Đại sứ Phạm Quang Vinh - cố vấn cao cấp Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế (CSSD) chia sẻ góc nhìn về quan hệ Mỹ - Trung 2 hai tháng đầu khi ông Biden nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ.
Tình hình nước Mỹ
Trong 2 tháng qua, chính phủ mới cầm quyền dù phải đối phó nhiều khó khăn, thậm chí là khủng hoảng, nhưng có thể thấy rằng, Mỹ đã nhanh chóng triển khai hàng loạt hoạt động thực hiện rõ chủ trương đối ngoại.
Về khủng hoảng, nước Mỹ đang đối mặt cuộc khủng hoảng cả về dịch bệnh, kinh tế, biến đổi khí hậu, dân chủ trong và ngoài nước. Trong khi đó, trật tự thế giới dựa trên luật lệ bị thách thức; phát triển công nghệ thì tạo ra những thay đổi sâu sắc và cả đứt quãng…
Tất cả tạo ra lực cản với một nước Mỹ muốn thiết lập trở lại sức mạnh của mình, trở lại lãnh đạo thế giới dựa trên thế mạnh - điều mà ông Biden luôn khẳng định.
Từ trái sang phải: Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Trung Quốc Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan |
Hai nhiệm vụ trước mắt để tạo lập thế mạnh đó là: Xây dựng lại nước Mỹ, nhanh chóng thoát khỏi dịch bệnh và phục hồi kinh tế mạnh mẽ; Thực hiện chính sách đối ngoại để tái lập vị thế, quay trở lại và gắn kết với thế giới, lãnh đạo trật tự thế giới trên cơ sở hệ giá trị, chia sẻ lợi ích và thúc đẩy hệ thống đồng minh, tăng cường quan hệ đối tác cũ và mới, sử dụng các cơ chế đa phương.
Trong chính sách đối ngoại, chính quyền mới nêu rõ chủ trương với nước lớn (trong đó có Nga và Trung Quốc) là: Cạnh tranh chiến lược, đối diện với thách thức mà những nước này đặt ra về kinh tế, khoa học công nghệ, giá trị dân chủ…; Sẽ hợp tác nhưng khi nào phù hợp với lợi ích Mỹ và đoàn kết tạo ra một hệ thống đồng minh và đối tác, thúc đẩy trật tự dựa trên luật lệ.
Trong bức tranh đó, Trung Quốc nằm ở đâu?
Kể từ khi ông Biden lên nắm quyền, đã có một loạt phát biểu về chính sách và đặc biệt là chỉ dẫn về chiến lược an ninh quốc gia công bố ngày 3/3.
Điểm lại một vài dấu mốc trước đó: Vào ngày 20/1, khi nhậm chức, ông Biden đưa ra kế hoạch để nước Mỹ lãnh đạo thế giới. Ngày 4/2, ông có phát biểu tại Bộ Ngoại giao về vị trí nước Mỹ trong thế giới hiện đại. Ngày 3/3 là chỉ dẫn chiến lược an ninh quốc gia tạm thời.
Cũng trong ngày 3/3, Ngoại trưởng Antony Blinken phát biểu tại Bộ Ngoại giao giải thích rõ hơn về chiến lược này. Cố vấn an ninh quốc gia Sullivan hay Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đều nói về chính sách đối ngoại, quan hệ giữa các cường quốc, những mục tiêu ưu tiên về đối ngoại và an ninh nước Mỹ…Tất cả đều liên quan tới Trung Quốc.
Cạnh tranh khi cần thiết, hợp tác khi có thể, sẵn sàng coi là đối thủ khi bắt buộc
Dường như ông Biden và chính quyền của ông đều có sự nhận diện rất lớn về Trung Quốc khi ngay từ đầu nhiệm kỳ đã xác định đây là đối thủ cạnh tranh chiến lược. Có lẽ câu nổi bật nhất trong phát biểu của Ngoại trưởng Blinken là “Trung Quốc là thách thức địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ 21 mà Mỹ đối mặt”. Câu nói này thể hiện sự nhất quán trong quan điểm về Trung Quốc trong nội các mới của Mỹ.
Cụ thể hơn, tại sao lại như vậy? Bởi Trung Quốc là nước duy nhất đủ mạnh về chính trị, ngoại giao, kinh tế, quân sự và công nghệ để có thể thách thức Mỹ cả về vị trí, lợi ích cũng như trật tự thế giới hiện hành. Hơn nữa, Trung Quốc thời gian qua có một loạt hoạt động cả trong nước và nước ngoài thách thức hệ giá trị Mỹ và áp đặt các nước khác.
Đại sứ Phạm Quang Vinh |
Trên thực tế, rõ ràng là chính sách hiện nay của Mỹ đi theo nhận thức đó.
Chỉ dẫn chiến lược an ninh quốc gia cùng phát biểu của Ngoại trưởng Blinken cho thấy Mỹ có 8 ưu tiên cấp bách thì Trung Quốc là một trong 8 ưu tiên đó nhưng lại cực kỳ quan trọng. Để ứng phó, Blinken đúc kết rõ ràng 3 điểm: Sẽ cạnh tranh với Trung Quốc khi cần thiết; Hợp tác khi có thể và sẵn sàng coi là đối thủ khi bắt buộc.
Như vậy, 3 cụm từ này cho thấy, trong thời gian tới, chiến lược của Mỹ với Trung Quốc sẽ được định hình rằng, cạnh tranh là chính, có điều kiện thì hợp tác nếu phù hợp với lợi ích nước Mỹ và khi cần trực diện sẵn sàng coi nhau là đối thủ, đối diện với nhau về những khác biệt.
Có mấy lĩnh vực mà Mỹ đang rất khác với Trung Quốc. Đó là thương mại, công nghệ, các giá trị dân chủ và việc Trung Quốc dùng sức mạnh để cưỡng ép các nước khác cả về chính trị, ngoại giao, kinh tế. Trung Quốc cũng thách thức trật tự thế giới dựa trên luật lệ hiện hành và xâm phạm vào cái gọi là không gian chung của nhân loại như hàng hải, hàng không ở Biển Đông, Hoa Đông, hay Ấn Độ Dương…
Còn những lĩnh vực có thể hợp tác và phù hợp với lợi ích Mỹ thì đó là biến đổi khí hậu, sức khỏe toàn cầu, phòng chống dịch bệnh hay kiểm soát vũ khí, vấn đề Iran hay bán đảo Triều Tiên.
Cần chú ý là, trong tăng cường đối thoại với Trung Quốc, Mỹ chủ trương đối thoại dựa trên thế mạnh, tức là dám đương đầu với khác biệt và dựa trên hệ thống đồng minh.
Rà soát các biện pháp ứng phó
Nước Mỹ cũng đang cho rà soát lại các biện pháp để ứng phó với Trung Quốc hiệu quả hơn. Một là ông Biden đã yêu cầu trong vòng 4 tháng, rà soát lại chuỗi cung ứng, tập trung nhất là vào việc tương tác và lệ thuộc của Mỹ như thế nào. Việc này sẽ liên quan rất nhiều đến sau này như câu chuyện kiểm soát thuế, quan hệ với Trung Quốc về mặt kinh tế, thương mại khác.
Thứ hai là rà soát công nghệ, đặc biệt là công nghệ quan trọng. Thứ ba là rà soát lại bố trí lực lượng quân sự Mỹ trên thế giới, làm sao tập trung vào Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Thứ tư, bên cạnh việc kế thừa chính sách tiền nhiệm, Tổng thống Biden còn ban hành nhiều chính sách mới. Ví dụ về đánh thuế thương mại, từ thời ông Trump vẫn giữ nguyên. Về các biện pháp hạn chế với công nghệ và công ty công nghệ Trung Quốc, ngoài biện pháp cũ lại có thêm hành xử mới gia tăng hơn…
Điểm nhấn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Đây tiếp tục là khu vực quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại và an ninh của nước Mỹ dưới thời Biden. Điều này thể hiện rất rõ trong các văn kiện đưa ra và trong việc củng cố đồng minh, coi trọng ASEAN và tăng cường cơ chế QUAD (tứ giác kim cương gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia).
Tháng 2 là cuộc họp ngoại trưởng, tháng 3 là hội nghị cấp cao QUAD lần đầu tiên. Hội nghị này có ý nghĩa: Nâng cấp quan hệ, thể hiện việc Mỹ coi trọng ở cấp cao nhất muốn nâng cấp QUAD và đồng thời được các nước còn lại hưởng ứng.
Nếu nhìn vào toàn bộ hoạt động và tuyên bố của QUAD thì từ Trung Quốc không xuất hiện với tư cách là mối đe dọa, chỉ có một từ xuất hiện với tư cách hợp tác. Nhưng trên tất cả vấn đề về mặt chiến lược cũng như hợp tác cụ thể đâu đó đều thấy bóng dáng Trung Quốc.
Nhìn chung đều đánh giá QUAD là trụ cột quan trọng trong an ninh đối ngoại khu vực với mỗi nước bộ tứ. Thứ hai là nhấn mạnh vai trò của các nước này về mặt địa chiến lược, tức là trật tự dựa trên luật lệ, trong đó có câu chuyện an ninh và tự do hàng hải.
Thứ ba là hội nghị nhấn mạnh một chương trình nghị sự mở mang tính tích cực, có thể gắn kết nước hợp tác với nhau về công nghệ, biến đổi khí hậu, chuỗi cung ứng, an ninh khu vực… Từ đó tạo ra sự so sánh và chọn lựa khác biệt so với cách làm của Trung Quốc.
Phần 2: Khúc dạo đầu của cuộc đụng độ quan điểm chiến lược Mỹ - Trung
Thái An ghi
Đối thoại Mỹ - Trung kết thúc như băng giá Alaska
Cuộc đối thoại song phương trực tiếp quan trọng đầu tiên giữa các quan chức cấp cao Mỹ - Trung kể từ khi ông Joe Biden đắc cử đã kết thúc trong “băng giá”.