Mặt trời chưa ló rạng, anh Bùi Văn Tôn (31 tuổi) cùng vợ là chị Lê Thị Huệ (29 tuổi, trú thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) đã có mặt tại mảnh đất trống ở huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh để bắt châu chấu.
Họ đi xe máy, mang theo đồ nghề là 2 chiếc vợt tay có miệng rộng khoảng 60cm, cán gỗ dài hơn 2m. Ngoài ra còn có một bao tải đan bằng lưới để gom châu chấu và nước uống, thức ăn nhẹ.
"Thời tiết nắng nóng, chúng tôi phải đi sớm, từ khoảng 3h30. Điểm đến là những vùng đất trống, cánh đồng ở huyện Lộc Hà hoặc Cẩm Xuyên của Hà Tĩnh với quãng đường dài 130km đến 150km. Buổi sáng châu chấu dính sương nên khó nhảy và bay, thuận lợi cho việc bắt chúng", anh Tôn chia sẻ.
Đến nơi, hai vợ chồng dừng xe trên bờ đê, đi bộ xuống bãi đất trống nhiều cỏ rồi cầm vợt khua đi khua lại liên tục. Cứ như vậy, hàng trăm con châu chấu lần lượt lọt vào vợt.
Sau khoảng 10-15 phút, hai vợ chồng gom châu chấu lại cho vào bao lưới rồi tiếp tục vợt. Đến khoảng 9h, khi mặt trời lên, ánh nắng chói chang, họ trở về bán cho thương lái.
Theo anh Tôn, châu chấu ngày trước được xem như "giặc cỏ", là kẻ thù của nhà nông vì chúng phá hoại mùa màng. Thế nhưng, nhiều năm trở lại đây, loại côn trùng này đã trở thành đặc sản đồng quê trong các quán nhậu, nhà hàng mỗi khi hè đến. Người ta thường gọi là món "tôm bay".
Cũng từ đó, việc săn món "tôm bay" này trở thành nghề thời vụ từ tháng 4 kéo dài đến tháng 9 của nông dân thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An).
"Công việc này khá vất vả nhưng không mất nhiều vốn và mang lại thu nhập khá ổn định. Hai vợ chồng cùng làm nghề này đã được 5 năm. Nhờ đó, chúng tôi có thêm khoản kinh phí trang trải cuộc sống và nuôi 2 con nhỏ ăn học", anh Tôn nói.
Theo người đàn ông này, châu chấu non hiện được thương lái mua với giá 200.000-250.000 đồng/kg, dùng trong các nhà hàng, quán nhậu. Còn châu chấu già bán 180.000-200.000 đồng/kg làm thức ăn cho chim. Một ngày, hai vợ chồng kiếm được 600.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Theo Dân trí