Đã không ít lần cha mẹ buông ra những lời chê trách nặng nề về thế hệ của các con, đại loại như: “Một thế hệ thật kinh khủng, chỉ biết nằm ườn ra đó hưởng thụ mà chẳng có trách nhiệm hay cống hiến gì cho ai cả”, “Không thể tin nổi thế hệ trẻ bây giờ yếu đuối như cọng bún, khó khăn chút là bỏ chạy mà không chịu kiên trì chống chọi”, “Hồi bằng tuổi bọn con, cha mẹ đã biết lao động kiếm tiền hay gánh vác hết mọi việc nhà”.
“Thời xưa bị cha mẹ đánh bầm mình bầm mẩy mà không đứa nào dám hó hé nửa lời, chứ không như bọn con bây giờ chỉ mới bị nhắc nhở vài câu là đã nổi cơn tự ái hay tự do đáp trả”, “Tuổi thơ của cha mẹ chỉ biết có con người và cảnh vật, chứ không như tụi con suốt ngày chỉ biết cắm mặt vào mấy cái thiết bị điện tử đó, mặt cứ vô hồn vô cảm như robot, thật là đáng sợ”, “Trời ạ, cho ăn học tới bằng cấp nào rồi mà sao lại chọn cái nghề chả có tí danh phận gì cả”… Sau những phản ứng đó, cha mẹ chợt nhận ra mình lại đào sâu thêm hố ngăn cách với con mất rồi.
Phải thừa nhận rằng, cha mẹ dù đã cố gắng hết sức nhưng vẫn khó để chấp nhận sự khác biệt lạ lùng của thế hệ các con. Giữa thế hệ ông bà và cha mẹ tuy cũng có sự khác biệt nhưng không quá lớn như giữa thế hệ cha mẹ và các con. Chắc chắn hai thế hệ chúng ta đã phải chịu ảnh hưởng từ sự thay đổi đột biến của xã hội mà nổi bật nhất là sự bùng nổ kinh tế và sự thống lĩnh toàn cầu của ngành công nghệ…
Ai cũng biết một khi thế giới biến đổi thì tất cả mọi người ít nhiều cũng sẽ bị biến đổi, nhưng không ai biết rõ nó ảnh hưởng đến lối sống và các mối quan hệ như thế nào. Cha mẹ thừa nhận mình đã trở thành nạn nhân của dòng chảy mãnh liệt đó - bận rộn đến nỗi không còn thời gian cho bản thân, cắt giảm rất nhiều cơ hội có mặt để xây dựng mái ấm gia đình.
Cha mẹ vì phải lao theo quá nhiều mục tiêu mà không đủ sức để lắng nghe và thấu hiểu những khó khăn hay ước vọng sâu kín của các con. Nên dù đã cố gắng bù đắp bằng nhiều cách như mang về thật nhiều tiện nghi, cho các con học những ngôi trường danh tiếng, cung cấp đầy đủ mọi yêu cầu của các con… nhưng có vẻ như chẳng cải thiện được bao nhiêu khoảng cách giữa cha mẹ và các con, vì điều các con cần lại chính là cha mẹ.
Các con thì luôn cố ra vẻ bất cần cha mẹ như cả ngày chẳng thèm mở lời hỏi thăm một câu nào, tránh né những câu hỏi chạm vào góc riêng tư của các con, phản ứng dữ dội khi được yêu cầu ngồi xuống nói chuyện nghiêm túc, luôn tìm lý do để không tham gia các buổi sinh hoạt gia đình…
Nhưng sâu bên trong các con vẫn rất cần cha mẹ, và mẫu hình cha mẹ mà các con cần không phải là quá tài giỏi hay thành đạt, mà chỉ đơn giản là thấu hiểu và chấp nhận các con. Thật trớ trêu, điều mà các con cần tưởng chừng đơn giản nhưng lại vô cùng thách thức cho hầu hết các bậc cha mẹ ngày nay.
Bởi cha mẹ nào phải là một nhà tâm lý hay giáo dục tài ba mà có thể nắm bắt được mọi sự khác biệt trong tâm thức và cảm xúc của thế hệ các con. Mà dù cha mẹ có nắm bắt được thì chắc gì có thể chấp nhận hết được. Vì cha mẹ cũng là một người bình thường, nên đâu dễ chấp nhận những gì khác lạ hay trái ngược với mình, và nhất là nó được cho là có ảnh hưởng đến những người thân yêu như con cái, gia đình mình. Làm sao để cha mẹ thoát ra khỏi lăng kính đã lỡ đeo mang cả đời dù biết rằng hạn hẹp đây?
Những lúc lắng yên, cha mẹ cũng đã giả đặt nếu mình sinh ra trong một xã hội có quá nhiều biến động như hiện nay thì liệu mình có thể trở thành một phiên bản như các con không? Và câu trả lời là rất có thể. Vì sự thật là mọi đứa trẻ lớn lên đều chịu tác động rất lớn bởi tâm thức của cha mẹ, gia đình và cả cộng đồng, xã hội.
Nói cách khác, nếu các con được dưỡng nuôi trong một hệ sinh thái thật an lành, trong đó gia đình luôn chan hoà và hạnh phúc, bạn bè và hàng xóm là những người dễ thương và đáng tin cậy, nhà trường là nơi trau dồi những phẩm chất đạo đức và hiểu biết sâu rộng, cộng đồng và xã hội đều hướng đến những giá trị chân-thiện-mỹ… thì rất khó để các con trở thành những đứa trẻ sống buông thả, thiếu trách nhiệm, vô cảm hay ích kỷ. Cha mẹ phải thừa nhận rằng, cha mẹ đã chưa đủ giỏi để vừa tranh đấu với mưu sinh thành công vừa tạo ra được môi trường tốt đẹp nhất cho con trưởng thành.
Khi cố gắng đặt mình vào các con, cố gắng quan sát và nhìn sâu hơn để thấu cảm những khó khăn mà các con đang phải đương đầu, cha mẹ mới giật mình nhận ra cha mẹ chính là trong một những áp lực lớn nhất của các con. Càng yêu thương con là càng tạo thêm áp lực và đôi khi làm tổn thương con, bởi cha mẹ vẫn chưa hiểu hết về con, vẫn nhìn nhận và giải quyết theo kinh nghiệm cũ kỹ của mình.
Đáng lẽ cha mẹ phải là đồng minh của các con giữa vô vàn áp lực bủa vây, đáng lẽ thế hệ của các con phải được xem là thế hệ chịu nhiều thách thức và cần được nâng đỡ thay vì phải hứng chịu thêm sự lên án và kỳ thị. Và điều mà cha mẹ bừng tỉnh nhiều nhất, đó là nếu các con trở thành bản sao của cha mẹ mà phải sống giữa xã hội hiện đại này thì làm sao các con phát triển, và cha mẹ có phải là phiên bản hoàn hảo đâu nếu không muốn nói là cha mẹ vẫn còn khá nhiều khó khăn, hạn chế và cả sai lầm.
Vậy nên, giải pháp tốt nhất đó là các con hãy cứ là chính mình. Là chính mình nghĩa là không cần phải cố gắng để giống ai hay trở thành ai, bởi trong mỗi cá thể được vũ trụ đưa đến đây đều có chứa đầy đủ bản năng sinh tồn, tự vệ và cả vô vàn hạt giống tốt đẹp. Các con cứ sống theo cách mình suy nghĩ và cảm nhận về cái gì là hạnh phúc và mục tiêu lớn lao trong đời. Tuy nhiên, cha mẹ cũng mong các con hãy tiếp tục dành nhiều thời gian để khám phá và phát triển tối đa phiên bản riêng biệt của mình. Khi cha mẹ đã buông tay ra, trao trọn quyền làm chủ cuộc đời con cho con, thì các con hãy giúp cha mẹ tin tưởng rằng các con có thể làm tốt, thậm chí vượt xa những gì cha mẹ lo lắng về trách nhiệm này. Đến khi nào con cần có sự soi sáng về những quyết định lớn lao trong đời, cần có sự chia sẻ kinh nghiệm đối ứng trước những hoàn cảnh khó khăn, nghệ thuật sống chung hoà hợp và hạnh phúc, hay chỉ đơn giản là cần có một nơi an toàn và ấm áp như gia đình thì con cứ tự nhiên lên tiếng.
Cha mẹ sẽ rút về vai trò hậu phương thật vững chắc cho các con. Đây cũng là vai trò không hề nhỏ. Bởi muốn giữ phong độ ổn định, năng lượng tích cực, trái tim rộng mở… để các con nương tựa thì cha mẹ cũng phải luyện tập nhiều lắm, phải buông bỏ nhiều lắm.
Một trong những trách nhiệm phải nhanh chóng hoàn tất của cha mẹ đó là xoá nhoà khoảng cách giữa hai thế hệ. Một mặt sẽ bớt đề cao thế hệ cha mẹ, một mặt sẽ khám phá sự độc đáo của thế hệ các con. Cha mẹ sẽ luôn tự nhắc nhở mỗi thế hệ đều có thế mạnh riêng, nhưng tựu trung vẫn là mưu cầu hạnh phúc và yêu thương. Còn hình ảnh nào đẹp hơn khi thế hệ này nắm tay thế hệ kia bước qua gian khó, luôn cảm nhận sự nuôi dưỡng diệu kỳ trong nhau, luôn tìm thấy bản ngã chân thật trong nhau. Đến khi nào cha mẹ có thể thốt lên rằng, “Cảm ơn các con đã mang cha mẹ đi về tương lai”, tức là cha mẹ đã tìm thấy vị trí cao đẹp nhất của đấng sinh thành.