng vì họ không gọi được những cái tên nước ngoài quá khó gọi.

“Mang tiếng là ở làng yến, nhưng tôi có biết gì về chim yến đâu” -anh Đặng Thanh Tính, ở ấp An Hòa, xã Tam Thôn Hiệp nói. “Cái nhà yến cả tỷ bạc, dân mình làm sao xây nổi".

Một trong những người được xem là thành công ở xã Tam Thôn Hiệp -ông A Lý -là một Việt kiều người Malaysia. Tính riêng tại đây, ông sở hữu 4 căn đã cho sản phẩm và 1 căn đang xây dở, thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi tháng. 


Trên địa bàn huyện Cần Giờ hiện nay có trên 35.000m2 đất công trình nuôi chim yến. Với một nhà nuôi yến có diện tích 5x20m, 3 tầng có tổng vốn khoảng hơn 1 tỷ đồng, bao gồm giá đất, giá thi công, giá kỹ thuật.

Khoản tiền đầu tư ấy là không tưởng với những người dân có thu nhập trung bình và thấp trong vùng. Cũng vì lẽ đó mà đa số người nuôi chim yến là người nước ngoài hay những nhà đầu tư từ Sài Gòn.

“Mười năm trước đây, thấy ông A Lý xây căn nhà nuôi yến đầu tiên ở xã Tam Thôn Hiệp, người ta không hiểu ông xây những căn nhà như “lô cốt” kín bưng đó để làm gì” - bà Tám Gấm, chủ cơ sở yến Thành Đạt, ấp An Lộc, một trong số ít người dân địa phương nuôi yến -hài hước kể. “Mãi rồi vài năm sau, khi ông thu hàng kilôgram tổ yến, người dân mới vỡ lẽ. Dân mình mới học theo, cũng xây nhà cho chim ở lấy phước mà hưởng cái lộc của trời”.

Lộc trời khó lấy

Câu chuyện hốt bạc tỉ từ chim trời của nhiều người như một chất kích thích các nhà đầu tư nhà yến tìm về Cần Giờ. Trên đường vào khu nuôi yến 10 căn, người dân vẫn tưởng chúng tôi là những người đi mua đất đầu tư vào nuôi yến.

Vậy mà, chẳng phải ai cũng có thể “làm bạn” với chim yến để cùng kiếm tiền tỷ từ những con chim nhỏ bé này.

Đầu tư vào nuôi yến tại khu 10 căn, ấp An Hòa cách đây gần 4 năm, anh Thành Danh vẫn chưa thu hồi được vốn. Cơ ngơi được anh đầu tư xây dựng cũng không kém những người hàng xóm là bao, cũng hệ thống loa, nhử mùi, điều hòa, phun sương…, nhưng đàn chim về làm tổ không nhiều như anh mong đợi.

“Khi mới bắt đầu, tôi được một kỹ sư người Malaysia tư vấn kỹ thuật và cam kết sau 8 tháng sẽ thu được 5kg mỗi tháng, với chi phí 350USD/m2” - anh Danh kể. “Thực tế, lượng chim yến đến ở không như cam kết và giá cả vào thời điểm đó là quá đắt”.

Quyết không bỏ cuộc, anh cho làm lại với kỹ thuật khác hẳn. Hiện nay, nhà nuôi chim yến của anh Danh có khoảng 300 – 400 tổ yến.

Vốn đầu tư lên đến hàng tỉ đồng, chủ yếu và quan trọng nhất ở khâu kỹ thuật. Gọi là “nuôi yến” nhưng trên thực tế, con người chỉ cung cấp nơi ở cho chim yến. Chim yến và người đều sống cộng sinh với nhau. Nguồn giống đều từ tự nhiên, không dẫn dụ được hay yến đến ít coi như thất bại nặng nề chứ không phải chuyện đùa, “làm chơi ăn thật” như người ta vẫn tưởng.

Theo bà Tám Gấm, những người nuôi chim yến đều có những phương pháp riêng được xem là bí quyết, không cho người ngoài biết. Ngoài cơ sở hạ tầng, người nuôi yến phải dày công chăm sóc mới mong thu lại lợi nhuận.

Khi dụ yến đến ở, bên cạnh hệ thống loa, phải xịt thuốc tạo mùi phân yến. Đến khi yến vào ở thì có thuốc tạo bầy đàn, khi đã có bầy thì có thuốc bắt cặp, khi hái yến lại có thuốc làm tổ lại. Vì thế, “dù có công nghệ của nước ngoài hoặc đầu tư hiện đại cũng chưa chắc dẫn dụ được yến. Có những nhà dù chưa xây xong yến đã vào ở, có nhà khác hoàn thành cả tháng hay thậm chí cả năm, dù có nhưng số lượng không nhiều là bao. Vậy nên nghề này cũng hên xui lắm”- bà Tám Gấm nói.

(Theo LĐ)