Giờ đây game thủ Việt đã chẳng còn xa lạ gì với Half-Life, tựa game bắn súng đình đám một thời tại khắp mọi phòng máy chơi game thời kỳ mạng internet chưa phổ biến như ngày hôm nay. Thế nhưng một điều cần nhớ, game thủ Việt chúng ta biết tới Half-Life không phải nhờ bản game gốc được cài vào máy tính chơi game, mà thông qua một trong những bản mod thành công nhất của chính tựa game FPS này: Counter-Strike.

 

Sau những trận đấu "chiếm chợ, móc nhà hoa" đầy mệt mỏi trong map cs_italy, nhiều game thủ đã chuyển sang... chơi "Half-Life ma", cụ thể hơn là mục chơi mạng của tựa game gốc, chế độ deathmatch. Ở đây game thủ sẽ phải đối mặt với mọi game thủ khác chứ không còn chia theo team nữa.

Với những món vũ khí giả tưởng cực chất, từ súng phóng lựu, cung tên cho tới cả súng bắn năng lượng cực khủng, game thủ đã tò mò và dần tìm hiểu thêm về phần chơi đơn đầy cuốn hút của Half-Life.

 

Cốt truyện của Half-Life không có quá nhiều khác biệt so với những tựa game bắn súng lấy bối cảnh giả tưởng vào thời bấy giờ. Những sự kiện trong game xảy ra ở khu nghiên cứu Black Mesa sâu trong hoang mạc thuộc bang New Mexico - một khu phức hợp giả tưởng có nhiều điểm giống với Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos và Area 51 (Mỹ).

Nhân vật chính là Gordon Freeman, một tiến sĩ vật lý sống sót sau một thí nghiệm thất bại tạo nên các làn sóng cộng hưởng với nhau làm thủng không gian, gần như phá hủy cả khu nghiên cứu, mở đường cho các sinh vật từ hành tinh Xen - một thế giới khác, xâm nhập vào Black Mesa.

Khác với đa số game FPS phổ biến thời ấy chỉ tập trung vào yếu tố hành động Run and Gun - chạy và bắn, bên cạnh những cảnh chiến đấu, Half-Life còn bao gồm những đoạn giải đố kết hợp với việc nhảy nhót, leo trèo, tương tác với môi trường xung quanh... Toàn bộ sự kiện diễn ra trong game được người chơi chứng kiến thông qua con mắt của Gordon Freeman, và vì vậy nên game không có những đoạn cắt cảnh.

 

Thay vào đó, người chơi sẽ được thấy những sự kiện được lập trình sẵn và được di chuyển tới gần hay đứng xa quan sát. Nhân vật chính Freeman không bao giờ nói trong game, chính điều này khiến mọi diễn biến trong game gần như được quan sát qua mắt của người chơi. Game không có những nhiệm vụ cụ thể, thay vào đó nó được chia ra thành các "chương". Mỗi khi bắt đầu một chương mới, tên chương sẽ hiện lên màn hình. Tiến trình chơi không gián đoạn, trừ những lúc game phải dừng lại để tải dữ liệu.

Kẻ thù trong game khá phong phú, gồm các sinh vật tới từ Xen như Headcrab, Bullsquid, Houndeye hoặc là người như lính trong lực lượng HECU, biệt kích... Đa phần đều có thể bị tiêu diệt bằng cách đối đầu trực tiếp, đặc biệt những trùm cuối mỗi chương bắt buộc người chơi phải vận dụng các yếu tố môi trường mới tiêu diệt được. Gần cuối game, người chơi nhận được "module nhảy xa" giúp họ hoàn thành các màn chơi tại hành tinh Xen - nơi có địa hình và trọng lực rất khác so với Trái Đất.

 

Người chơi thỉnh thoảng được hỗ trợ bởi các NPC. Các nhân vật này cũng thường xuyên được sử dụng để truyền đạt cốt truyện tới người chơi. Vũ khí tiêu biểu trong game chính là thanh xà beng Freeman kiếm được ở đầu game. Người chơi có thể sử dụng nó để đánh cận chiến hoặc tương tác với môi trường xung quanh như phá các vật cản, mở rương, thùng gỗ....

Bên cạnh cái chất của Half-Life, thì một phần thành công của tựa game này đến từ những bản mod. Như đã từng đề cập, thứ khiến cho Gabe Newell bắt đầu làm việc ở Valve Software chính là hình mẫu cỉa Quake và id Software. Tại đây, những nhà làm game công khai mã nguồn của tựa game, cho phép game thủ cũng như những lập trình viên PC không chuyên có thể sửa lại tựa game, nói ngắn gọn là tạo ra những bản mod, biến một game trở thành một sản phẩm với phòng cách mới hoàn toàn.

[GameK Đào Mộ] Half-Life "ma" - Game bắn súng khó quên của game thủ Việt
 

Như vậy là hàng loạt những bản mod lần lượt ra đời, nhưng thành công nhất trong số chúng là Team Fortress, tựa game bắn súng với phong cách MOBA chia các lớp nhân vật khác nhau, và Counter-Strike, lấy bối cảnh cuộc chiến chống khủng bố hiện đại.

Tuy Counter-Strike có được thành công hơn cả, nhưng không phải vì thế mà hình ảnh chàng khoa học gia tay lăm lăm chiếc xà beng lại không được game thủ Việt để mắt tới.