2 vụ cháy khiến 3 người thiệt mạng

Khoảng 6h ngày 19/1, Tổng đài 114 - Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an Thành phố Hà Nội tiếp nhận tin báo từ người dân về việc xảy ra cháy nhà tại địa chỉ số 79 phố Bạch Đằng, phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm).

Tiếp nhận thông tin, Trung tâm Thông tin Chỉ huy điều động 5 xe chữa cháy đến hiện trường.

Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Thành phố cũng điều động 2 xe chỉ huy, 1 xe tải chở phương tiện cùng cán bộ chiến sỹ đến hiện trường chỉ đạo công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. 

474080517_3054520494701003_3386530643996402522_n.jpg
Hiện trường vụ cháy tại quận Hoàn Kiếm. Ảnh: CACC

Địa điểm xảy ra hỏa hoạn là nhà dân cao 3 tầng, nằm cách phố Bạch Đằng khoảng 30m, tình hình đám cháy phức tạp, nhiều khói, khí độc, có khả năng cháy lan sang các nhà dân lân cận và gây khó khăn cho công tác chữa cháy.

Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã khẩn trương triển khai các biện pháp chữa cháy, ngăn cháy lan; dùng thang tiếp cận tầng 2 ngôi nhà bị cháy, phá cửa kính thoát khói tìm kiếm người bị nạn.

Quá trình chữa cháy, đã đưa 1 người bị thương tại tầng 2 ra ngoài và bàn giao lực lượng y tế đưa đến bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên người này đã tử vong tại bệnh viện.

Một ngày trước đó, vụ cháy xảy ra vào khoảng 0h58 ngày 18/1, tại số 173, khu phố Cầu Giẽ, xã Đại Xuyên (huyện Phú Xuyên) cũng đã khiến 2 người tử vong.

Ngôi nhà xảy ra cháy có 2 tầng, tầng 1 có lò ấp trứng gà vịt, tầng 2 sử dụng để ngủ, diện tích công trình khoảng 100m2 với kết cấu bê tông cốt thép gây khó khăn cho công tác chữa cháy.

Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã khẩn trương triển khai các biện pháp chữa cháy, sử dụng máy cắt khóa cửa chính và dùng thang tiếp cận tầng 2 ngôi nhà qua mái tôn tầng 1, phá cửa kính thoát khói và tìm kiếm người bị nạn.

hientriong4.jpg
Hiện trường vụ cháy tại huyện Phú Xuyên. Ảnh: CACC

Qua đó, đưa 2 người bị thương tại tầng 2 ra ngoài và bàn giao lực lượng y tế đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng những nạn nhân xấu số đã tử vong sau đó.

Mỗi gia đình cần lập 1 phương án thoát nạn

Có thể thấy, hai vụ cháy vừa qua đều xảy ra vào thời điểm ban đêm đến rạng sáng. Đại diện Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Việt Nam cho rằng, đây là thời điểm nguy hiểm nhất bởi các thành viên trong gia đình đang say giấc.

Đại diện Hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam đưa ra lời khuyên, các gia đình cần tìm hiểu ít nhất một cách thoát nạn khỏi hỏa hoạn tại các phòng trong nhà như phòng bếp, phòng ngủ, phòng khách… trong trường hợp lối ra bị chặn hoặc nguy hiểm bởi khói và lửa.

Đồng thời, có thể sử dụng phương án thứ hai bằng cách tìm hiểu thêm các đường thoát nạn từ ban công, lô gia, thang thoát hiểm hoặc các đường tiếp cận sang nhà hàng xóm để thoát ra khỏi đám cháy.

dien tap pccc son la.jpg
Công an Sơn La tổ chức diễn tập PCCC&CNCH. Ảnh: CACC

Những thành viên trong gia đình cũng cần tự thực hành và di chuyển thấp người xuống, men theo vách tường, cầu thang, đường đi đến các lối thoát nạn khỏi nhà của mình khi gặp các trường hợp có nhiều khói do hỏa hoạn.

Sau khi thoát ra được từ đám cháy trong nhà, cần tập trung các thành viên trong gia đình tại một địa điểm an toàn và thực hiện các bước như hô hoán, báo động cho người dân xung quanh biết để kịp thời thoát nạn, tham gia chữa cháy ban đầu.

Nhanh chóng thông báo cho đơn vị chức năng cúp cầu dao điện, dùng các phương tiện chữa cháy ban đầu như bình chữa cháy, nước, vải tẩm nước… Chú ý, gọi điện cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH theo số điện thoại 114 để thông báo khu vực xảy ra cháy.

Ngoài ra, đại diện Hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam cũng khuyên, mỗi gia đình cần kiểm tra các thiết bị điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt... trong gia đình trước khi đi ngủ để đảm bảo an toàn phòng cháy.